Toan tính của Xây dựng Hòa Bình (HBC) trong thương vụ "lấy cổ đổi nợ"

Cập nhật: 11:53 | 08/08/2023 Theo dõi KTCK trên

Theo tờ trình cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2023, nếu phát hành thành công 107 triệu cổ phiếu, số nợ của Xây dựng Hòa Bình sẽ giảm đi hơn 1.000 tỷ đồng.

Toan tính của Xây dựng Hòa Bình (HBC) trong thương vụ
Xây dựng Hòa Bình muốn phát hành cổ phiếu để “giảm gánh nợ”

Vừa qua, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) đã công bố tờ trình 3 phương án với mục đích tăng vốn điều lệ và hoán đổi nợ. Theo đó, Xây dựng Hòa Bình sẽ phát hành cổ phiếu chia thành 2 đợt.

Với 3 phương án phát hành cổ phiếu, tổng số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là 274 triệu cổ phiếu, giá phát hành là 12.000 đồng/cp. Nếu phát hành thành công, tổng vốn điều lệ của Xây dựng Hòa Bình sẽ tăng lên gấp đôi, ở mức 5.482 tỷ đồng.

Với phương án thứ nhất, Xây dựng Hòa Bình sẽ phát hành tối đa 107 triệu cổ phiếu HBC, đơn giá 12.000 đồng/cp cho các chủ nợ là nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất của Xây dựng Hòa Bình. Tỷ lệ hoán đổi nợ là 1,2:1, tức là mỗi 12.000 đồng nợ hoán đổi sẽ được 1 cổ phiếu phổ thông phát hành thêm.

Số cổ phiếu sau khi phát hành sẽ được phân phối trực tiếp cho chủ nợ và cổ phiếu phát hành mới bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành theo quy định của pháp luật.

Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2023-2024. Nếu thành công, Xây dựng Hòa Bình sẽ hoán đổi được 1.284 tỷ đồng nợ. Các chủ nợ sau khi mua cổ phiếu sẽ thành cổ đông của Xây dựng Hòa Bình và doanh nghiệp sẽ không còn nghĩa vụ trả nợ bằng tiền cho chủ nợ.

Ở phương án thứ hai, Xây dựng Hòa Bình dự kiến chào bán cổ phiếu riêng lẻ đợt 1 với 120 triệu cổ phiếu, đơn giá 12.000 đồng/cp, cao hơn mức giá trên sàn ngày 7/8 khoảng 14% (10.500 đồng). Đối tượng chào bán ở đợt này là các nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Số lượng nhà đầu tư dự kiến chào bán là không giới hạn số lượng nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và dưới 100 nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Mục đích của thương vụ này là để thanh toán các khoản nợ và bổ sung vốn kinh doanh.

Với cổ phiếu chào bán riêng lẻ đợt 1, việc chuyển nhượng cổ phiếu bị hạn chế tối thiểu là 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trừ một số trường hợp theo luật định.

Thời gian thực hiện của đợt chào bán này cũng trong năm 2023-2024. Nếu chào bán thành công, Xây dựng Hòa Bình sẽ thu được khoảng 1.440 tỷ đồng. Nếu không phân phối hết, ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT tiếp tục chào bán cho những đối tượng khác.

Phương án cuối cùng là Xây dựng Hòa Bình sẽ chào bán cổ phiếu riêng lẻ đợt 2 với khoảng 47 triệu cổ phiếu, giá chào bán cũng là 12.000 đồng/cp, tổng giá trị phát hành là 564 tỷ đồng. Đối tượng phát hành, số lượng nhà đầu tư dự kiến chào bán và quy định về hạn chế chuyển nhượng cũng tương tự như đợt chào bán thứ nhất.

Tổng số tiền thu được sau khi chào bán cổ phiếu đợt 2 sẽ dùng để bổ sung vốn kinh doanh. Thời gian thực hiện chào bán dự định sau khi hoàn tất chào bán riêng lẻ đợt 1 ít nhất 6 tháng.

Tại Báo cáo thường niên năm 2022, Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải cho biết, tính đến ngày 30/6, đã có 98 nhà cung cấp, nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 1.000 tỷ đồng.

Trước đó, Chủ tịch HĐQT cho biết trong tình hình hiện tại, việc thanh toán nợ bằng tiền mặt của Xây dựng Hòa Bình gặp nhiều khó khăn nên một số khách hàng đã thanh toán cho công ty bằng chính sản phẩm bất động sản của họ. Vì vậy, ông Lê Viết Hải đề xuất các nhà thầu phụ xem xét thay thế việc thanh toán bằng bất động sản do Xây dựng Hòa Bình nhận để cấn trừ nợ với khách hàng.

Điểm qua tình hình kinh doanh, kết thúc quý II/2023, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.297 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ giá vốn hàng bán giảm xuống 1 nửa, về mức 1.874 tỷ đồng mà biên lợi nhuận gộp tăng gấp đôi, đạt 423 tỷ đồng.

Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính của Xây dựng Hòa Bình giảm gần 1 nửa so với quý II/2022, chỉ còn 93 tỷ đồng. Chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng khoảng 2% và 190%, ở ngưỡng 142 tỷ đồng và 435 tỷ đồng.

Khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Xây dựng Hòa Bình “nhảy vọt” gấp 12 lần so với cùng kỳ năm 2022, đạt 546 tỷ đồng nhờ lợi nhuận gộp tăng cao và lợi nhuận khác từ thanh lý tài sản.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.492 tỷ đồng, chỉ bằng 1 nửa so với cùng kỳ năm trước. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt 101 tỷ đồng, tăng 83% so với 2 quý đầu năm 2022.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Xây dựng Hòa Bình đã hoàn thành 28% chỉ tiêu doanh thu (12.500 tỷ đồng) và 80% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế (125 tỷ đồng).

Cuối tháng 6/2023, Xây dựng Hòa Bình có tổng cộng tài sản đạt 14.701 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 89%, đạt 13.173 tỷ đồng. Ở kỳ này, Xây dựng Hòa Bình tăng cường đầu tư tài chính dài hạn với tổng giá trị đạt 368 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm đầu năm và “thu hẹp” đầu tư ngắn hạn về mức 29 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, Xây dựng Hòa Bình chỉ có khoảng 1.294 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu, tăng nhẹ gần 80 tỷ đồng so với đầu quý I/2023. Trong đó, nợ ngắn hạn gần chạm ngưỡng 12.000 tỷ đồng, chiếm 81% tổng cộng nguồn vốn.

Sau thời gian dài gặp nhiều khó khăn, Xây dựng Hòa Bình tập trung tái cấu trúc mạnh mẽ và toàn diện nhằm thay đổi, thích nghi cũng như vượt qua được những thách thức hiện tại, việc chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Matec cũng nằm trong kế hoạch tái cấu trúc đó. Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng, toàn bộ số tiền sẽ được bổ sung vào vốn lưu động để phục vụ các hoạt động kinh doanh.

Theo phân tích của VNDirect, một số yếu tố hỗ trợ để đẩy nhanh hơn nữa các dự án đầu tư công trong năm nay, bao gồm: Nợ công của Việt Nam đã giảm đáng kể; lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam giảm mạnh kể từ đầu năm 2023; lạm phát hạ nhiệt. Khi áp lực lạm phát giảm bớt, Chính phủ có thể cân nhắc nới lỏng chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Ngoài ra, giá trị backlog lớn cũng đảm bảo tăng trưởng doanh thu mảng xây lắp của các công ty xây dựng hạ tầng trong giai đoạn 2023-2025. Trong giai đoạn 2023-2025, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được thi công cũng tạo cơ hội tăng gấp đôi quy mô doanh thu so với giai đoạn 2021-2022.

Nhìn chung, các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng đáp ứng các tiêu chí như năng lực thi công tốt, tỷ lệ giá trị backlog, doanh thu lớn và tài chính ổn định sẽ là những doanh nghiệp hưởng lợi hàng đầu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xây dựng cũng sẽ được hưởng lợi lớn từ xu hướng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong giai đoạn 2023-2025.

Chuyện nhà êm ấm, Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC) “lội ngược dòng” kịch tính trong quý II

Quý II, khoản trích lập dự phòng lớn khiến Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HOSE: HBC) lỗ thuần 68 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ ...

Định vị Matec - công ty con Hòa Bình (HBC) đang tính "bán đứt"

Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HOSE: HBC) mới đây phát đi thông báo sẽ chuyển nhượng 100% phần vốn góp tại Công ty TNHH ...

Kết cấu thép ATAD Đồng Nai - đối tác quen của Xây dựng Hòa Bình, Coteccons... vừa lĩnh án phạt 85 triệu đồng

Ngày 14/7/2022 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty CP Kết ...

Ngọc Bích