Nhiều điểm nghẽn BĐS chưa được tháo gỡ

Cập nhật: 18:38 | 21/11/2018 Theo dõi KTCK trên

CTCP Địa ốc Phú Long (Phú Long) vừa có kiến nghị về một số vướng mắc hiện nay công ty đang gặp phải trong hoạt động kinh doanh BĐS.

nhieu diem nghen bds chua duoc thao go Bất động sản TP.HCM: Loay hoay trong cơn “nghẽn” thủ tục
nhieu diem nghen bds chua duoc thao go 5 "điểm nghẽn" khiến thị trường bất động sản tăng trưởng thiếu bền vững
nhieu diem nghen bds chua duoc thao go Thị trường bất động sản: Xóa điểm nghẽn để phát triển bền vững

Theo đó, công ty trúng đấu giá 14 khu đất có diện tích 44,49 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè từ ngày 1/12/2004. Công ty đã thanh toán đủ toàn bộ tiền trúng đấu giá theo đúng quy định và đã được UBND thành phố cấp "sổ đỏ".

nhieu diem nghen bds chua duoc thao go
Trong công tác giải phóng mặt bằng, DN khó đạt được thỏa thuận với tất cả người sử dụng đất

Công ty đã đầu tư xây dựng trên khu đất này khu đô thị mới Dragon City văn minh, hiện đại, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị trục đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè.

Tuy nhiên, cho đến nay, tại phân khu số 15B của dự án vẫn còn tồn tại 1 căn nhà và đất của một số hộ dân, không chịu di dời mà còn xây dựng, mở rộng nhà trái phép, chăn nuôi gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường, cản trở không cho công ty triển khai đầu tư xây dựng dự án, thậm chí có hành vi tự ý xông vào công trường, đập phá tài sản và tháo dỡ hàng rào của công ty trong các ngày 30 và 31/10/2018.

Ngoài ra, đại diện Phú Long còn cho biết thêm những khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng để phát triển dự án vì những chính sách, thủ tục giấy tờ liên quan đến việc giao đất.

Bên cạnh đó, còn một điểm nghẽn lâu nay nhiều DN vướng phải chính là vướng mắc về việc tính tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất công trình ngầm của dự án.

CTCP BĐS Sơn Kim phản ánh, Dự án khu liên hợp cao ốc trung tâm thương mại văn phòng căn hộ Gate Way của công ty tại phường Thảo Điền, quận 2 có diện tích xây dựng khối đế (phần nổi) là 5.742,8 m2, diện tích xây dựng tầng hầm là 9.089,2 m2. Khi tính tiền sử dụng đất dự án theo phương pháp thặng dư, các sở, ngành, đơn vị tư vấn đã tính đủ doanh thu của toàn bộ diện tích tầng hầm như trên.

Nhưng quyết định tính tiền sử dụng đất dự án lại chỉ ghi tính trên diện tích khối đế 5.742,8 m2, còn lại 3.346,4 m2 diện tích tầng hầm lại không được tính. Do vướng mắc này mà đến nay dự án chưa được cấp sổ đỏ. Đây cũng là vướng mắc chung của tất cả các dự án có diện tích chiếm đất của công trình ngầm lớn hơn diện tích khối đế chung cư cao tầng và khu phức hợp cao tầng.

Theo Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoRea), thực tế trên cho thấy hiện nay, trong công tác giải phóng mặt bằng, DN khó đạt được thỏa thuận với tất cả người sử dụng đất nên dễ bị rơi vào tình trạng dở dang, không triển khai được dự án, bị chôn vốn kéo dài, không có quỹ đất để được công nhận chủ đầu tư dự án. Và đây cũng là một nguyên nhân làm sụt giảm các dự án BĐS, nhất là các dự án nhà ở trung cấp và bình dân.

Vừa qua, trong Hội nghị Chủ tịch UBND thành phố gặp gỡ DN BĐS, Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo sẽ thực hiện theo quy định của Chính phủ đối với các dự án đã lựa chọn chủ đầu tư hoặc chủ đầu tư cho phép thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trước ngày 1/7/2014 mà chủ đầu tư chưa thỏa thuận hết được toàn bộ diện tích đất của người sử dụng đất trong phạm vi dự án thì UBND cấp tỉnh tổng hợp vào danh mục dự án cần thu hồi đất trình HĐND cùng cấp thông qua trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất đối với diện tích đất chưa thỏa thuận được để giao đất, cho thuê đất đối với chủ đầu tư.

Tuy nhiên, Hiệp hội đề nghị cần có cơ chế hiệp thương, thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người sử dụng đất đảm bảo 2 yêu cầu bồi thường thỏa đáng cho người sử dụng đất phù hợp giá thị trường và thực hiện quyền được tái định cư của người sử dụng đất trong khu vực dự án.

Đối với điểm nghẽn tiền sử dụng đất, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoRea cho rằng, theo cách tính tiền sử dụng đất hiện nay thì đây vẫn là gánh nặng, gây khó khăn, thiệt hại cho DN và làm thất thu ngân sách Nhà nước. Đây cũng là một nguyên nhân gây ách tắc dự án do chưa đủ điều kiện để triển khai tiếp.

“Đề nghị thay đổi cách tính khấu trừ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng để tính tiền sử dụng đất dự án, đảm bảo công bằng cho chủ đầu tư dự án. Bởi vì hiện nay, mức khấu trừ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng quá thấp, chỉ chiếm khoảng 20% chi phí bồi thường thực tế mà DN đã bỏ ra. Do vậy, DN gần như đã phải mua lại quyền sử dụng đất lần thứ hai khi nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước. Phần chi phí không được khấu trừ này không được tính vào chi phí nên DN BĐS lại phải chịu thêm thuế thu nhập DN, mà cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua nhà”, ông Châu nhấn mạnh.

Minh Tuyết

Theo thoibaonganhang.vn

Tin liên quan