Đáp ứng hai điều kiện để được vay gói hỗ trợ lãi suất 2%

Cập nhật: 13:53 | 07/07/2022 Theo dõi KTCK trên

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn ngân hàng thương mại diễn ra chiều 6/7, các bộ, ngành liên quan đã tham gia giải đáp các vướng mắc về đối tượng thuộc diện hỗ trợ nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói hỗ trợ lãi suất.

Thủ tướng: Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn

Năm 2022, có 16.035 tỷ đồng cho các ngân hàng hỗ trợ lãi suất theo quy định

Đáp ứng đồng thời 2 điều kiện

Nghị định 31 được ban hành ngày 20/5/2022 nhằm hỗ trợ vốn vay với chi phí thấp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19 cần được hỗ trợ để phục hồi. Đây là gói hỗ trợ rất lớn, rất được cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi.

Để hỗ trợ các ngân hàng thương mại sớm triển khai chính sách, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp nhận, tổng hợp, giải đáp tất cả các câu hỏi, thắc mắc nhận được dưới mọi hình thức, cả bằng văn bản và qua trao đổi trực tiếp, trao đổi qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử. Cho đến nay, NHNN đã có văn bản trả lời, giải đáp gần hơn 20 vấn đề thuộc phạm vi, chức năng quản lý của NHNN về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc, điều kiện, thời hạn, phương thức hỗ trợ lãi suất, thực hiện dự toán, quyết toán, thu hồi số tiền đã hỗ trợ lãi suất, quản lý hạn mức hỗ trợ lãi suất.

Cần Đáp ứng hai điều kiện để được vay gói hỗ trợ lãi suất 2%
Khách hàng cần đáp ứng hai điều kiện để được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% (Ảnh minh họa)

Đối với các câu hỏi liên quan đến đối tượng được hỗ trợ lãi suất, tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, đối tượng được hỗ trợ lãi suất phải đáp ứng đồng thời 2 điều kiện khách hàng có ngành nghề đăng ký kinh doanh thuộc 9 ngành nghề và mục đích vay vốn cũng phải thuộc 9 ngành nghề gồm: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục - đào tạo; nông - lâm nghiệp - thủy sản; công nghiệp chế biến - chế tạo; xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; bao gồm cả hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế này, trừ hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản.

“Các trường hợp chỉ đáp ứng điều kiện về ngành nghề kinh doanh hoặc chỉ đáp ứng điều kiện về mục đích vay vốn đều không được hỗ trợ lãi suất” – Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.

Các khoản vay được hỗ trợ lãi suất phải đáp ứng các điều kiện vay vốn thông thường, được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2023, sử dụng vốn đúng mục đích. Đặc biệt, chưa được hỗ trợ lãi suất từ NSNN theo các chính sách khác.

Mới xác định được 4 dự án nhà ở được hỗ trợ lãi suất

Ngoài ra nhóm đối tượng là dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ (danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp từ UBND tỉnh, thành phố và công bố bằng văn bản, trên cổng thông tin điện tử của Bộ) cũng được hưởng hỗ trợ lãi suất 2%.

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết sau khi Nghị định 31 được ban hành, Bộ Xây dựng đã có có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị báo cáo một số nội dung, đề xuất danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, dự án xây cải tạo dựng lại chung cư cũ đang thực hiện và dự kiến triển khai trong giai đoạn tiếp theo.

Đến nay, đã có 41/63 địa phương có báo cáo, trong đó báo cáo số dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai là 240 dự án, dự kiến nhu cầu vay vốn 34.550 tỷ đồng và có 82 dự án cải tạo chung cư cũ, dự kiến nhu cầu vay vốn là 6.418 tỷ đồng. Trên cơ sở rà soát các điều kiện quy định cụ thể tại Nghị định 31, Bộ Xây dựng đã công bố danh mục dự án đủ điều kiện vay vốn. Cụ thể, giai đoạn 1 có 4 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp với tổng mức đầu tư là 4.665 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn dự kiến là 1.731 tỷ đồng và chưa có dự án cải tạo chung cư cũ nào.

Về nguyên nhân vì sao có 240 dự án các địa phương báo cáo nhưng chỉ có 4 dự án lọt vào danh mục, ông Hà Quang Hưng cho biết, theo quy định tại Nghị định 31, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền, trách nhiệm lập danh mục, công bố gửi về Bộ Xây dựng. Nhưng ở nhiều địa phương, UBND tỉnh lại giao các Sở Xây dựng lập danh mục gửi về Bộ Xây dựng. “Qua rà soát có nhiều dự án đủ điều kiện nhưng thẩm quyền ban hành văn bản gửi về Bộ Xây dựng chưa đúng. Bộ Xây dựng đã có văn bản đôn đốc, nhắc nhở các địa phương, đề nghị các địa phương trong thời gian tới lưu ý thực hiện đúng” – ông Hà Quang Hưng nói.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục đôn đốc các địa phương khẩn trương báo cáo tổng hợp danh mục các dự án…, công bố bằng văn bản trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục cùng bộ ngành liên quan phối hợp nghiên cứu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách pháp luật liên quan nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, tiếp tục làm việc với một số địa phương đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân...

Liên quan vướng mắc về việc xác định chủ đầu tư hay nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội là đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất, ông Hà Quang Hưng cho biết theo quy định tại Luật Nhà ở và văn bản hướng dẫn liên quan chỉ có chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay vốn từ tổ chức tín dụng. Do đó, đối tượng được ưu đãi chỉ cho chủ đầu tư. Đối với dự án tháo dỡ toàn bộ để xây dựng lại nhà chung cư cũ có được ưu đãi lãi suất, theo quy định tại Nghị định 69/2021/NĐ-CP, Nghị định 31/2022/NĐ-CP dự án này thuộc diện được hỗ trợ lãi suất.

Sẽ có Kiểm toán Nhà nước tham gia quyết toán

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, theo quy định, quy trình thủ tục hỗ trợ lãi suất đã được hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng minh bạch tạo điều kiện cho các NHTM và cơ quan chức năng trong việc triển khai hiệu quả chính sách, hạn chế vướng mắc, đảm bảo kinh phí đầy đủ kịp thời.

Theo đó, căn cứ nhu cầu hỗ trợ lãi suất từ NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí dự toán trình cấp thẩm quyền giao dự toán cho NHNN. Căn cứ dự toán được giao, NHNN thông báo hạn mức dự toán giao cho các NHTM.

Việc thanh toán trước hàng quý đã được quy định rõ tại Nghị định 31 về hồ sơ. Trên cơ sở hồ sơ đề nghị thanh toán của NHTM, văn bản đề nghị của NHNN, căn cứ dự toán bố trí hàng quý, Bộ Tài chính sẽ thanh toán trước 85% số tiền NHTM hỗ trợ cho khách hàng trong quý. Hàng năm, NHTM có trách nhiệm quyết toán, nộp báo cáo quyết toán gửi NHNN tổng hợp báo cáo quyết toán hỗ trợ lãi suất. Căn cứ báo cáo của NHNN và kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính sẽ thẩm định báo cáo quyết toán.

“Khác với các chính sách hỗ trợ trước đây, việc hỗ trợ theo Nghị định 31 quy định có Kiểm toán Nhà nước hàng năm, ngoài ra trong trường hợp cần thiết NHNN chủ trì thành lập tổ công tác để kiểm tra hồ sơ vay trước khi tổng hợp báo cáo quyết toán” – Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Được biết, tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị các cơ quan liên quan cần triển khai chính sách một cách đồng bộ, thống nhất. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đối tượng hỗ trợ lãi suất. Bộ Tài chính bảo đảm đầy đủ, kịp thời nguồn kinh phí hỗ trợ. Bộ Xây dựng sớm công bố công khai danh sách dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ được hỗ trợ lãi suất.

Đối với NHNN, Phó Thủ tướng yêu cầu phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành liên quan thường xuyên theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả triển khai hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để kịp thời đề xuất các giải pháp hiệu quả, bám sát thực tiễn và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

La Thành