Tiêu điểm dự án hạ tầng giao thông tuần qua (từ 10/8 - 14/8/2020)

Cập nhật: 17:00 | 16/08/2020 Theo dõi KTCK trên

Thủ tướng phê duyệt dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh tổng mức đầu tư gần 21.000 tỷ đồng; Đề nghị bàn giao TP.Hà Nội quản lý cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long;... là những tin tức đầu tư dự án hạ tầng giao thông đáng chú ý tuần qua.

Thủ tướng phê duyệt dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh tổng mức đầu tư gần 21.000 tỷ đồng

Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài 115km với quy mô 4 làn xe, trong đó trên địa phận tỉnh Lạng Sơn dài khoảng 52 km và trên địa phận tỉnh Cao Bằng dài khoảng 63 km., được thiết kế tốc độ 80 km/h, tổng mức đầu tư khoảng 20.939 tỷ đồng.

Theo đó, Dự án sẽ xây dựng mới tuyến cao tốc có chiều dài khoảng 115 km, trong đó trên địa phận tỉnh Lạng Sơn khoảng 52 km, đi qua huyện Văn Lãng, huyện Tràng Định và trên địa phận tỉnh Cao Bằng khoảng 63 km, đi qua huyện Thạch An, huyện Quảng Hoà (huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên cũ), huyện Trùng Khánh (huyện Trà Lĩnh cũ), huyện Hòa An và thành phố Cao Bằng. Tuyến nối đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào thành phố Cao Bằng có chiều dài khoảng 15,5 km đi qua các huyện Quảng Hoà (huyện Quảng Uyên cũ), huyện Hòa An và thành phố Cao Bằng.

Dự án được phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 sẽ tập trung đầu tư khoảng 93 km (từ Km0+00 tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn đến nút giao với Quốc lộ 3 tại lý trình Km307+650, huyện Quảng Hòa - Cao Bằng với quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Trong giai đoạn 2 (hoàn thiện), Dự án sẽ đầu tư tiếp khoảng 22 km (từ Km93+00 nút giao với quốc lộ 3 tại lý trình Km307+650 Quốc lộ 3 xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa đến Km115+00 tại cửa khẩu Trà Lĩnh) với quy mô bề rộng nền đường 17 m, mặt đường rộng 14 m với 4 làn xe.

Tổng mức đầu tư Dự án là 20.939 tỷ đồng, trong đó tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 12.546 tỷ đồng; tổng mức đầu tư giai đoạn 2 (hoàn thiện) là 8.393 tỷ đồng.

Đề nghị bàn giao TP.Hà Nội quản lý cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long

Ban QLDA Thăng Long đề nghị Bộ GTVT bàn giao cho UBND TP.Hà Nội quản lý và khai thác cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long.

Ông Phạm Thanh Bình - Phó Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, đơn vị vừa có văn bản kiến nghị Bộ GTVT bàn giao quản lý các hạng mục công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường Vành đai 3 TP.Hà Nội.

Theo ông Bình, dự án đầu tư xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định 2660 ngày 3/9/2013. Phạm vi xây dựng dự án từ nút giao Mai Dịch đến cầu Thăng Long dọc theo dải phân cách giữa đường Phạm Văn Đồng thuộc quận Cầu Giấy và Bắc Từ Liêm (Hà Nội) với tổng chiều dài hơn 5,3km.

Ông Bình cho biết, để công trình được quản lý, khai thác, tổ chức giao thông tại khu vực được thuận tiện và đồng bộ theo đúng các quy định hiện hành, Ban QLDA Thăng Long đề nghị Bộ GTVT bàn giao cho UBND TP.Hà Nội quản lý và khai thác cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long.

Chọn xong nhà thầu thực hiện gói thầu 170 tỷ đồng nâng cấp đường tại Ứng Hòa (Hà Nội)

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho biết đã lựa chọn được nhà thầu thực hiện Gói thầu số 02 Xây lắp thuộc Dự án Nâng cấp, cải tạo đường Tỉnh lộ 429C đoạn từ cầu Bầu đến cầu Hậu Xá, huyện Ứng Hòa.

Theo đó, Liên danh Công ty CP Xây dựng cầu đường Hà Nội - Công ty CP Minh Trâm (gọi tắt là Liên danh Cầu đường Hà Nội - Minh Trâm) trúng thầu với giá 169,75 tỷ đồng, giảm 1,12 tỷ đồng so với giá gói thầu (170,87 tỷ đồng), tiết kiệm đạt 0,65%.

Gói thầu sử dụng ngân sách thành phố Hà Nội, lựa chọn nhà thầu thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ. Thời gian thực hiện hợp đồng là 850 ngày.

Ông Nguyễn Đức Thụ, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ứng Hòa cho biết, Gói thầu có thời gian phát hành hồ sơ mời thầu từ ngày 26/6 -16/7/2020. Có 5 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu. Tại vòng đánh giá kỹ thuật chỉ có 2 nhà thầu vượt qua là Liên danh Cầu đường Hà Nội - Minh Trâm; Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển nông thôn. Tại vòng đánh giá đề xuất về tài chính, Liên danh Cầu đường Hà Nội - Minh Trâm có giá cạnh tranh hơn nên đã được lựa chọn để thực hiện Gói thầu.

Sau 2020 mới nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa

Bộ GTVT cho biết sẽ nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa khổ 1.435mm sau 2020 theo quy hoạch.Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk về việc đầu tư tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa.

Cụ thể, theo định hướng Chiến lược, Quy hoạch phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định số 214/QĐ-TTg ngày 10/2/2015 và Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 24/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ), dự kiến sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa với chiều dài khoảng 169km, khổ 1.435mm; lộ trình nghiên cứu, đầu tư trong giai đoạn sau 2020.

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, khả năng cân đối nguồn lực đầu tư công hết sức khó khăn, Bộ GTVT đang tập trung cải tạo, nâng cấp để đảm bảo an toàn giao thông, từng bước đáp ứng nhu cầu vận tải trên các tuyến đường sắt trọng yếu.

Tăng tốc triển khai thu phí tự động không dừng

Bộ GTVT đang chỉ đạo, đốc thúc bằng nhiều giải pháp mạnh nhằm đưa dự án thu phí tự động không dừng hoàn thành đúng tiến độ.

Quyết định số 19/2020 của Thủ tướng thay thế Quyết định 07/2017 về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua.

Hiện đã có 36/44 trạm vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng. Ngoài một số trạm đang dừng thu, hiện chỉ còn vướng 4 dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) do chưa có nguồn vốn triển khai.

Đề cập đến những vướng mắc trong các dự án của VEC, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ đối tác công tư (PPP) cho biết, Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận chủ trương triển khai thu phí không dừng tại các dự án do VEC theo hướng VEC đầu tư, vận hành hệ thống thiết bị tại trạm thu phí, kết nối với trung tâm dữ liệu của các nhà cung cấp dịch vụ.

Tuy nhiên, hiện mới chỉ có tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình vận hành hệ thống. Các tuyến còn lại chưa lắp đặt do VEC chưa xác định được nguồn vốn và cách thức triển khai, mặc dù Bộ GTVT nhiều lần đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn VEC.

Tin tức đầu tư dự án hạ tầng giao thông ngày 13/8/2020

Hà Nội hoàn thành 90% đường vành đai 3 trên cao; Thanh Hóa: Lựa chọn nhà đầu tư dự án BT giao thông 539,6 tỷ ...

Tin tức đầu tư dự án hạ tầng giao thông ngày 12/8/2020

Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái: Điều chỉnh quy mô, phân kỳ để hỗ trợ nhà đầu tư; Khó khăn bủa vây ...

Tin tức đầu tư dự án hạ tầng giao thông ngày 11/8/2020

Long An khánh thành hơn 13km đường về biên giới Giồng Két; Sau 2020 mới nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột ...

Đại Dương

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm