Buôn bán hàng giả sẽ bị xử lý thế nào?

Cập nhật: 05:07 | 30/01/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Tết Nguyên đán 2019 đang cận kề, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, nhiều người đã lợi dụng tâm lý thích rẻ mà đẹp của người tiêu dùng để tạo ra những giỏ quà Tết "giả" để kiếm lời. Vậy những hành vi sản xuất hay bán hàng giả thì pháp luật có chế tài xử lý như thế nào?  

buon ban hang gia se bi xu ly the nao Sản xuất - buôn bán hàng giả phạm tội gì?
buon ban hang gia se bi xu ly the nao Xử lý hình sự buôn bán hàng giả “gặp khó”

Căn cứ pháp lý

Nghị định 185/2013/NĐ-CP

Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012

Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017

1. Hàng giả là gì?

Theo hướng dẫn của Nghị định 185/2013/NĐ-CP thì hàng giả bao gồm khá nhiều trường hợp (điều 3 điểm 8), tuy nhiên trên thực tế hiện nay, thương lái thường dùng những thủ đoạn làm hàng giả như sau:

Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;

Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

Hàng hóa giả mạo về sử hữu trí tuệ: hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

Thường những hành vi làm giả hàng hóa sẽ nhận diện bằng việc đặt tên sản phẩm, ví dụ: bánh Cosy thành Gosy; Bánh Oreo thành bánh Oiroo...

2. Xử lý hành vi buôn bán hàng giả:

2.1 Xử lý hành chính:

Hành vi buôn bán hàng giả nhãn mác, bao bì hàng hóa sẽ bị xử phạt tiền từ 200.000 đồng đến 30.000.000 đồng phụ thuộc vào số lượng hàng hóa giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, cụ thể:

Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 1.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Không những bị phạt tiền mà người buôn bán hàng giả bao bì, nhãn mác hàng hóa còn bị áp dụng các biện pháp phạt bổ sung, khắc phục hậu quả như sau:

- Bị tịch thu hàng hóa vi phạm

- Nộp lại số lợi bất hợp pháp từ việc buôn bán hàng giả.

- Đối với hành vi buôn bán hàng giả gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội còn bị công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc bị xử phạt.

2.2 Xử lý hình sự

Hành vi buôn bán hàng giả được quy định tại điều 192 Bộ luật hình sự: sẽ bị xử lý hình sự nếu như có đủ 4 yếu tố sau:

Mặt khách thể: tội buôn bán hàng giả xâm phạm quan hệ xã hội trong lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hóa, lưu thông, phân phối hàng hóa trên thị trường và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Về mặt khách quan: được thể hiện bằng hành vi " bán" ra thị trường hàng giả (những loại hàng giả theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP)

Hậu quả: Hành vi buôn bán hàng giả gây ra một trong những hậu quả sau:

- Hàng giả tương đương với số lượng hàng thật, hoặc có cùng tính năng kỹ thuận, công dụng có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi được quy định tại điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196, 200 Bộ luật hình sự hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

- Buôn bán hàng giả gây thương tích, tổn hại sức khở của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 đến 60%

- Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng

- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng

Mặt chủ thể: người phải chịu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán hàng giả là người từ đủ 16 tuổi trở lên

Về mặt chủ quan: Người buôn bán hàng giả thực hiện hành vi với lỗi cố ý, tức biết rõ là hàng giả nhưng vẫn buôn bán.

Hình phạt áp dụng: trường hợp người vi phạm gây ra một trong các hậu quả như trên sẽ bị xử phạt tù từ 1 năm đến 5 năm hoặc bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng .

Người buôn bán hàng giả sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm nếu như vi phạm thuộc khoản 2 điều 192 Bộ luật hình sự; bị phạt tù từ 7 đến 15 năm nếu vi phạm thuộc khoản 3 điều 192 Bộ luật hình sự.

Đối với trường hợp đối tượng phạm tội là pháp nhân sẽ bị phạt tiền và đình chỉ hoạt động có thời hạn theo quy định tại khoản 5 điều 192 Bộ luật hình sự.

Nguyễn My