Bị lừa "chạy công chức" liệu có đòi được tiền không?

Cập nhật: 16:53 | 22/02/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN – Độc giả hỏi: Vào khoảng tháng 8/2017 tôi có đưa 190 triệu cho chị A để xin việc vào công chức, do là chỗ quen biết từ trước nên khi giao tiền tôi không có viết giấy biện nhận tiền. Sau khi không trúng công chức, tôi đòi lại tiền nhưng chỉ đòi được 110 triệu. Tôi chỉ có tin nhắn giao dịch qua lại, như vậy tôi có thể kiện để đòi lại tiền không?  

bi lua chay cong chuc lieu co doi duoc tien khong Nợ không trả thì chủ nợ có quyền lấy đồ để trừ nợ không?
bi lua chay cong chuc lieu co doi duoc tien khong Mang xe ô tô cho thuê tự lái đi cầm cố phạm tội gì?
bi lua chay cong chuc lieu co doi duoc tien khong Phạm tội gì khi đánh tráo vé xổ số trúng thưởng?

Trả lời:

Về căn cứ pháp lý:

- Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

1. Về truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo như những thông tin mà bạn cung cấp thì Chị A đã nhận số tiền 190 triệu đồng của bạn, tuy nhiên không chạy được vào công việc đã hứa. Hiện nay chị ấy đã trả cho bạn số tiền là 110 triệu đồng và số tiền còn thiếu là 80 triệu đồng.

Hành vi của chị A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Việc xác định tội danh dựa vào các căn cứ khác nhau, nếu chị A sử dụng thủ đoạn gian dối gây lòng tin đối với bạn, làm bạn tin tưởng mà trao tài sản cho chị A. Để chiếm đoạt được số tiền đó, chị A phải dùng thủ đoạn gian dối trước. Còn nếu chị A sau khi nhận tiền mới thực hiện hành vi gian dối chiếm đoạt của bạn. Sự gian dối chiếm đoạt tài sản sảy ra sau khi nhận được tài sản nên lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là bội tín phản bội lòng tin của bạn.

- Trường hợp 1: Nếu chị ấy thuộc trường hợp Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì theo điểm đ khoản 2 Điều 174 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì chị A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt từ 02 đến 07 năm.

"Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

- Trường hợp 2: Còn nếu chị ấy thuộc trường hợp là Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì căn cứ theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, chị A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt từ 02 đến 07 năm.

“ Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Tái phạm nguy hiểm.”

2.2. Về dân sự

Trong trường hợp của bạn thì theo như quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015 giao dịch dân sự giữa bạn và chị A có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội do đó giao dịch này sẽ bị vô hiệu. Đồng thời, giao dịch giữa bạn và chị A không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Như vậy, bạn hoàn toàn có quyền đòi lại số tiền nói trên. Để đảm bảo quyền lợi của mình, bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận/huyện nơi chị A đang cư trú để yêu cầu giải quyết. Đồng thời bạn cần chuẩn bị các giấy tờ chứng cứ chứng minh việc chị A đã nhận tiền như: Ghi âm cuộc gọi, ảnh chụp tin nhắn… để thuận lời cho mình trong quá trình giải quyết.

“Điều 123. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội

Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.”

Hùng Dũng

Tin liên quan