Tin tức đầu tư dự án hạ tầng giao thông ngày 12/8/2020

Cập nhật: 15:06 | 12/08/2020 Theo dõi KTCK trên

Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái: Điều chỉnh quy mô, phân kỳ để hỗ trợ nhà đầu tư; Khó khăn bủa vây dự án metro tại TP.HCM;... là những tin tức đầu tư dự án hạ tầng giao thông đáng chú ý ngày 12/8.

Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái: Điều chỉnh quy mô, phân kỳ để hỗ trợ nhà đầu tư

Nhằm đảm bảo tiến độ của công trình đặc biệt ý nghĩa này, đầu tháng 5/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh Dự án BOT Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo hướng tách thành 2 dự án độc lập.

2354-hn-hp
Ảnh minh họa

Cụ thể, điều chỉnh giảm quy mô Dự án BOT Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80,23 km thành Dự án Đường cao tốc Tiên Yên - Móng Cái với chiều dài 63,26 km, tổng mức đầu tư 9.032 tỷ đồng. Liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Long Vân - Công ty cổ phần Mặt trời Vân Đồn - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Công Thành vẫn là chủ đầu tư (pháp nhân mới được thành lập để thực hiện dự án điều chỉnh là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Vân Đồn).

Đối với đoạn tuyến còn lại, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ lập thành Dự án Xây dựng đường cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên, dài 16,08 km, tổng mức đầu tư 3.667 tỷ đồng, được thực hiện bằng hình thức đầu tư công.

Khó khăn bủa vây dự án metro tại TP.HCM

Nhiều vướng mắc tiếp tục bủa vây khiến các dự án đường sắt đô thị (metro) tại TP.HCM có thể thêm một lần “lỗi hẹn”.

Theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị, tình hình giải ngân vốn đầu tư tuyến metro số 2 cũng rất thấp. Theo đó, vốn ODA cấp phát đã phân bổ là 381,791 tỷ đồng vẫn chưa thể giải ngân đồng nào. Lý do là chưa hoàn tất việc đàm phán, thương thảo ký kết Phụ lục hợp đồng số 13 của Hợp đồng Tư vấn thực hiện dự án (tư vấn IC).

Trong các báo cáo định kỳ gửi UBND TP.HCM và Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố thời gian gần đây, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị đã đề cập rất nhiều vướng mắc và kiến nghị cần có các giải pháp tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến metro số 1 và số 2.

Theo đó, khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề vốn. Điều đáng nói là, đây không phải là khó khăn mới nảy sinh và cũng không phải do thiếu vốn. Vấn đề nằm ở các thủ tục hành chính trong phối hợp giữa chủ đầu tư với các tư vấn, nhà thầu…, giữa chính quyền thành phố và các bộ liên quan.

Dự án Đường dây 500 kV mạch 3: Giải phóng mặt bằng chậm tiếp 2 tháng

Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) cho biết, do dịch bệnh diễn biến phức tạp tại một số địa phương miền Trung, khiến địa phương phải dồn sức tập trung chống dịch và cán bộ của CPMB cũng phải khai báo, cách ly tại địa phương, nên việc bồi thường các dự án đường dây 500 kV mạch 3 dự kiến sẽ chậm thêm 2 tháng nữa.

Trước đó, do ảnh hưởng dịch covid-19 từ tháng 2-4/2020 và Đại hội Đảng các cấp nên đã ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng các dự án đường dây 500 kV mạch 3 với thời gian chậm khoảng 6 tháng.

Các địa phương giải phóng mặt bằng chậm nhất là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị dù đã được CPMB lên kế hoạch giải quyết trong tháng 8/2020 nhưng dịch bệnh cũng làm ảnh hưởng đến tuyên truyền vận động. Đối với hành lang tuyến, các địa phương đã bàn giao dần từ cuối tháng 4/2020 và nhà thầu tập trung để hoàn thành theo tiến độ dựng cột/kéo dây, phấn đấu kết thúc trong tháng 9 tới.

Trắng đêm thi công đẩy nhanh tiến độ nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài

Ông Dương Viết Roãn - Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, tiến độ dự án sẽ rút ngắn khoảng 8 tháng so với yêu cầu trước đây của Bộ GTVT.

Hơn một tháng qua, kể từ khi khởi công (1/7/2020), Ban QLDA Thăng Long (đại diện chủ đầu tư) đã chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn (đường băng) Sân bay Quốc tế Nội Bài.

Tổng Công ty Xây dựng Hàng không (ACC) - Công ty CP Phát triển Đầu tư xây dựng Việt Nam (VINADIC) - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đã huy động hàng loạt máy móc, thiết bị, nhân lực, vật liệu,… thi công liên tục cả ngày lẫn đêm để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Dự án nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài là công trình giao thông quan trọng làm theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ. Dự án có tổng mức đầu tư 2.031,6 tỷ đồng có mục tiêu: Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 11L/29R (1A) và đường cất hạ cánh 11R/29L (1B); xây dựng mới các đường lăn thoát nhanh S3A, S5B, S6B; cải tạo nâng cấp các đường lăn hiện hữu (S1, S1A, S2, S3, S4, S5, S5A, S6, S7); xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu, hệ thống thoát nước và các công trình phụ trợ đồng bộ.

Tin tức đầu tư dự án hạ tầng giao thông ngày 11/8/2020

Long An khánh thành hơn 13km đường về biên giới Giồng Két; Sau 2020 mới nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột ...

Tin tức đầu tư dự án hạ tầng giao thông ngày 10/8/2020

Đề xuất nâng cấp 3 tuyến quốc lộ qua Đắk Lắk bằng vốn đầu tư công; Đề nghị bàn giao TP.Hà Nội quản lý cầu cạn ...

Tin tức đầu tư dự án hạ tầng giao thông ngày 7/8/2020

Điều chỉnh phương án đầu tư cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; Khởi công Dự án Sân bay Long Thành trong năm 2020;... là những tin ...

Trâm Trâm (t/h)

Tin cũ hơn
Xem thêm