Giá thép trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm, xuống mức thấp nhất 16 triệu đồng/tấn

Cập nhật: 17:17 | 20/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Từ ngày 19/6, các thương hiệu thép lớn đồng loạt điều chỉnh giảm giá thép xây dựng 300.000-500.000 đồng/tấn. Hiện, giá thép xây dựng đang dao động 16,3-17,5 triệu đồng/tấn. Đây là đợt giảm thứ ba liên tiếp kể từ đầu tháng 6 và đợt thứ 6 liên tiếp kể từ ngày 11/5.

Giá thép hôm nay 20/6/2022: Lao dốc, sát ngưỡng 4.100 nhân dân tệ/tấn

Thị trường thép tại Đông Á tiếp tục sụt giảm

Giá thép hôm nay 17/6/2022: Nối đà giảm

Trong đợt điều chỉnh này, thương hiệu thép Mỹ là doanh nghiệp có mức giảm mạnh nhất. Cụ thể, thép cuộn CB240, giảm 710.000 đồng/tấn, xuống mức 16,3 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn D10 CB300 giảm 720.000 đồng/tấn, còn khoảng 16,5 triệu đồng/tấn.

Tiếp đó, thương hiệu thép Hòa Phát điều chỉnh giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn và 410.000 - 510.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tùy từng miền, xuống còn 16,6 triệu đồng/tấn và 17 triệu đồng/tấn.

1616-giathepgiam
Ảnh minh họa

Tương tự, thương hiệu thép Việt Đức cũng giảm lần lượt 310.000 đồng/tấn và 400.000 đồng/tấn với dòng sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, còn 16,5 triệu đồng/tấn và 17 triệu đồng/tấn.

Tại miền Nam, Hòa Phát điều chỉnh giảm hai loại thép trên lần lượt là 300.000 đồng/tấn và 410.000 đồng/tấn xuống còn 16,95 triệu đồng/tấn và 17,41 triệu đồng/tấn.

Với thép Việt Ý, CB240 và D10 CB300 giảm lần lượt 410.000 đồng/tấn và 450.000 đồng/tấn xuống còn 16,51 triệu đồng/tấn và 16,97 triệu đồng/tấn.

Về thép Việt Đức, hai loại thép trên giảm lần lượt 310.000 đồng/tấn và 400.000 đồng/tấn còn 16,51 triệu đồng/tấn và 17,07 triệu đồng/tấn.

Với thép Kyoei, giá hôm nay là 16,46 triệu đồng/tấn và 16,87 triệu đồng/tấn đối với CB240 và D10 CB300 sau khi giảm 410.000 đồng/tấn và 500.000 đồng/tấn theo thứ tự.

Như vậy, trong vòng hơn 5 tuần, giá thép ghi nhận lần hạ thứ 6 với tổng mức giảm đến hơn 2,5 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu và loại thép.

Nhận định về tình hình giá thép xây dựng thời gian tới, đại diện VACC cho rằng giá mặt hàng này sẽ có nhiều biến động, khó dự báo khi xung đột Nga - Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, giá nhiều mặt hàng trên thế giới tăng cao… tác động đến giá thép trong nước.

Do vậy, giá thép biến động tăng hay giảm vẫn là một ẩn số. Do đó, đợt hạ nhiệt giá thép những ngày gần đây sẽ khó giúp nhà thầu xây dựng trong nước giảm bớt khó khăn, bởi ngoài giá thép xây dựng cao, nhà thầu còn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức khác.

Nguyên nhân giá thép giảm là do giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép đã giảm đáng kể. Số liệu mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, giá các nguyên liệu đầu vào đồng loạt giảm.

Cụ thể, giá quặng sắt ngày 9/5/2022 giao dịch ở mức 139 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm khoảng 16 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 4/2022. Mức giá này giảm khoảng 71-73 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021 (~ 210 – 212 USD/tấn).

Tương tự, giá thép phế liệu nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 530 USD/tấn CFR Đông Á ngày 9/5/2022 giảm 94 USD/tấn so với hồi đầu tháng 4/2022. Giá cuộn cán nóng ngày 9/5/2022 ở mức 797 USD/tấn, CFR cảng Đông Á, giảm khoảng 81 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 4/2022.

Trong báo cáo ngành thép mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã đưa ra nhận định, giá thép trong nước giảm sẽ khuyến khích nhu cầu trở lại sau khoảng thời gian trầm lắng từ đầu tháng 4 đến nay.

Mặt khác, việc Trung Quốc cho phép mở cửa kinh tế trở lại từ đầu tháng 6 kết hợp với các chính sách đẩy mạnh đầu tư cho tăng trưởng của nước này trong nửa cuối năm có thể giúp giá thép cũng như giá các nguyên liệu sản xuất thép sớm phục hồi trên toàn cầu.

Một số chuyên gia nhận định, thời gian tới hoạt động đầu tư công tăng và nhu cầu xây dựng phục hồi cộng với nguồn cung nguyên liệu chịu ảnh hưởng nhất định của xung đột Nga - Ukraine, giá thép có khả năng lại được điều chỉnh tăng. Do đó, các biện pháp của cơ quan nhà nước trong việc kiểm soát và bình ổn giá mặt hàng chiến lược này là rất cần thiết.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng đưa ra dự báo khả quan về ngành thép. Theo đó, sản lượng tiêu thụ năm 2022 sẽ tăng trưởng 9-12% nhờ nhu cầu xây dựng trong nước phục hồi sau Covid-19 và nhu cầu duy trì cao ở các thị trường nhập khẩu.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Thanh Hằng

Tin cũ hơn
Xem thêm