Thế chấp dự án và chiêu trò bịp bợm của “cò đất”

Cập nhật: 10:57 | 24/07/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Theo Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội hiện có hơn 10 dự án bị chủ đầu tư thế chấp tại các ngân hàng. Mặc dù vậy, thời điểm này, các sàn môi giới vẫn rầm rộ rao bán căn hộ cho khách.  

Tại công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), đơn vị này đã thực hiện đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai cho hàng loạt dự án bất động sản trên địa bàn TP Hà Nội. Các dự án khu văn phòng, nhà ở, nhà trẻ số 201 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng; Khu nhà ở Hateco 3 và Khu nhà ở Hateco 5 tại phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm; Dự án đầu tư xây dựng nhà ở thấp tầng để bán đối với 128 thửa đất tại ô quy hoạch E.2/N011, phường Bồ Đề, quận Long Biên; Dự án Nhà ở hình thành trong tương lai thuộc dự án Tòa nhà chung cư tại địa chỉ số 70 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai; Công trình chung cư kết hợp dịch vụ trên ô đất ký hiệu H-CT2 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Khu nhà ở HiBrand tại Khu đô thị mới Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông; Dự án nhà ở hỗn hợp cao tầng Đồng Phát Hoàng Mai tại Khu công nghiệp Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai; Tổ hợp văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp tại Lô HH1, khu D6, Dự án đấu giá quyền sử dụng đất 18,6ha phường Phú Thượng và Xuân La, quận Tây Hồ; Ô đất CT2 dọc đường 21m từ QL1B đến khu đô thị mới Việt Hưng, phường Phúc Lợi, quận Long Biên…đều đã được các chủ đầu tư thế chấp cho ngân hàng.

Tuy nhiên dù đang trong thời hạn thế chấp, một số dự án vẫn được các chủ đầu tư giao cho các sàn môi giới chào bán tới khách hàng. Dự án Hinode City là một ví dụ.

the chap du an va chieu tro bip bom cua co dat
Dự án chung cư Hinode City Minh Khai - một trong số các dự án đang được thế chấp tại VAMC (ảnh minh họa)

Dự án này có 3 tòa chung cư 26 tầng (gồm 22 tầng căn hộ, 4 tầng thương mại) được xây dựng trên tổng diện tích 2,8ha đang bị đem đi thế chấp ở ngân hàng. Tuy nhiên, kể từ khi khởi công xây dựng đến nay, chủ đầu tư đã nhiều lần mở bán giới thiệu về dự án.

Bên cạnh đó, một số dự án tại Cầu Giấy, Thanh Trì, Mê Linh cũng đang được thế chấp cho VAMC.

Không chỉ nhận thế chấp nhiều dự án tại Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Đồng Nai, TP HCM…

Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, việc chủ đầu tư thế chấp dự án tại ngân hàng là hoạt động bình thường trong kinh doanh lĩnh vực địa ốc. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa chủ đầu tư có quyền đem căn hộ đã bị thế chấp ngân hàng bán cho khách, càng không có quyền đem căn hộ đã bán và bàn giao nhà cho khách hàng đi thế chấp khi tài sản đó đã thuộc quyền sở hữu của người mua nhà - là chủ sở hữu căn nhà đó.

Để tránh những rủi ro, trước khi "xuống tiền", khách hàng cần phải thận trọng tự bảo vệ mình bằng cách tìm hiểu kỹ năng lực cũng như uy tín chủ đầu tư và có thể tìm kiếm các dòng sản phẩm mà đơn vị bán hàng này đã đem đến cho thị trường bất động sản.

Nam Thiên