HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoàng Hà: Trăn trở với rau hữu cơ

Cập nhật: 08:02 | 22/07/2018 Theo dõi KTCK trên

Khi thị trường tiêu thụ ngày càng "khó tính" thì việc hướng đến sản xuất rau hữu cơ đang là hướng đi mới đầy tiềm năng của HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoàng Hà (Tượng Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh). Tham vọng của HTX là sẽ xây dựng thành công vùng chuyên canh rộng hàng chục hecta với đầy đủ các loại rau, sản phẩm trước khi xuất bán đều được dán tem QR Code.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoàng Hà thành lập năm 2010 với 10 ngành nghề kinh doanh dịch vụ nông nghiệp. Theo tính toán, trung bình mỗi tháng, thu nhập của thành viên HTX đạt 3,5 - 4 triệu đồng.

Năm 2012, HTX triển khai xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn (RAT) với 195 hộ tham gia trên diện tích 32ha ở các xóm Trung Lập, Trung Tiến, Bắc Bình, Phú Sơn, Sâm Lộc, Hà Thanh.

htx dich vu nong nghiep hoang ha tran tro voi rau huu co
Mô hình trồng rau hữu cơ ở Tượng Sơn

Từ rau an toàn đến rau hữu cơ

Các sản phẩm RAT của HTX được xây dựng theo hướng liên kết chuỗi với các sản phẩm chủ lực như bí xanh, bí đỏ, đậu ve, rau cải… Sản xuất RAT nên việc tiêu thụ dễ dàng hơn, thu nhập của thành viên cũng tăng cao so với trước đó.

Giám đốc HTX - ông Nguyễn Viết Sơn, cho biết: Nói là an toàn nhưng vẫn sử dụng môt lượng hóa chất trừ sâu bệnh, phân bón hóa học… với một lượng nhất định theo quy chuẩn. Vì vậy, để có được sản phẩm thì vẫn gây ô nhiễm môi trường và người tiêu dùng vẫn chưa yên tâm.

Chính vì lý do đó, chính quyền xã Tượng Sơn đang hướng HTX sang sản xuất rau hữu cơ (RHC). Năm 2017, trên cơ sở địa phương giao trách nhiệm, được sự giúp đỡ của Hội Làm vườn và trang trại tỉnh Hà Tĩnh, HTX đã mạnh dạn triển khai áp dụng mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ.

Sau nhiều tháng chuẩn bị, cuối năm 2017, HTX xuống giống vụ RHC đầu tiên. Để triển khai sản xuất, HTX đã tổ chức họp bàn với các tổ sản xuất để thống nhất quy trình, giống, thời gian, cách chăm bón… Theo đó, HTX đã triển khai thí điểm mô hình RHC với diện tích 3ha ở xóm Sâm Lộc và gần 100 vườn hộ gia đình ở các xóm khác cùng tham gia.

Vụ rau đầu tiên áp dụng công nghệ sản xuất RHC được tính từ tháng 1 đến tháng 6/2018, gồm các loại: bí xanh, dưa chuột, mướp đắng, mướp ngọt, cà, mồng tơi… Các loại dưa chuột, mướp đắng, mướp hương, mồng tơi... đã cho thu hoạch. Hiện tại, người dân tiếp tục sản xuất cà, dưa chuột, bí xanh…

Thay vì sản xuất truyền thống có sử dụng phân hóa học, phun thuốc hóa học, nay các hộ dân áp dụng 100% sản xuất từ hữu cơ. Đó là sử dụng một loại "thuốc" tổng hợp, gồm rượu trắng, gừng, tỏi, ớt cay, thuốc lào với tỷ lệ phù hợp, ngâm một thời gian rồi đưa ra phun… để phòng trừ sâu bệnh.

Bên cạnh đó, kết hợp với việc trồng một số loại cây dẫn dụ hoặc xua đuổi sâu bọ, dùng bẫy sinh học để tiêu diệt bướm… vì vậy, cây trồng được bảo đảm an toàn và rất ít sâu bệnh.

htx dich vu nong nghiep hoang ha tran tro voi rau huu co
Rau hữu cơ của HTX đã được dán tem QR Code

Xây dựng vùng chuyên canh

Điều đáng mừng là tất cả các sản phẩm RHC của HTX đều đạt tiêu chuẩn theo quy định và đã được cấp tem QR Code để dán lên sản phẩm. Nhờ đó, nhiều sản phẩm đã vào được siêu thị Co.opmart, và các nhà hàng uy tín.

Theo lãnh đạo xã Tượng Sơn, sản phẩm rau, củ, quả được xác định là mũi nhọn trong phát triển kinh tế địa phương. Những năm qua, địa phương đã đa dạng hóa cây trồng nên mùa nào người dân cũng có thu nhập từ rau.

Với 30 ha tập trung ngoài đồng ruộng và khoảng 35 ha tại các vườn hộ, mỗi năm, tổng thu nhập từ các loại rau trên địa bàn lên đến hàng chục tỷ đồng. Từ truyền thống và tiềm năng này, chính quyền xã Tượng Sơn đã chỉ đạo HTX phải xây dựng thành công vùng chuyên canh RHC.

Ông Dương Kim Huy - Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn, cho biết: "Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đưa lại giá trị kinh tế cao, bền vững, Đảng ủy, chính quyền xã quyết định cho triển khai mô hình sản xuất RHC, hướng đến xây dựng cả Tượng Sơn thành vùng RHC tuyệt đối".

Về Tượng Sơn hôm nay, đi đâu cũng nghe người dân bàn chuyện trồng cây RHC, rồi sản phẩm RHC đã có mặt ở những đâu.

"Chúng tôi đang chỉ đạo thành viên thực hiện nghiêm ngặt và sẽ phát triển mô hình sản xuất RHC trên toàn bộ diện tích của địa phương trong thời gian tới. Đặc biệt, sẽ ứng dụng công nghệ tưới tự động ở Bắc Bình, Trùng Phú để tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất", Giám đốc Nguyễn Viết Sơn khẳng định.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này đang còn quá nhiều việc mà HTX phải làm. Trước hết, sản phẩm đã sạch, an toàn, thân thiện môi trường nhưng vẫn đang ít khách hàng biết đến nên khâu tiêu thụ vẫn đang do HTX tự tìm kiếm. Nhiều người dân đã biết đến sản phẩm RHC nhưng có người còn lẫn lộn với rau trồng theo kiểu truyền thống nên RHC vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc.

Vì vậy, để sản phẩm chiếm trọn niềm tin khách hàng, HTX cũng như chính quyền xã Tượng Sơn cần đẩy mạnh tuyên truyền, tìm kiếm thêm đối tác, vận động và kiểm tra gắt gao quy trình sản xuất của các hộ dân…

Thanh Nguyễn

Thời báo kinh doanh