Tôn Đông Á bất ngờ báo lãi bán niên tăng thêm 41,5 tỷ đồng sau soát xét

Cập nhật: 14:03 | 05/09/2022 Theo dõi KTCK trên

Sau soát xét, Công ty CP Tôn Đông Á (mã: TDA) ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 tăng hơn 41,5 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, đạt hơn 330 tỷ đồng.

Nguyên nhân dẫn đến chênh lệch trước và sau soát xét do doanh thu hoạt động tài chính tăng và chi phí tài chính giảm.

Tôn Đông Á bất ngờ báo lãi bán niên tăng thêm 41,5 tỷ đồng sau soát xét
Tôn Đông Á bất ngờ báo lãi bán niên tăng thêm 41,5 tỷ đồng sau soát xét

Theo đó, doanh thu tài chính tăng 8% sau soát xét, lên gần 194 tỷ đồng, do trích trước lãi phải thu cho vay ngắn hạn. Chi phí tài chính giảm 16%, còn 192,6 tỷ đồng, do Công ty điều chỉnh đánh giá chênh lệch tỷ giá hối đoái.

So với 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của Tôn Đông Á tăng 29%, đạt hơn 13.075 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh hơn doanh thu (tăng 31%) khiến biên lợi nhuận giảm nhẹ từ mức 11,2% xuống 10.1%.

Trong kỳ, doanh thu tài chính gấp 2,8 lần cùng kỳ; song chi phí tài chính, chi phí bán hàng đồng loạt tăng mạnh. Cụ thể, chi phí tài chính gấp hơn 2 lần cùng kỳ; chi phí bán hàng gấp 2,5 lần, đạt hơn 828 tỷ đồng. Tôn Đông Á đạt lãi ròng hơn 330 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ.

Năm nay, Công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu từ 18.500 - 22.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 520 - 620 tỷ đồng. Sau 6 tháng, Công ty đã thực hiện 63,4% mục tiêu lợi nhuận năm.

Tính đến cuối tháng 6/2022, tổng tài sản của Tôn Đông Á ghi nhận hơn 14.965 tỷ đồng, tăng 18,3% so với đầu năm. Trong đó, phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho là hai khoản mục tăng mạnh nhất lần lượt là 35% và 28%, đạt gần 3.400 tỷ đồng và hơn 5.663 tỷ đồng.

Nợ phải trả của Công ty tăng 18,6%, lên gần 10.910 tỷ đồng, chủ yếu do vay nợ thuê ngắn hạn tăng mạnh 48%, đạt gần 5.665 tỷ đồng.

Lên kế hoạch kinh doanh “đi lùi” trong năm 2022

Năm 2022, Tôn Đông Á lên kế hoạch sản lượng 800.000 tấn, trong đó xuất khẩu 50% và nội địa 50%. Doanh thu từ 18.500 đến 22.000 tỷ đồng, giảm từ 12% đến 26%; lợi nhuận sau thuế 520 - 620 tỷ đồng, giảm từ 49% đến 57% so với nền cao năm 2021.

Lý giải cho mục tiêu tài chính 2022 giảm so năm trước, lãnh đạo công ty cho rằng các yếu tố địa chính trị xung đột Nga - Ukraine, lạm phát trên toàn cầu tăng cao đã thúc đẩy tăng lãi suất, chính sách zero-Covid của Trung Quốc đã làm giảm mạnh sức mua trên toàn cầu kể cả Việt Nam, làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy mặt bằng giá cả các loại hàng hóa tăng cao, nhất là giá dầu, nguyên liệu, phân bón, lương thực.

Lãnh đạo Tôn Đông Á cho biết sẽ tập trung chiến lược cao cấp hóa sản phẩm với giá trị gia tăng cao trên mỗi sản phẩm; mở rộng hệ thống phân phối và triển khai đầu tư nhà máy thứ 3 giai đoạn I (2022 - 2024) với sản lượng là 350.000 tấn/năm. Theo đó, Công ty dự kiến có thể đạt mốc tổng công suất của cả 3 nhà máy là 1,2 triệu tấn/năm trong 2 năm tới. Kế hoạch đầu tư máy móc dự án nhà máy 3 nhằm mục đích gia tăng năng lực sản xuất của các dòng sản phẩm chủ lực, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu.

Trong bối cảnh đó, Công ty tập trung giữ vững vị thế thị trường và chiến lược đầu tư dài hạn cho sự bứt phá giai đoạn 2023-2026.

Cụ thể, công ty lập kế hoạch duy trì mở rộng và tăng trưởng thị phần tôn mạ trong nước. Điều chỉnh tỷ tọng bán hàng kênh nội địa từ 60% - 50%, gia nhập vào thị trường tôn mạ chất lượng cao phục vụ cho các công trình xây dựng và tôn mạ chất lượng cao dùng trong sản xuất thiết bị gia dụng.

Đối với thị trường xuất khẩu, công ty tìm kiếm và mở rộng thêm các thị trường tiềm năng như châu Âu/Bắc Mỹ/Đông Á và thị trường xuất khẩu truyền thống, linh hoạt điều chỉnh tỷ tọng bán hàng kênh xuất khẩu chiếm từ 40% - 50%.

Từ nay đến 2026, doanh nghiệp tôn sẽ tập trung các thị trường trọng điểm gồm xây dựng dân dụng, dự án công nghiệp, ngành thiết bị gia dụng. Công ty cũng đẩy mạnh vận dụng tuyệt đối hệ thống các dây chuyền sản xuất cùng việc phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, tăng cường đầu tư công nghệ số cho hoạt động quản lý sản xuất kinh doanh của công ty, đáp ứng tiêu chí nhà máy thép xanh.

Tương tự nhiều doanh nghiệp thép khác, năm 2021 cũng là năm đặc biệt thành công của Tôn Đông Á. Doanh thu hợp nhất lần đầu vượt mốc 25.000 tỷ đồng, tăng 157% so với 2020. Trong đó doanh thu thuần cho các mảng sản phẩm cốt lõi là 22.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.210 tỷ đồng, gấp 4,2 lần.

Với kết quả này, doanh nghiệp chốt phương án chia cổ tức năm 2021 tỷ lệ 30%, bao gồm 10% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu thưởng.

Ngoài ra, Tôn Đông Á đang thực hiện hồ sơ niêm yết trên sàn HoSE.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

HOSE vừa nhận hồ sơ niêm yết 114,7 triệu cổ phiếu GDA của Tôn Đông Á

Trước đó, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết bắt đầu tư ngày 22/4/2022 sẽ nhận lưu ký số cổ phiếu ...

Tôn Đông Á báo lãi 204,5 tỷ đồng, tăng 11,3% trong quý I/2022

Công ty CP Tôn Đông Á vừa công bố Báo cáo tài chính quý I/2022. Theo đó, TDA ghi nhận doanh thu bán hàng đạt ...

Do đâu Tôn Đông Á lên kế hoạch kinh doanh “đi lùi” trong năm 2022?

Ngày 24/6, Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (mã: TDA) đã tổ chức ĐHĐCĐ năm 2022 để thông qua kế hoạch kinh doanh với ...

Ánh Kim

Tin cũ hơn
Xem thêm