Bóng dáng “ông lớn” phía sau chủ đầu tư tổ hợp The Artemis Lê Trọng Tấn “tuyên chiến” với cư dân

Cập nhật: 17:12 | 14/11/2023 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP Đầu tư MHL - chủ đầu tư tổ hợp The Artemis Lê Trọng Tấn dính vào chuỗi lùm xùm tranh cãi với cư dân thời gian gần đây, là một trong những pháp nhân lõi thuộc Công ty CP Đầu tư IMG của doanh nhân Lê Tự Minh.

Cuộc tranh cãi giữa cư dân chung cư The Artemis (số 3 Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) và chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư MHL vẫn không thể đi tới hồi kết, dù cho hai bên đã ngồi lại và làm việc cùng các cơ quan chức năng.

Bóng dáng “ông lớn” phía sau chủ đầu tư tổ hợp The Artemis Lê Trọng Tấn “tuyên chiến” với cư dân
Hàng loạt xe ô tô của cư dân The Artemis bị chủ đầu tư khoá bánh

Thậm chí, tại buổi làm việc với đại diện Phòng Quản lý đô thị, Công an quận Thanh Xuân, UBND phường Khương Mai và cư dân, đại diện chủ đầu tư là ông Đoàn Thành Nhân - Phó Chủ tịch HĐQT Đầu tư MHL còn đưa ra những phát biểu mang tính “tuyên chiến” với cư dân. Liên quan đến việc đưa loạt phương tiện của cư dân vào “danh sách đen” vì phản đối phương án tăng giá dịch vụ giữ xe, ông Nhân khẳng định: “Chúng tôi sẽ kiên quyết không mở gần chục xe ô tô vi phạm của cư dân bị khóa bánh trong thời gian qua, đồng thời tiếp tục xử phạt chủ xe và khóa những xe vi phạm quy định tại chung cư”. Vị này còn nói thêm, chủ đầu tư sẽ “không nể nang và sẽ không hòa giải với bất cứ đơn vị nào nữa. Tất cả những chủ xe vi phạm nội quy sẽ bị khóa xe dưới hầm, đừng hy vọng ra vào”.

Thái độ có phần bất cần từ phía chủ đầu tư chung cư The Artemis thêm một lần nữa “thổi bùng” lên sự phẫn nộ của cư dân. Đã nhiều năm nay, cư dân The Artemis thường xuyên gửi đơn thư phản ánh tới các cơ quan chức năng do bị chủ đầu tư “ngó lơ” quyền lợi. Cụ thể, hơn 6 năm trôi qua nhưng The Artemis vẫn chưa thành lập đường Ban Quản lý toà nhà, cư dân chưa được chủ đầu tư bàn giao bàn giao quỹ bảo trì hàng chục tỷ đồng, hệ thống phòng cháy chữa cháy tê liệt, hệ thống thoát hiểm không đảm bảo, hầm bể phốt vỡ nhưng không được khắc phục, không công khai quản lý, thu chi,… Chưa kể, chủ đầu tư còn phớt lờ quyết định đình chỉ hoạt động trung tâm thương mại từ phía cơ quan chức năng.

Cư dân Artemis cho rằng, những gì mà họ nhận được không hề tương xứng với số tiền mà họ bỏ ra để sở hữu căn hộ tại toà chung cư 5 sao. Cần biết, thời điểm được chào bán, với vị trí 4 mặt tiền tại ngã tư sầm uất Lê Trọng Tấn - Trường Chinh, The Artemis là một trong những dự án rất được “săn đón”. Chưa kể, với tâm lý “chọn mặt gửi vàng” của người mua nhà thì khi đó, chủ đầu tư The Artemis cũng được tin tưởng tuyệt đối, bởi lẽ, không dễ để một doanh nghiệp được giao phát triển dự án chuyển đổi từ đất quốc phòng.

Lịch sử những khu “đất vàng” có nguồn gốc quốc phòng của Đầu tư MHL

Công ty CP Đầu tư MHL đôi khi bị nhầm lẫn với một doanh nghiệp niêm yết trên sàn HNX với mã MHL, vốn không hề có mối liên hệ nào là Công ty CP Minh Hữu Liên.

Trên thực tế, mối liên hệ thực sự tồn tại Công ty CP Đầu tư MHL là đối với Tổng Công ty Xây dựng công trình hàng không ACC (ACC) thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân (Bộ Quốc phòng). Cần biết, Đầu tư MHL có tiền thân là Công ty CP ACC - Thăng Long (ACC Thăng Long). Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 1/2008, có sự tham gia góp vốn của ACC.

ACC cũng là cái tên quen thuộc khi nói về lịch sử của khu “đất vàng” số 3 Lê Trọng Tấn, nơi đặt tổ hợp thương mại, dịch vụ và chung cư cao cấp The Artemis. Theo tìm hiểu, đây vốn là khu đất quốc phòng thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân, sau đó được chuyển đổi mục đích, thời hạn sử dụng và giao cho ACC thực hiện.

Cụ thể, ngày 16/8/2010, Bộ Quốc phòng chính thức ban hành quyết định số 2978/QĐ-BQP về việc phê duyệt phương án sử dụng đất quốc phòng thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân tại số 3 Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân (chưa sử dụng ngay cho nhiệm vụ quốc phòng) vào mục đích kinh tế. Bốn tháng sau đó, Bộ Tổng Tham mưu thu hồi khu đất trên để giao cho ACC quản lý. Tháng 2/2015, dự án The Artemis chính thức được khởi công.

Đến năm 2015, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng khu đất, dự án được đề xuất chuyển mục đích, chuyển quyền sử dụng đất quốc phòng có thời hạn thành đất sử dụng ổn định, lâu dài.

Bóng dáng “ông lớn” phía sau chủ đầu tư tổ hợp The Artemis Lê Trọng Tấn “tuyên chiến” với cư dân
Cuối năm 2015, khu đất dự án số 3 Lê Trọng Tấn được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển thành đất sử dụng lâu dài

Trên cơ sở ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2171/TTg-KTN, ngày 28/3/2016, Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 1166/QĐ-BQP, chính thức chuyển khu đất dự án thành đất sử dụng lâu dài. Trong đó, tại điều 2, ACC Thăng Long được giao làm chủ đầu tư dự án số 3 Lê Trọng Tấn.

Đáng chú ý, sau The Artemis Lê Trọng Tấn, ACC Thăng Long còn được giao phát triển dự án nằm trên khu đất có nguồn gốc quốc phòng khác tại số 448 Nguyễn Tất Thành, quận 4, TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể, khu đất này được sử dụng làm đất đối ứng dự án BT xây dựng, cải tạo doanh trại sư đoàn bộ/f367/Quân chủng Phòng không - Không quân. Tháng 1/2016, ACC Thăng Long được chỉ định là nhà đầu tư dự án nói trên. Cũng cần nói thêm, tương tự dự án đầu tiên, The Artemis II cũng sở hữu vị trí đắc địa với tầm nhìn trực diện ra sông Sài Gòn, ngay khu vực bến cảng Nhà Rồng - Khánh Hội.

Tính đến ngày 15/12/2017, ngoài số tiền đã nộp cho Bộ Quốc phòng tương đương 30% giá trị khu đất số 448 Nguyễn Tất Thành, chủ đầu tư đã hoàn thành 95% việc xây dựng các công trình BT. Như vậy, Bộ Quốc phòng cho biết, nhà đầu tư đã hoàn thành 95% nghĩa vụ tài chính để thực hiện chuyển đổi khu đất này. Tuy nhiên, đến tháng 3/2023, dự án BT nói trên vẫn đang được rà soát và chưa thể bàn giao khu đất này cho Công ty CP Đầu tư HML.

Dấu ấn IMG Group của doanh nhân Lê Tự Minh

Đáng chú ý, bên cạnh ACC, đằng sau Đầu tư MHL còn có bóng dáng của nhóm IMG. Thậm chí, đây mới là đơn vị đóng vai trò quyết định tại doanh nghiệp này.

Theo tìm hiểu, thời điểm đầu năm 2018, ACC chỉ nắm giữ 30% vốn điều lệ của ACC Thăng Long, số còn lại thuộc về nhóm IMG của doanh nhân Lê Tự Minh. Trong đó, Công ty CP Đầu tư IMG (IMG Group) sở hữu tới 50% vốn điều lệ. Một pháp nhân khác có liên quan là Công ty CP MT Gas (MT Gas) nắm trong tay 9,44%. Số còn lại, tương đương tỷ lệ sở hữu 10,56% thuộc về tay nhà đầu tư nước ngoài mang tên SIMG - doanh nghiệp do IMG thành lập tại Singapore vào năm 2012.

Ngày 13/2/2018, cơ cấu cổ đông của ACC Thăng Long ghi nhận thay đổi quan trọng. Trong khi MT Gas thoái toàn bộ vốn, ACC giảm tỷ lệ sở hữu xuống 10% thì ở chiều ngược lại, IMG Group nâng tỷ lệ sở hữu lên 60,044% và trở thành cổ đông chi phối. Ngoài ra, danh sách cổ đông của ACC còn ghi nhận thêm sự góp mặt của một cổ đông khác là bà Trương Thị Vân Anh (sinh năm 1991) với tỷ lệ sở hữu 19,4%.

Bóng dáng “ông lớn” phía sau chủ đầu tư tổ hợp The Artemis Lê Trọng Tấn “tuyên chiến” với cư dân
Phía sau Đầu tư MHL là hệ sinh thái IMG Group của doanh nhân Lê tự Minh

Dấu ấn của nhóm IMG tại ACC Thăng Long còn được thể hiện rõ nét hơn nữa khi Chủ tịch HĐQT IMG Group là ông Lê Tự Minh giữ vai trò người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này trong suốt nhiều năm và đảm nhiệm các chức vụ quan trọng như Tổng giám đốc rồi Chủ tịch HĐQT.

Từ tháng 2/2019 đến năm 2022, vị trí giám đốc kiêm đại diện của pháp luật của doanh nghiệp liên tục thay đổi. Vị trí này lần lượt do ông Đoàn Thành Nhân (sinh năm 1973), ông Trần Quang Huy (sinh năm 1982), ông Tô Văn Chương (sinh năm 1985), ông Phạm Ngọc Tùng (sinh năm 1977), và nay là ông Võ Đông Tùng (sinh năm 1981). Được biết, ông Tùng từng là giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật IMG Group.

Đáng chú ý, trong thời gian này, tháng 10/2020, ACC Thăng Long đã tiến hành đổi tên thành Công ty CP Đầu tư MHL như hiện nay. Trụ sở chính cũng được chuyển tới toà nhà văn phòng Athena, toạ lạc tại số 146 – 148 Đường Cộng Hoà, phường 12, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.

Đôi nét về hệ sinh thái IMG Group

Về IMG Group, doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 12/2007. IMG Group có số vốn điều lệ ban đầu là 520 tỷ đồng, được góp bởi 3 cổ đông sáng lập là ông Lê Tự Minh (99,9%), bà Đặng Thị Hoài Thu (0,08%) và bà Võ Thị Minh Toàn (0,02%).

Trong đó, ông Lê Tự Minh xuất thân là giáo viên Trường Sỹ quan Pháo phòng không, nay là Học viện Phòng không – Không quân. Được biết, từ năm 1987 đến năm 1995, ông Minh tạm dừng nghề giáo và tới Học viện Quân chính Lênin (sau đổi tên thành Đại học quân sự Moscow – Liên bang Nga) nâng cao học vị. Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ thành công, năm 1996, ông Minh về nước và dấn thân vào thương trường với hai doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực taxi là Gili Taxi Vũng Tàu và Gili Taxi Huế.

Tuy nhiên, dấu ấn của doanh nhân Lê Tự Minh lại gắn liền với lĩnh vực bất động sản. Ông Minh gia nhập thị trường đại ốc vào năm 2002, khi góp vốn thành lập Công ty TNHH Trường Xuân và thực hiện dự án Khu đô thị Petro Quảng Ngãi, Khu đô thị Trường Xuân. Sau khi hoàn tất dự án, doanh nghiệp này đã giải thể nhưng hành trình “chinh chiến” của vị doanh nhân này vẫn được tiếp tục.

Trung bình cứ khoảng 1 năm rưỡi, ông Lê Tự Minh lại thành lập một công ty, mỗi công ty có một câu chuyện riêng. Năm 2006, Công ty CP Khách sạn Hoàng Thành ra đời, thực hiện đầu tư và khách sạn Gerbara Huế (doanh nghiệp này sau đó đã được chuyển nhượng vào năm 2013). Tháng 12/2007, cùng thời điểm IMG Group – công ty mẹ và là đầu não quản lý, cấp vốn, điều hành các công ty con và dự án được thành lập, Công ty CP IMG Phước Đông cũng hình thành với tư cách là đơn vị kinh doanh khu công nghiệp cầu cảng Phương Đông. Năm 2008, bên cạnh việc góp vốn thành lập ACC Thăng Long (nay là Đầu tư MHL), ông Minh cũng cho ra đời Công ty CP Đầu tư IMG Huế, kinh doanh Khu đô thị An Cựu City. Trong đó, Đầu tư MHL, IMG Phước Đông và IMG Huế sau này đều trở thành những pháp nhân lõi trong hệ sinh thái IMG.

Bóng dáng “ông lớn” phía sau chủ đầu tư tổ hợp The Artemis Lê Trọng Tấn “tuyên chiến” với cư dân
Hệ sinh thái của IMG Group hiện nay

Bên cạnh đó, IMG còn thành lập một loạt những doanh nghiệp khác như Công ty CP Đầu tư Y khoa Huế (ra đời năm 2009, đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần năm 2011), Công ty CP Việt Long Quảng Ngãi (ra đời năm 2009, sau đó sáp nhập vào IMG), IMG Quảng Ngãi (ra đời năm 2014, sáp nhập vào IMG Huế năm 2016).

Đặc biệt, doanh nhân Lê Tự Minh cũng mở rộng hoạt động của IMG ra nước ngoài, với SIMG được thành lập năm 2012 tại Singapore và AIMG được thành lập năm 2017 tại Úc. Cùng Đầu tư MHL, IMG Phước Đông và IMG Huế, hai doanh nghiệp này hợp thành “đế chế” IMG Group ngày nay. Theo số liệu công bố từ IMG Group, quy mô các dự án mà doanh nghiệp đang khai thác và triển khai có tổng diện tích lên 180ha và tổng giá trị là 15.000 tỷ đồng.

Chủ KCN cầu cảng Phước Đông báo lỗ bán niên 680 triệu đồng, nợ cao gấp 4 lần vốn

Công ty CP IMG Phước Đông - chủ đầu tư dự án KCN cầu cảng Phước Đông vừa công bố số liệu tài chính bán ...

Chủ đầu tư An Cựu City báo lỗ, nợ phải trả hơn nghìn tỷ

Theo thông tin mới công bố, CTCP Đầu Tư IMG Huế đã báo cáo tình hình tài chính bán niên năm 2023.

Ông chủ đứng sau tổ hợp Artemis: Từ giảng viên Học viện Phòng không không quân đến đại gia bất động sản

Bình quân cứ mỗi một năm rưỡi, đại gia này lại thành lập một công ty.

Hà Lê