Gần 18.500 đơn vị tại TP.Hồ Chí Minh nợ BHXH: Nhiều DN trên sàn chứng khoán bị điểm tên

Cập nhật: 16:00 | 15/05/2024 Theo dõi KTCK trên

Ngày 14/5, BHXH TP.HCM vừa công khai 18.466 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tính đến hết ngày 30/04/2024, cập nhật UNC đến hết ngày 09/05/2024.

Danh sách các đơn vị, doanh nghiệp này được đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan BHXH TP.HCM (website:https://tphcm.baohiemxahoi.gov.vn).

Gần 18.500 đơn vị tại TP.Hồ Chí Minh nợ BHXH: Nhiều DN trên sàn chứng khoán bị điểm tên
Ảnh: Internet

Đáng lưu ý, trong hơn 18.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng BHXH có những doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp đã lên sàn chứng khoán như: Công ty CP DRH Holdings (HOSE: DRH) nợ 18 tháng với số tiền gần 3 tỷ đồng, Công ty CP Nông dược H.A.I (UPCoM: HAI) nợ 4 tháng với số tiền gần 420 triệu đồng, Công ty CP Xây dựng - Địa ốc Cao su (UPCoM: RCD) nợ 4 tháng với hơn 30 triệu đồng, Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (UPCoM: STT) nợ 4 tháng với số tiền gần 10 triệu đồng,...

Đồng thời, có những đơn vị nợ đóng BHXH với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng hoặc nợ lâu.

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó giám đốc BHXH TP.HCM, hiện toàn thành phố có hơn 30.000 doanh nghiệp đang nợ BHXH trên 1 tháng. Đối với các trường hợp đơn vị chậm đóng, khó thu, BHXH TP.HCM đã khoanh vùng lại. Phía BHXH Việt Nam cũng đã họp với Bộ LĐ-TB-XH để xin ý kiến xử lý trường hợp "nợ khó đòi".

Đối với các đơn vị đang nợ BHXH, năm qua, BHXH TP.HCM áp dụng biện pháp mời lên để tuyên truyền, đôn đốc khắc phục. Nếu doanh nghiệp vẫn cố tình chây ì, không nộp thì BHXH TP.HCM thanh tra và sẽ lập biên bản hành chính, ra quyết định hoặc đề xuất UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt hành chính nếu phát hiện hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không chấp hành quyết định xử phạt. Đến khi BHXH TP.HCM thực hiện cưỡng chế thì trong tài khoản của doanh nghiệp không có tiền.

Ông Lò Quân Hiệp, Giám đốc BHXH TP.HCM, cũng nêu một thực trạng rằng hiện nhiều quyết định xử phạt hành chính do lãnh đạo UBND TP.HCM ký ban hành, nhưng doanh nghiệp vẫn không chấp hành, thực hiện. Do đó, ông Hiệp cho rằng, cần phải có chế tài mạnh mẽ hơn đối với các doanh nghiệp này, nhất là những đơn vị vẫn đang hoạt động bình thường.

Ông Hiệp cho hay, về vấn đề này,BHXH TP.HCM đã có nhiều kiến nghị, qua đó hướng tới mục đích là tăng mạnh chế tài để các chủ doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Theo quy định hiện hành thì hành vi chậm đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm. Thế nhưng việc doanh nghiệp chậm đóng BHXH hiện xảy ra tràn làn gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho hàng triệu NLĐ.

Luật sư Trần Phi Đại, Đoàn luật sư TPHCM cho biết, theo quy định tại Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì doanh nghiệp chậm đóng quy định phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.

Ngoài ra, pháp luật cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả như buộc NSDLĐ đóng đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng và nộp khoản tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư của Quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng.

Nếu doanh nghiệp không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc Nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của NSDLĐ để nộp số tiền chưa đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các Ngân hàng thương mại Nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan BHXH. Tuy nhiên, thực tế, khi BHXH TPHCM liên hệ với các ngân hàng để thực hiện việc này thì thường là tài khoản của doanh nghiệp sẽ không còn tiền hoặc rất ít tiền, không đủ để thực hiện mức cưỡng chế.

Bên cạnh đó, Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng quy định về tội trốn đóng BHXH, theo đó tùy mức độ vi phạm mà người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến cao nhất là 7 năm. Còn pháp nhân thương mại phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ có thể bị xử phạt từ 200 triệu đồng đến 3 tỉ đồng.

BHXH TPHCM cũng từng chuyển cơ quan Công an TPHCM hồ sơ hàng chục doanh nghiệp nợ BHXH để xem xét xử lý hình sự, sau đó, một số doanh nghiệp có khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, đến nay, cả nước chưa có doanh nghiệp nào bị xử lý hình sự về tội trốn đóng BHXH. Lý do, để xử lý hình sự thì doanh nghiệp từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn đóng BHXH.

Thua lỗ triền miên, Cơ khí lắp máy LILAMA (L35) trây ỳ nợ BHXH trên 18 tỷ đồng

Lỗ lũy kế liên tiếp 03 năm liên tục từ năm 2021 đến nay, hiện Công ty CP Cơ khí lắp máy LILAMA (tại phường ...

Nợ sổ hồng hàng nghìn hộ chưa trả, ông chủ dự án khu dân cư Phú Mỹ lại bị 'nhắc tên' vì nợ thuế 'khủng'

Chủ dự án khu dân cư Phú Mỹ mới đây đã bị Cục thuế TP. HCM cưỡng chế vì nợ thuế quá thời hạn.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản, du lịch 'tên tuổi' tại Đà Nẵng bị cưỡng chế tài khoản

Trong danh sách TP. Đà Nẵng vừa công bố, có 446 tài khoản của hàng trăm doanh nghiệp bị cưỡng chế.

Băng Di