Truy đuổi khiến kẻ cướp tử vong nên xử thế nào?

Cập nhật: 17:35 | 05/05/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Người dân có quyền truy đuổi kẻ cướp để bảo vệ tài sản của mình hoặc của người bị cướp. Vậy nếu xảy ra việc chết người trong quá trình bắt giữ tội phạm thì có cần xem xét miễn trách nhiệm hình sự hay không?  

truy duoi khien ke cuop tu vong nen xu the nao Xử lý thế nào vụ tranh cãi tiền phí đi vệ sinh, bố con chủ nhà bị nhóm người dìm xuống ao?
truy duoi khien ke cuop tu vong nen xu the nao Hành vi mua - bán hóa đơn bị xử lý thế nào?
truy duoi khien ke cuop tu vong nen xu the nao Chủ đầu tư tự ý thay đổi địa điểm xây dự án, xử lý thế nào?

Theo điều tra ban đầu của Công an quận 9, TP HCM, anh Hoàng Quốc Bảo (21 tuổi, ngụ Đồng Nai) lái ôtô chở người thân từ Sài Gòn về Đồng Nai, rạng sáng 26/4. Đến khu vực phường Phước Long A (quận 9), anh Bảo dừng xe bên đường đi vệ sinh. Nguyễn Hoàng Lâm chạy xe máy chở Nguyễn Thế Ngọc (37 tuổi) dừng cách đó một đoạn. Ngọc lén lại mở cửa ôtô, giật túi xách và điện thoại của người thân anh Bảo đang ngủ trong xe, cùng Lâm tháo chạy. Anh Bảo phát hiện, lên xe truy đuổi. Đến đường Thủy Lợi, ôtô của anh Bảo va chạm với xe hai tên cướp làm chúng ngã nhào. Ngọc bị khống chế giao công an, Lâm chạy thoát.

truy duoi khien ke cuop tu vong nen xu the nao
Cảnh sát tiến hành khám nghiệm hiện trường

Trong lúc làm việc tại trụ sở công an, Ngọc kêu đau bụng. Anh ta được đưa đến bệnh viện nhưng tử vong sau đó, nghi do vỡ bàng quang. Cùng ngày, Lâm đến đầu thú, thừa nhận cùng Ngọc lên kế hoạch đi trộm tài sản trước đó. Anh ta có tiền án về tội Cướp tài sản, Sử dụng và mua bán trái phép chất ma túy. Cơ quan điều tra đang trưng cầu pháp y giám định nguyên nhân cái chết của Ngọc, xem xét hành vi của anh Bảo có hay không vi phạm pháp luật.

Theo các chuyên gia pháp lý, người dân có quyền bảo vệ tài sản của mình và người thân trong trường hợp bị cướp. Tuy nhiên, nếu việc truy đuổi là nguyên nhân tai nạn khiến kẻ cướp tử vong là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, người truy đuổi có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Luật sư Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó chánh tòa Hình sự, TAND TP HCM) cho rằng, việc bảo vệ tài sản chính đáng là cần thiết nhưng bảo vệ sinh mạng con người còn quan trọng hơn. Thực tế có nhiều trường hợp người truy đuổi cướp do chạy nhanh, vượt ẩu mà tự gây tai nạn tử vong hoặc khiến kẻ cướp thiệt mạng. Cũng giống như những vụ đánh chết người trộm chó, người dân sẽ bị xử lý hình sự do đã vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, khi xét xử tòa chắc chắn phải xem xét tối đa các tình tiết giảm nhẹ cho họ.

Theo một thẩm phán hiện đang làm việc tại TP.HCM, người bị cướp có quyền đuổi theo tên cướp để bảo vệ tài sản cho mình. Tuy nhiên, khi sử dụng phương tiện giao thông là ôtô để truy đuổi mà gián tiếp gây ra tai nạn khiến kẻ cướp chết thì có thể bị xử lý về hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông. Vị này cũng cho biết trước đây tòa án TP.HCM đã xử một tài xế vì đuổi theo cướp dẫn đến tên cướp bị tai nạn giao thông và tử vong. Tuy nhiên vị này cũng cho rằng việc quy trách nhiệm hình sự cho người bảo vệ tài sản hợp pháp của mình là không hợp tình.

Bởi thực tế, trên địa bàn TP hoặc những địa bàn khác đã có những vụ nạn nhân của hành vi cướp giật truy đuổi đến cùng tội phạm. Sau khi đuổi kịp họ cũng lao phương tiện của mình vào xe của các đối tượng cướp giật rồi sau đó cùng người dân khống chế và bắt cướp. Hành vi này được người dân và các cơ quan chức năng ngợi khen. Vậy phải hiểu rằng người mất tài sản, hoặc người dân hoàn toàn có quyền ngăn cản hoặc bắt giữ người phạm tội quả tang.

Dẫn Điều 24 BLHS năm 2015 quy định về gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP HCM) cho hay, hành vi của anh Bảo vì bắt giữ kẻ phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết, gây thiệt hại cho kẻ cướp, thì không phải là tội phạm. Trường hợp anh Bảo gây thiệt hại tính mạng do sử dụng vũ lực rõ ràng "vượt quá mức cần thiết" sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo đó, cơ quan điều tra cần làm rõ trong trường hợp này anh Bảo có hay không "buộc phải sử dụng vũ lực" để xem xét xử lý.

Yếu tố "cần thiết" ở đây có thể hiểu là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi sử dụng vũ lực với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Và việc đánh giá sự "cần thiết" hay không phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan như: mức độ thiệt hại do hành vi sử dụng vũ lực gây ra; vũ khí, phương tiện, phương pháp mà các bên đã sử dụng, hoàn cảnh và nơi xảy ra sự việc...

Trong trường hợp này phải chờ kết quả của cơ quan điều tra về nguyên nhân dẫn đến chết của Ngọc. Nếu do Bảo trong lúc truy đuổi vô tình tông vào xe máy của đối tượng và gây ra vụ tai nạn thì cần xem xét đó là hành vi "buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết" để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội và đây không phải là tội phạm. "Còn nếu anh này cố ý tông vào xe của đối tượng và gây ra thiệt hại về tính mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Chánh nói.

Trang Nhi