Đi tìm dấu tích ông tổ nghề ở làng điêu khắc sừng Thụy Ứng

Cập nhật: 16:35 | 20/04/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Làng nghề lược sừng Thụy Ứng (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) nổi tiếng lâu nay là làng nghề duy nhất trên cả nước làm lược bằng sừng trâu, bò. Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, sự biến động và cạnh tranh của thị trường nhưng làng nghề vẫn tồn tại và phát triển cho đến tận ngày nay.  

di tim dau tich ong to nghe o lang dieu khac sung thuy ung Hội chợ Làng nghề 2018: Phát triển sản phẩm chủ lực của các làng nghề
di tim dau tich ong to nghe o lang dieu khac sung thuy ung Sản phẩm làng nghề: Gặp khó vì thiếu thương hiệu

Làng nghề cổ truyền

Theo Niên biểu lịch sử Việt Nam 2000 năm, lược sừng Thụy Ứng ra đời từ thời vua Lê Trung Tông, hiệu Thuận Bình, làm vua từ năm 1549 đến 1556 (thời kỳ Nam Bắc Triều). Còn trong Tạp chí Dân tộc học số 1 năm 1991, tác giả Hùng Minh có giới thiệu về ông tổ nghề và khoảng thời gian xuất hiện nghề lược sừng ở Thụy Ứng như sau: có hai anh em là cháu tiến sĩ Trần Đắc, người làng Thụy Ứng, không rõ người anh hay người em sau khi đi học nghề đã trở về dạy lại cho dân làng nghề làm lược sừng.

di tim dau tich ong to nghe o lang dieu khac sung thuy ung
Một cơ sở sản xuất hàng sừng tại làng nghề Thụy Ứng (huyện Thường Tín).

Đến nay vẫn chưa có tài liệu nào nói rõ về ông tổ của làng nghề, nhưng để tỏ lòng biết ơn, dân làng đã làm bức ảnh chân dung ông tổ nghề khảm trai ốc, lồng trong giá gương để thờ tại Tam bảo chùa làng. Đến năm 1932, dân làng khởi công xây dựng ba gian nhà ngói để rước ông tổ nghề về thờ tại Hậu cung. Ngoài tiền sảnh có bức đại tự "Dân tiền giác", nghĩa là người biết trước dân, và bức hoành phi bốn chữ "Sở đầu Thánh nhân", tức vị thánh khởi đầu.

Hàng năm, vào ngày 15 tháng 2 và 15 tháng 8 Âm lịch, người làng nghề đã lấy đây là ngày tổ chức tế lễ, dâng hương để tưởng nhớ công ơn ông Tổ nghề đã mang nghề về truyền dạy cho nhân dân. Vào những ngày này, con cháu trong làng nghề mặc dù có đi học, đi làm ăn xa cũng tìm về để thắp hương tưởng nhớ đến ông Tổ nghề, cầu an lành, thịnh vượng cho làng nghề và răn dạy con cháu biết quý trọng nghề, bảo tồn và phát triển nghề của tổ tông thêm thịnh vượng. Nói về chiếc lược sừng, ban đầu, chiếc lược có hình vuông, sau cải tiến thành hình cong như múi bưởi. Nguyên liệu làm lược cũng vậy, đầu tiên bằng gỗ bưởi, sau chuyển sang làm bằng sừng vì làm bằng sừng, chiếc lược chẳng những đẹp hơn mà còn có độ bền lâu.

Để làm ra được một sản phẩm lược sừng người thợ phải thực hiện ít nhất 30 công đoạn; từ khi mua sừng về cắt thành ống, hơ ép, réo thành khuôn… rồi mới cắt răng, chà lát, đánh bóng. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người thợ phải thật khéo léo, tinh mắt. Làm sừng rất khó bởi “không chiếc nào giống chiếc nào” và người thợ phải tùy theo từng chiếc sừng mà hơ, ép, pha, cắt. Sừng trâu non uốn khỏi tay lại vênh, có cái phải uốn tới cả chục lần, nhưng khó nhất vẫn là lúc tạo dáng hay còn gọi là lấy phôi. Nếu ngay từ khâu lấy phôi không chuẩn thì sẽ mất đi dáng lược, lược bị biến dạng. Giá trị của mỗi sản phẩm làm từ sừng không đắt ở chất liệu sừng mà đắt ở công của người thợ chế tác.

Theo kinh nghiệm của những bậc thầy làm lược sừng: Nếu làm thớ ngang, lược dễ gãy, làm thớ dọc thì lược sẽ bền đẹp. Lược màu trắng, làm từ sừng trâu trắng có giá hơn lược đen. Lược làm từ sừng cũng có giá trị hơn lược làm từ móng. Nhưng phải là người Thụy Ứng mới phân biệt được đâu là chất sừng từ móng, đâu là chất sừng thuộc cặp sừng.

Có thể nói, trong hàng mấy chục năm của thập kỷ 50, 60, 70 của thế kỷ 20, những chiếc lược sừng của Thụy Ứng đã trở thành một món hàng được nhiều nơi ưa chuộng. Những chiếc lược sừng đen, chiếc lược bí sừng màu ngà vàng đã trở thành vật dụng không thể thiếu cho hầu hết người dân ở các tỉnh miền Bắc. Tuy nhiên, tới khi những chiếc lược nhựa giá rẻ hơn lại được làm với hình dáng và màu sắc phong phú ra đời, đã khiến cho những chiếc lược sừng Thụy Ứng lao đao, không còn chỗ đứng. Chiếc lược sừng nổi tiếng một thời của làng Thụy Ứng không còn được ưa chuộng và làng nghề đứng trước nguy cơ bị mai một.

di tim dau tich ong to nghe o lang dieu khac sung thuy ung
Sản phẩm mỹ nghệ làng Thụy Ứng rất được ưa chuộng.

Mỹ nghệ sừng vươn tầm thế giới

Với mong muốn không để một nghề cổ như vậy thất truyền, bắt đầu từ năm 1997, nhiều người thợ làng Thụy Ứng đã quyết tâm giữ gìn, khôi phục lại tổ nghề, họ vừa nghiên cứu thị trường tìm lối ra cho những chiếc lược truyền thống, vừa mày mò cải tiến cách làm cũng như mẫu mã để có những chiếc lược đẹp hơn với giá cả phải chăng. Nhờ quyết tâm, nỗ lực giữ nghề cộng với việc kinh tế trong và ngoài nước ngày càng phát triển, hàng nghìn chiếc lược sừng trước đây làm ra chưa bán được thì nay đã có cơ hội tiêu thụ, các cửa hàng, đại lý tìm đến tận làng nghề để đặt mua hàng lược sừng với số lượng lớn. Tiếng máy mài, máy cắt sừng, máy khoan… kêu vang khắp làng, xe ôtô ra vào làng lấy và trả hàng thường xuyên.

Do nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng, nên các sản phẩm của làng nghề làm ra đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đấy. Đã có thời điểm, hàng lược sừng khan hiếm trên thị trường do làng nghề sản xuất không đủ để cung cấp cho thị trường. Những chiếc lược sừng của Thụy Ứng từ thời đó đã trở thành một món hàng được nhiều nơi ưa chuộng khắp từ Bắc vào Nam, vươn ra nước ngoài tới các nước Đông Nam Á và Đông Âu.

Hiện nay, để đáp ứng thị hiếu của người sử dụng, làng nghề Thụy Ứng còn cho ra đời nhiều sản phẩm thủ công, mỹ nghệ đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã, có giá trị kinh tế cao, như: thìa, muôi, bát, các loại tranh, ảnh nghệ thuật làm bằng chất liệu sừng… Nhiều sản phẩm được chế tác thủ công cực kỳ tinh xảo, đòi hỏi đầu tư thời gian và tâm sức rất lớn như tác phẩm: long phượng kỳ duyên, song hổ tranh đấu, bức tranh lục bình… được khắp nơi trong nước ưa chuộng và xuất khẩu sang các nước, trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ vô cùng độc đáo của Việt Nam.

Để hiện đại hoá trong mọi khâu, người thợ Thụy Ứng đã áp dụng sản xuất theo dây chuyền công nghiệp như: dùng máy cưa để cắt sừng; dùng máy thủy lực ép các đoạn sừng và móng sừng thành phôi (những bản đã được ép phẳng); dùng cưa để tách phôi; dùng khuôn mẫu các loại lược để cắt bằng máy; dùng mô-tơ chuốt bóng sản phẩm… Nhiều cơ sở sản xuất của làng hiện nay đã cử người đi học đồ hoạ, học tin học… đến nay đội ngũ thợ có nghề tốt nghiệp cao đẳng, đại học phục vụ trong làng nghề đã lên tới vài trăm người. Đây là lớp kế cận vững chắc của làng nghề, bởi trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì việc nâng cao trình độ văn hoá, trình độ chuyên môn cho người làng nghề là rất cần thiết.

Không thể biết đã có bao nhiêu sản phẩm của làng Thụy Ứng đã được xuất ra nước ngoài, nhưng người dân làng Thụy Ứng ngày một tự hào, bởi một làng nghề đã từng đứng bên bờ vực thất truyền thì nay đang hồi sinh trở lại với một sức sống mãnh liệt. Mặc cho thời gian cứ trôi, nghề chế tác sừng trâu, bò vẫn được nhiều thế hệ trong làng lưu truyền từ đời này sang đời khác. Ở mỗi lớp thợ đều có tính kế thừa và sáng tạo, để các sản phẩm của làng nghề vừa lưu giữ được nét truyền thống, vừa đáp ứng được nhu cầu thị trường.

di tim dau tich ong to nghe o lang dieu khac sung thuy ung

Xưởng chế tác xương, sừng của hộ gia đình anh Nguyễn Xuân Huy được đánh giá lớn nhất - nhì ở thôn Thụy Ứng. Bình quân mỗi tháng, gia đình anh Huy nhập 3 container nguyên liệu, chủ yếu là sừng trâu từ Ấn Độ và một số nước châu Phi, tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động. "Chế tác đồ mỹ nghệ từ xương, sừng là nghề truyền thống của gia đình, tôi làm nghề này cũng đã được hơn 20 năm. Những năm gần đây, nghề xương, sừng ở Thụy Ứng ngày một phát triển, hầu như các hộ đều có máy móc hỗ trợ sản xuất, như: Máy cưa để cắt sừng, máy thủy lực ép các đoạn sừng thành phôi, máy chà cho nhẵn và chuốt bóng sản phẩm... nên năng suất cao, sản phẩm phong phú" - anh Huy cho biết.

Chị Nguyễn Thị Xuyến - thợ chế tác xương, sừng ở thôn Thụy Ứng phụ trách khâu mài bóng đồ trang sức vui vẻ chia sẻ: "Việc không nặng nhọc, mỗi tháng được trả 4,5 triệu đồng tiền công. Ở nông thôn, tìm được công việc gần nhà, không mất chi phí ăn, ở, đi lại nên tiền công như vậy khá ổn. Từ ngày có việc làm, kinh tế gia đình tôi ngày một cải thiện”.

Nếu như trước đây, sản phẩm chính của làng nghề Thụy Ứng là lược sừng thì hiện nay các mặt hàng đa dạng hơn với hàng trăm mẫu như: Thìa, dĩa, muôi, đồ trang sức (vòng đeo tay, đeo tai...). Ngoài nguyên liệu sừng, người thợ Thụy Ứng còn tận dụng các phần khác của trâu, bò để tạo ra các sản phẩm: Dây lưng, bàn chải, túi xách... Đa số sản phẩm được xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu. Theo Trưởng thôn Thụy Ứng Nguyễn Tuấn Anh, hiện thôn có khoảng 600 hộ làm nghề, chiếm 60% tổng số hộ toàn thôn; trong đó, có 30 doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, tạo việc làm cho 10 lao động trở lên. Ước tính mỗi năm, sản xuất của làng nghề đạt giá trị hơn 100 tỷ đồng; thu nhập của lao động làng nghề đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng trở lên...

Trang Nhi