Những ngân hàng trả cổ tức cao năm 2016

Cập nhật: 15:12 | 21/03/2017 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Khảo sát của người viết từ khoảng 10 Ngân hàng Thương mại Cổ phần cho thấy Vietcombank, ACB, MBBank được dự báo là những nhà băng có tỷ lệ trả cổ tức cao năm 2016. Kết quả này đến được từ nhiều yếu tố như kết quả kinh doanh 2016 khả quan, không chịu áp lực tăng vốn...

nhung ngan hang tra co tuc cao nam 2016


Kết quả kinh doanh 2016 khả quan

Kết thúc năm 2016, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 8.517 tỷ đồng, tăng 24% vượt mức kế hoạch là 7.500 tỷ đồng; sau thuế còn 6.845 tỷ đồng. Tổng nợ xấu của Vietcombank là 6.835 tỷ đồng, chiếm 1,48% tổng dư nợ cho vay, giảm so với thời điểm đầu năm (1,84%).

Tăng trưởng lợi nhuận của ACB cũng không kém cạnh khi đạt 1.667 tỷ đồng, tăng 27% so với 2015 và vượt 11% kế hoạch. Tỷ lệ lãi cận biên (NIM) duy trì ở mức 3,2%, thu nhập lãi thuần tăng 17%. Dư nợ tăng nhanh nhưng tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh từ 1,32% xuống còn 0,88% vào cuối năm 2016, thấp nhất từ năm 2011.

MBBank đạt mức lợi nhuận sau thuế cả năm là 2.884 tỷ đồng, tăng gần 15%. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng gấp đôi lên mức 223 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động ngoại hối tăng từ 59 tỷ lên hơn 72 tỷ đồng. So với đầu năm, tổng nợ xấu đã giảm từ 1,61% xuống 1,32%, về gần 1,986 tỷ đồng. Tổng tài sản ở mức 256,258 tỷ đồng, tăng 16%.

Ngân hàng là nhóm ngành thường có được mức cổ tức tương đối ổn định qua các năm, trừ một số trường hợp đặc biệt khi xảy ra những sự kiện ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh như tái cấu trúc, cơ cấu lại, mua bán sát nhập,…

Theo quan sát, ba nhà băng trên đều có lịch sử trả cổ tức tương đối đều đặn và không có biến động nhiều liên quan đến mua bán, sát nhập hay cơ cấu.

Không có nhiều áp lực tăng vốn

Ba ngân hàng trên đều nằm trong danh sách 10 ngân hàng được NHNN chọn thí điểm áp dụng quản lý rủi ro theo chuẩn Basel II, trong đó yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn (CAR) phải trên 8%. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc tính CAR của Việt Nam hiện tại thấp hơn so với mức chuẩn Basel II, vì thế nếu áp chuẩn mới thì tỷ tỷ lệ CAR sẽ giảm khoảng 15 - 20%, thậm chí có những ngân hàng có thể giảm CAR tới 25-30%.
Để đảm bảo được CAR, các ngân hàng buộc phải nâng vốn tự có, hoặc là vốn cấp 1 (gồm vốn điều lệ, lợi nhuận để lại và các quỹ) hoặc vốn cấp 2 (gồm trái phiếu chuyển đổi, giá trị tăng thêm của tài sản cố định, các loại chứng khoán được định giá lại, các công cụ nợ khác có thời hạn dài…), trong đó vốn cấp 1 được coi là có độ tin cậy và an toàn cao hơn.

Năm 2016, Vietcombank có CAR ở mức 10,29% nhưng có thể nâng CAR lên rất cao khi đã tìm được đối tác chiến lược của Singapore để thực hiện bán vốn cùng kế hoạch phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu bằng VNĐ.

Theo báo cáo của NHNN tính đến hết quý II/2016, ACB là ngân hàng có chỉ số CAR khá cao khi trên 14%. Trong năm qua, ACB đã phát hành và phân phối hết 2.000 tỷ đồng trái phiếu đã được phân phối hết cho 34 nhà đầu tư. Theo đó, Ngân hàng hoàn tất kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 10.273 tỷ đồng.

MBBank cũng là một trong những ngân hàng cũng không phải bận tâm về hệ số CAR khi năm ngoái đã nâng vốn điều lệ thành công lên 16.312 tỷ đồng. Trong năm 2016, MBBank đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 17.127 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 815,6 tỷ đồng. Với mức chi trả cổ tức 10% trong đó ngân hàng đã tạm ứng bằng tiền mặt 6%, còn lại 4% có thể sẽ trả bằng cổ phiếu để tăng vốn.

Cùng với nhóm có mức trả cổ tức năm 2016 cao trên thì một số ngân hàng như VietinBank, BIDV, Kienlongbank, LienVietPostBank,...cũng là nhóm được kỳ vọng có mức trả cổ tức tốt trong năm với mức trả cổ tức được dự kiến ở mức 7% - 8,5%.

Bình Minh

Tin liên quan