Ông Nguyễn Công Phú rút khỏi HĐQT Xây dựng Hòa Bình, 'nội chiến' đã chấm dứt?

Cập nhật: 16:31 | 14/02/2023 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HOSE: HBC) vừa có nghị quyết thông qua việc chấp thuận Đơn xin từ nhiệm chức vụ Thành viên Độc lập Hội đồng Quản trị của ông Nguyễn Công Phú.

Quý IV 'đổ nát' của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: Thượng tầng lục đục, lỗ kỷ lục nghìn tỷ đồng

Hội đồng quản trị HBC vừa có nghị quyết thông qua việc chấp thuận Đơn xin từ nhiệm chức vụ Thành viên Độc lập Hội đồng Quản trị HBC của ông Nguyễn Công Phú từ ngày 13/2/2023.

Ông Nguyễn Công Phú ủy quyền cho ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT tham dự, thảo luận, biểu quyết tại tất cả các cuộc hợp, lấy ý kiến biểu quyết bằng văn bản hoặc hình thức khác của HBC. Đơn xin từ nhiệm chức vụ Thành viên độc lập HĐQT của ông Phú sẽ được xem xét thông qua tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023.

Nguyễn Công Phú từ nhiệm
Ông Nguyễn Công Phú rút khỏi HĐQT Hoà Bình.

Trước đó, ông Nguyễn Công Phú và ông Lê Viết Hải đã có cuộc tranh chấp gay gắt vị trí "Chủ tịch HBC". Cụ thể, ông Lê Viết Hải vào tháng 12/2022 đã có đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HBC và được chấp thuận từ ngày 1/1/2023. Sau đó, HBC có nghị quyết bầu ông Nguyễn Công Phú giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kể từ ngày 01/01/2023.

Tuy nhiên, sau khi ban hành 02 Nghị quyết nêu trên với lý do việc quản trị, điều hành doanh nghiệp đã phát sinh một số bất cập liên quan đến cơ chế hoạt động và vận hành của Hội đồng sáng lập, ông Hải đã rút đơn và muốn giữ lại chức vụ Chủ tịch. Trước động thái của ông Lê Viết Hải, phía ông Phú liên tiếp có những thông tin bác bỏ.

Đến giữa tháng 1/2023, HBC thông báo về quyết định của Cục trưởng Cục thi hành án dân sự Tp.HCM với nội dung: "Buộc Công ty tạm dừng thi hành Nghị quyết số 50/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 14/12/2022, Nghị quyết số 51/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 14/12/2022, Nghị quyết số 53/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 31/12/2022 của HĐQT cho đến khi vụ việc được giải quyết bằng quyết định hay phán quyết của Hội đồng Trọng tài". Theo đó, sau những tranh cãi nảy lửa trong nội bộ, ông Lê Viết Hải sẽ tiếp tục giữ chức danh Chủ tịch HĐQT và người đại diện theo pháp luật của HBC.

Trong khi nội bộ lục đục, tình hình kinh doanh của HBC cũng trượt dốc không phanh. Quý IV/2022, doanh thu giảm 16%, lại còn kinh doanh dưới giá vốn, dẫn đến khoản lỗ gộp 426 tỷ đồng – là khoản lỗ gộp đầu tiên sau 13 năm liên tục có lãi (lần nhất nhất lỗ gộp là quý II/2009). Trong quý, doanh thu tài chính âm 112 tỷ đồng, chi phí tài chính gấp đôi lên 164 tỷ đồng, chi phí quản lý gấp ba lên 496 tỷ đồng. Tất cả khiến HBC lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh tới 1.214 tỷ đồng – là quỹ lỗ thuần đầu tiên kể từ quý III/2020.

Kết quý IV/2022, HBC lỗ sau thuế 1.202 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 19 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ đầu tiên kể từ quý II/2009 và là quý lỗ nặng nề nhất lịch sử doanh nghiệp. Có thể nói đó là kết quả không thể chấp nhận được với một doanh nghiệp từng có “thập kỷ vàng” cứ 5 năm lại tăng doanh thu gấp 5 lần.

Kết quả tồi tệ của quý IV đã xóa sạch thành quả trong 3 quý trước đó của HBC. Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần đạt 14.122 tỷ đồng, tăng 24%, song lợi nhuận gộp chỉ đạt 258 tỷ đồng, giảm 69% so với năm trước.

Do quý IV ghi nhận doanh thu âm, nên doanh thu tài chính cả năm chỉ còn 158 tỷ đồng, trong khi đó chi phí tài chính lên tới 521 tỷ đồng (tăng 72%) và chi phí quản lý tới 939 tỷ đồng (tăng 2,3 lần).

Kết quả là HBC lỗ trước thuế 1.102 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 148 tỷ đồng; lỗ sau thuế 1.140 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 97 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử HBC lỗ sau thuế và lại lỗ rất đậm.

Năm 2022, HBC đặt mục tiêu doanh thu thuần 17.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng. Như vậy, HBC mới chỉ hoàn thành được 80% mục tiêu doanh thu và không hoàn thành được % mục tiêu lợi nhuận nào.

Yến Thanh

Tin liên quan