Tìm giải pháp để xây dựng TP.HCM trở thành siêu đô thị thông minh

Cập nhật: 16:39 | 17/09/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Tại hội nghị "Thành phố Hồ Chí Minh mời gọi đầu tư xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh và Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh việc quản lý gắn với đô thị thông minh nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế cao, đặc biệt là tính bền vững của phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của người dân, cung cấp cho người dân những dịch vụ sống tốt nhất..

tim giai phap de xay dung tphcm tro thanh sieu do thi thong minh
Xây dựng TP.HCM trở thành Thành phố thông minh giai đoạn 2017 - 2025.

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cuối năm 2017, TP. HCM đã ký ban hành Đề án xây dựng TP. HCM trở thành Thành phố thông minh giai đoạn 2017 - 2025. TP. HCM là một trong những địa phương công bố Đề án đô thị thông minh sớm nhất cả nước sau khi lần đầu tiên Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế về đô thị thông minh.

Đối với TP. HCM, việc quản lý gắn với đô thị thông minh nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế cao, đặc biệt là tính bền vững của phát triển kinh tế; nâng cao mức sống của người dân, cung cấp cho người dân những dịch vụ sống tốt nhất; chính quyền phục vụ người dân tốt nhất; người dân tham gia vào quá trình quản lý và giám sát chính quyền.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, có 3 nhóm giải pháp lớn. Trước hết là trách nhiệm của chính quyền, đó là chính quyền trách nhiệm, chính quyền thông minh, chính quyền làm việc hiệu quả. Thứ hai là, xây dựng môi trường để thực hiện sự tương tác giữa 4 chủ thể. Thứ ba là, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ điện toán đám mây, công nghệ dữ liệu lớn, công nghệ trí tuệ nhân tạo để góp phần làm cho quá trình tiếp nhận thông tin, lưu trữ thông tin, xử lý thông tin ngày càng hiệu quả cao...

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND thành phố cho biết: Mục tiêu của Đề án đô thị thông minh đã được phê duyệt năm 2017 giúp TP.HCM giải quyết các vấn đề tắc nghẽn kéo dài, bức xúc của thành phố như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường sống… Ngoài ra đề án này sẽ tăng cường khả năng tương tác xây dựng và phát triển thành phố giữa chính quyền đối với doanh nghiệp và người dân.

Theo ông Dương Anh Đức - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, thành viên Ban điều hành đô thị thông minh, yêu cầu của đề án là Trung tâm điều hành đô thị thông minh phải có khả năng xử lý được các thông tin từ người dân, các tổ chức, doanh nghiệp… báo cáo kịp thời cho lãnh đạo thành phố để xử lý các vấn đề trong đô thị.

Đồng hành với Trung tâm điều hành đô thị thông minh thì Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế-xã hội phải được vận hành một cách song hành. Do đó, cần làm rõ mối quan hệ giữa hai trung tâm này là điều rất quan trọng. Đồng thời, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức để cho người dân hiểu rõ vai trò quan trọng của việc xây dựng thành phố thành một đô thị thông minh.

Trong giai đoạn đầu thành phố đang vận dụng những giải pháp công nghệ hiện có và Ban điều hành cũng mong muốn nhận được sự tư vấn, cung cấp các giải pháp tiên tiến đã được áp dụng ở các đô thị ở nước ngoài có hoàn cảnh giống như TP. HCM.

Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (Intelligent Operations Center–IOC) là nơi tổng hợp các nguồn thông tin, dữ liệu quan trọng của đô thị, được trang bị các công nghệ tiên tiến, đáp ứng khả năng mở rộng và phát triển trong tương lai, trong đó, ưu tiên áp dụng các chuẩn công nghệ mở, cho phép tích hợp các tính năng bổ sung khi cần thiết nhằm phục vụ nhu cầu điều hành quản lý tổng thể của lãnh đạo thành phố, qua đó giúp giám sát, phân tích đánh giá chất lượng dịch vụ, hỗ trợ ra quyết định, xây dựng cơ chế, chính sách, định hướng phát triển thành phố.

Đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức, cơ quan chức năng dễ dàng giao tiếp, phối hợp và đồng bộ các thông tin, hoạt động theo thời gian thực để vừa cung cấp bức tranh toàn cảnh về các hoạt động của thành phố cho lãnh đạo các cấp, vừa giúp nâng tầm chất lượng các dịch vụ phục vụ cho người dân, doanh nghiệp.

Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội TP.HCM, giai đoạn 2018-2020 mô phỏng xu hướng phát triển trong ngăn hạn, trung hạn và dài hạn đôi với các lĩnh vực có liên quan đến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu thuộc giai đoạn 2015-2020 của Thành phố phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố và các cơ quan có liên quan.

Ở giai đoạn 2021 trở đi, Trung tâm mở rộng phạm vi mô phỏng xu hướng phát triển đối với đến tất cả lĩnh vực thuộc Đề án Đô thị thông minh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố và các cơ quan có liên quan. Nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu thông tin cần thiết phục vụ công tác ra quyết định của Lãnh đạo Thành phố.

Lê Cường

Tin cũ hơn
Xem thêm