Bất cập đầu tư:

Quốc Cường Gia Lai và 12 dự án tắc

Cập nhật: 10:08 | 11/04/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Tổng giám đốc Chủ tịch HĐQT CTCP Quốc Cường Gia Lai (HOSE: QCG) bà Nguyễn Thị Loan cho biết, công ty hiện có 12 dự án tổng diện tích trên 150 ha đang bị ách tắc...

quoc cuong gia lai va 12 du an tac Nhiều điểm nghẽn BĐS chưa được tháo gỡ
quoc cuong gia lai va 12 du an tac Kiến nghị giải phóng 50 container hàng hải sản ách tắc tại cảng
quoc cuong gia lai va 12 du an tac TP HCM: Thí điểm triển khai đầu tư 3 dự án BT giải tỏa ách tắc giao thông

Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai: "Đã có lúc tôi nghĩ đến chuyện tự tử"

Trong cuộc họp với lãnh đạo UBND TP. HCM sáng 10/04, bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai (HOSE: QCG) cho biết, công ty hiện có 12 dự án tổng diện tích trên 150 ha đang bị ách tắc. Diện tích này, theo bà Loan, không phải có nguồn gốc đất công mà chủ yếu là đất nông nghiệp doanh nghiệp tự đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân.

Trong số này, chủ tịch QCGL chỉ ra 1 dự án nhỏ nhất có diện tích 3.000 m2 trên đất ở gây cho bà nhiều "bức xúc". Bà cho biết dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 11/2017, có giá trị thời hạn 12 tháng. Đến tháng 10/2018, Sở Xây dựng trình Ủy ban chấp thuận đầu tư, duyệt xong quy hoạch tỷ lệ 1/500, tất cả đầy đủ, "không sai bất cứ dấu phẩy". Tuy nhiên, bà Loan nói khi trình Ủy ban thì chuyên viên trả về vì văn bản Sở Xây dựng ghi "cơ bản hoàn thành" mà không khẳng định "hoàn thành".

quoc cuong gia lai va 12 du an tac
Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai

"Chỉ vì một câu chữ mà từ tháng 11/2017 đến nay, tất cả bị ách tắc. Sở phải yêu cầu doanh nghiệp quay lại từ đầu, duyệt 1/2000 trong lúc chúng tôi đã được duyệt đồ án 1/500. Sau đó chúng tôi phải trình lại chấp thuận chủ trương, coi như phải làm lại 100%, trở về con số 0", bà Loan cho hay.

Chủ tịch QCGL cho biết sau đó đến tháng 11/2018, ông Trần Trọng Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố, tổ chức cuộc họp, đề nghị Sở Quy hoạch Kiến trúc ra văn bản phối hợp quận 7 bổ sung dự án trên vào quy hoạch vì đã duyệt 1/500. Đại diện QCGL nói suốt 2 tháng ròng hoàn thiện hồ sơ, tới tháng 12 trình về Sở Quy hoạch Kiến trúc quy hoạch 1/2000. Nhưng 4 tháng qua, Sở cũng không trình được Ủy ban để phê duyệt 1/2000 vì nhiều lý do quan ngại. Vì vậy, bà đặt câu hỏi dự án này bao giờ mới được thực hiện.

Theo bà Như Loan, doanh nghiệp phải qua Sở Tài chính hỏi cái này có vướng đất công hay không. Sở Tài chính trả lời là quá nhiều hồ sơ sau 14 năm, trải qua 3 đời Giám đốc nên không thể tìm hiểu ngay được. Cơ quan này đề nghị muốn nhanh thì doanh nghiệp phải tự tìm ra hồ sơ.

Doanh nghiệp chấp nhận khổ cực để tìm cho ra hồ sơ và thấy được rằng năm 2005 không vướng vào đất công. Tuy nhiên, Sở QH&KT vẫn yêu cầu phải có văn bản chính thức từ Sở Tài chính thì mới chấp thuận.

“Tôi bỏ cả ăn sáng, ăn trưa và ngồi chầu trực ở quận 7 lấy được hồ sơ nhưng Sở QH&KT yêu cầu phải có công văn từ Sở Tài chính”, bà Loan kể lại quá trình xin hồ sơ vất vả của mình. “Tôi rất rất bức xúc vì dự án rất nhỏ này. Nó giống như câu nói dân dã: Thủ kho to hơn thủ trưởng. Anh em thụ lý hồ sơ, thực thi pháp luật đang rất hoang mang. Họ không trình lấy đâu ra trưởng phòng ký, trưởng phòng không trình lấy đâu ra phó giám đốc sở ký, phó giám đốc sở không trình nói gì đến UBND thành phố”, bà Loan bức xúc nói.

Bà Loan nhấn mạnh những khó khăn về thủ tục hành chính để triển khai dự án khiến cho doanh nghiệp rất khổ sở trong việc duy trì hoạt động, đặc biệt là để có nguồn thu để trả lương cho 3.000 công nhân ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

“Tôi rất khổ tâm. Nếu không vì cổ đông, không bị nợ ngân hàng, không vì 3.000 cán bộ nhân viên thì tôi đã tự tử. Tôi để lại di chúc, để lại tâm thư để làm sao Nhà nước có cách nào tháo gỡ cho doanh nghiệp”, bà Loan nói.

Cùng với ý kiến của bà Loan, nhiều doanh nghiệp cũng đưa ra các quan điểm, kiến nghị đề nghị lãnh đạo thành phố tháo gỡ các vướng mắc và ách tắc.

Người trong cuộc nói gì?

Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. HCM, các doanh nghiệp địa ốc đã đề xuất nhiều giải pháp với hy vọng sẽ giúp khai thông sự ách tắc của thị trường thời gian vừa qua.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng, việc các cơ quan có thẩm quyền của thành phố và trung ương đã khẩn trương rà soát hơn 150 dự án bất động sản trên địa bàn thành phố và đã chấp thuận cho 124 dự án được tiếp tục triển khai, thực hiện là tin tốt lành đối với các chủ đầu tư và khách hàng đồng thời cũng là tín hiệu tích cực đối với thị trường bất động sản.

quoc cuong gia lai va 12 du an tac

Đến nay, các doanh nghiệp và người dân vẫn chưa tiếp cận được thông tin cụ thể danh sách các dự án trên

Vì vậy, hiệp hội đề nghị UBND thành phố cho công bố danh mục 124 dự án nêu trên để các chủ đầu tư có căn cứ làm việc với các sở, ngành để hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng nếu thiếu và tiếp tục triển khai thực hiện dự án, đồng thời giúp cho người mua nhà yên tâm.

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phuc Khang Corporation kiến nghị, đối với các dự án ở trong tình trạng đang rà soát mà không bị đình chỉ hoặc điều tra, thành phố nên tiếp tục cho phép thực hiện. Với các dự án đã thực hiện các thủ tục theo đúng yêu cầu của cơ quan chức năng về quy hoạch, về thủ tục đầu tư xây dựng thì đề nghị được tiếp tục thực hiện các thủ tục còn lại vì việc dự án bị trì trệ khiến cho cơ hội của doanh nghiệp mất đi.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Nam Long, cho rằng hiện các chính sách từ luật đến nghị định, thông tư hướng dẫn về lĩnh vực bất động sản đang có những chồng chéo, mâu thuẫn, dẫn đến tình trạng nhiều dự án bị thanh tra kiểm toán kéo dài. Những vướng mắc này đã được lãnh đạo thành phố tìm cách tháo gỡ nhưng vẫn cần giải quyết từ tầm cao hơn.

Ông Quang cho biết, hiện nay các dự án đang bị ngưng trệ, nguồn cung đang thiếu so với nhu cầu dẫn đến giá tăng cao. Các nhà đầu tư bắt đầu rời TP. HCM để đầu tư vào các tỉnh lẻ, thậm chí là lên tới Bình Dương, Bình Phước và đi xa hơn nữa.

Trong những vướng mắc mà các doanh nghiệp địa ốc đang gặp phải, vướng mắc lớn nhất hiện nay là vấn đề tiền sử dụng đất, giá đất. Ngoài ra, các doanh nghiệp tại TP. HCM cũng đang gặp trở ngại với giá thành xây dựng hạ tầng.

“Hiện giá thành xây dựng hạ tầng đang ở mức 700.000 đồng/m2. Nhưng theo quy định, các công trình hạ tầng phải chống được lún theo thời gian trên nền đất yếu. Điều này dẫn đến giá thành hạ tầng thực tiễn hiện nay tại TP. HCM phải nằm ở mức từ 1,5 đến 2 triệu đồng/m2. Nếu theo công thức tính toán tỷ suất hiện nay thì doanh nghiệp chỉ được công nhận 700.000, rất xa so với thực tiễn”, ông Quang nói.

Tương tự, giá xây dựng công trình hiện nay do TP. HCM đưa ra cũng không sát với thị trường, dẫn đến giá bán cao nhưng khi trừ giá xây dựng thấp dẫn đến nghĩa vụ của chủ đầu tư rất lớn.

Thông tin lại các ý kiến của doanh nghiệp, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM, cho biết thành phố rất chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp khi các dự án ngưng trệ do bị thanh tra, kiểm tra; chủ đầu tư bị áp lực về lãi suất vay ngân hàng, áp lực khách hàng, đối tác, trong đó có đối tác nước ngoài.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đang xin Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm rút ngắn thời gian thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng xuống bớt 100 ngày. Hiện nay đang là 360 ngày.

Sau khi nghe đại diện các doanh nghiệp bất động sản và đại diện các sở, ngành trình bày, Bí thư thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu người đứng đầu các sở phải quyết liệt hơn nữa để giúp đỡ doanh nghiệp trong việc triển khai dự án trên địa bàn thành phố.

Ông Nhân yêu cầu rà soát lại quy trình, phải có sự phân công, thời hạn giải quyết công việc rõ ràng. Với các vấn đề ngoại lệ cần có thêm thời gian cũng lưu ý cho doanh nghiệp được biết, không để chậm chạp. UBND TP.HCM cần có văn bản yêu cầu các sở rà soát, báo cáo. Không để tình trạng giám đốc sở trả lời muốn giúp doanh nghiệp mà không biết làm thế nào.

Về các kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nhân đề nghị thành phố phải có hệ thống tiếp nhận thường xuyên, giải quyết liên tục, có một cơ quan tập hợp báo lại các đơn vị có liên quan giải quyết.

Đánh giá về cơ hộ của thị trường bất động sản TP. HCM, ông Nhân cho rằng dù chịu áp lực trong ngắn hạn, song chưa lúc nào thời cơ kinh doanh của các doanh nghiệp lớn như bây giờ.

Cứ năm năm thành phố có thêm 1 triệu người. Trung bình nhà có bốn người thì cần thêm 250.000 căn hộ. Dân số tăng, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng, nhu cầu nhà ở vô cùng lớn. Tuy nhiên, để doanh nghiệp bất động sản đồng hành với chính quyền trong xây dựng phát triển thành phố, đòi hỏi một cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp.

Minh Thuận