Ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn các kỳ hạn dài

Cập nhật: 16:52 | 10/06/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN – Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh huy động vốn các kỳ hạn dài nhằm chủ động chuẩn bị cho lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung dài hạn của ngân hàng Nhà nước (NHNN).  

ngan hang day manh huy dong von cac ky han dai

14 ngân hàng đang có tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn dưới mức 40%

ngan hang day manh huy dong von cac ky han dai

Sắp điều chỉnh giới hạn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn

ngan hang day manh huy dong von cac ky han dai

Sẽ giãn lộ trình áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn

Tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung - dài hạn còn 50%

Với những ngân hàng chưa phát hành trái phiếu, các sản phẩm huy động tiết kiệm trung - dài hạn, với ưu đãi hấp dẫn đã được thiết kế nhằm thu hút khách hàng. Lãnh đạo các ngân hàng này đều cho rằng, hầu hết khách hàng gửi tiết kiệm thích kỳ hạn ngắn nhằm dự phòng cho các khoản chi bất thường mà không bị mất lãi. Do vậy, để có thể “kéo” khách hàng đến với những sản phẩm tiết kiệm dài hạn, các ngân hàng phải thiết kế nhiều sản phẩm tiền gửi có tính thanh khoản cao hơn.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa triển khai chương trình “Tiết kiệm online - Lãi suất cao - Quà độc đáo” dành riêng cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm trực tuyến từ nay đến ngày 13/8. Theo đó, với số tiền gửi tiết kiệm online từ 80 triệu đồng, kỳ hạn từ 6 tháng trở lên khách hàng có cơ hội nhận phiếu mua hàng điện tử. Ngoài ra, người gửi còn nhận mức lãi suất cộng thêm lên đến 0,2% so với gửi tiết kiệm thông thường.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) áp dụng lãi suất 8%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm online, cao hơn gửi tiết kiệm tại quầy ngân hàng 0,1%/năm. Khách hàng có thể mở tiết kiệm online với số tiền gửi tối thiểu 500.000 đồng tương ứng với các kỳ hạn từ một tuần đến 36 tháng. Người gửi có thể chủ động mở, cập nhật hoặc tất toán tài khoản tiền gửi tiết kiệm trên kênh internet banking mọi lúc, mọi nơi mà không cần phải đến ngân hàng.

Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp được tổ chức ở Hà Nội gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, bất cập hiện nay là tín dụng trung - dài hạn vẫn chiếm 53 - 55%, trong khi vốn huy động trung - dài hạn chỉ chiếm 13 - 15%. Đây là rủi ro rất lớn cho hoạt động ngân hàng khi mất cân đối về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Theo lộ trình, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn tối đa trong năm 2017 là 50% và đầu năm 2018 sẽ là 40%, vì lẽ ra cung ứng vốn trung - dài hạn phải thực hiện qua kênh chứng khoán, nhưng do đặc thù của Việt Nam nên nguồn vốn này hiện chủ yếu vẫn huy động qua kênh ngân hàng. Tuy nhiên, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá diễn biến chính sách tiền tệ để xem xét điều chỉnh lại tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn phù hợp hơn với thực tế nhằm giảm bớt áp lực cho các ngân hàng thương mại.

ngan hang day manh huy dong von cac ky han dai
Ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn các kỳ hạn dài. Ảnh minh họa

Ồ ạt phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi

Cuối tháng 5 vừa qua, HĐQT Ngân hàng ACB đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 2/2019 tổng cộng 5.500 tỷ đồng có kỳ hạn 2 - 3 năm. Lượng trái phiếu sẽ được phát hành trong 5 đợt theo phương thức đại lý phát hành. Lãi suất áp dụng cho trái phiếu là lãi suất cố định trong suốt thời hạn phát hành, cụ thể thì tùy theo điều kiện thị trường, nhu cầu của nhà đầu tư, nhưng tối đa không quá 6,75%/năm đối với kỳ hạn 3 năm và 6,7% đối với kỳ hạn 2 năm. Trước đó, hồi tháng 4 vừa qua, HĐQT ACB cũng đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ đợt 1/2019 với tổng mệnh giá phát hành 2.500 tỷ đồng. Tương tự, Ngân hàng Vietinbank cũng vừa được NHNN chấp thuận phương án phát hành trái phiếu năm 2019 với tổng mệnh giá phát hành là 10.000 tỷ đồng. Hiện Vietinbank còn đang nắm giữ hơn 32.000 tỷ đồng trái phiếu, trong đó trái phiếu hữu danh loại kỳ hạn trên 5 năm là 26.515 tỷ đồng.

Ngoài phát hành trái phiếu, nhiều ngân hàng còn đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao hơn rất nhiều so với lãi suất huy động thông thường. Cụ thể, từ nay đến hết tháng 9/2019, VietABank thực hiện phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh với lãi suất lên tới 9,1%/năm với nhận lãi cuối kỳ và 8,38%/năm với hình thức nhận lãi hàng tháng. Ngân hàng SHB cũng áp dụng lãi suất lên tới 8,9%/năm đối với chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng cá nhân, DN. Tổng mệnh giá đợt phát hành là 10.000 tỷ đồng. Theo đó, cá nhân mua chứng chỉ mệnh giá dưới 2 tỷ đồng, lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng lần lượt là 8,6%/năm, 8,7%/năm và 8,8%/năm. Với chứng chỉ mệnh giá 2 tỷ đồng trở lên, lãi suất áp dụng lần lượt là 8,7%/năm; 8,8%/năm và 8,9%/năm.

Tại Sacombank, khách hàng cá nhân, tổ chức mua chứng chỉ tiền gửi dài hạn có ghi danh mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng, thời hạn 7 năm (84 tháng) được nhận mức lãi suất 8,6%/năm. Tương tự, BIDV 3 cũng có chương trình chứng chỉ tiền gửi trung, dài hạn từ đầu tháng 3, lãi suất 7,6%/năm cho hình thức lãi suất cố định và 7,5%/năm cho lãi suất thả nổi. LienVietPostBank có chương trình huy động vốn bằng chứng chỉ tiền gửi cho các kì hạn 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng với lãi suất 8,1%/năm (cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn từ 0,7 đến 1%/năm).

Chủ động cơ cấu nguồn vốn

Theo dự thảo thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được đưa ra lấy ý kiến đóng góp, có 2 phương án giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung dài hạn của tổ chức tín dụng. Cụ thể, theo phương án 1, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn chỉ duy trì ở mức 40% đến hết ngày 30/6/2020; sau đó tiếp tục giảm dần về mức 30% vào 1/7/2021. Tại phương án 2, lộ trình giảm sẽ được giãn hơn. Thời hạn để đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn về mức 30% sẽ dời đến 1/7/2020.

Theo đó, việc nhiều ngân hàng thương mại đẩy mạnh huy động vốn trung, dài hạn, bao gồm cả việc phát hành trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi, chính là sự chủ động chuẩn bị của các ngân hàng cho lộ trình nói trên. Không những vậy, trong những năm qua, các ngân hàng cũng liên tục tăng vốn điều lệ nhằm tăng quy mô tiềm lực tài chính để mở rộng kinh doanh. Nhiều ngân hàng còn tìm đến các hình thức khác như vay nước ngoài, tiếp cận các nguồn tài trợ ủy thác các tổ chức quốc tế, hoặc thông qua thị trường chứng khoán.

Theo số liệu của NHNN, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của toàn hệ thống hiện chỉ ở mức 28,42%. Cụ thể, các Ngân hàng thương mại Nhà nước hiện là 31,12%, của các ngân hàng thương mại cổ phần là 32,4%, thấp hơn nhiều so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, đây chỉ là mức bình quân, trên thực tế, tỷ lệ này tại nhiều ngân hàng đang ở mức khá cao. Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý I/2019, tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn trong tổng dư nợ của Techcombank là gần 63%, tại VPBank là gần 66%, Sacombank là 51%, SHB là 59%... Tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn cao đồng nghĩa với tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung dài hạn cũng sẽ cao.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế tư nhân mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, cho biết hiện nguồn vốn trung dài hạn cho nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng. Tín dụng trung dài hạn chiếm tỷ trọng khoảng 50,6% tổng dư nợ. Điều này tạo sức ép và rủi ro rất lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng. Với thực trạng này, các chuyên gia tài chính ngân hàng đều đánh giá việc giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn xuống 30% là phù hợp với thông lệ quốc tế bởi hiện ở nhiều nước phát triển, hệ số này hiện chỉ ở mức 20%. Việc kéo giảm tỷ lệ này sẽ kéo giảm rủi ro của các ngân hàng xuống. Ngoài ra, thời hạn từ nay đến 2021 (theo phương án 1) hoặc 2022 (theo phương án 2) cũng được đánh giá là khá dài, đủ để các ngân hàng sắp xếp, cơ cấu lại nguồn vốn.

Thu Hoài