Doanh nghiệp Việt xuất khẩu trực tuyến qua trang thương mại điện tử

Cập nhật: 15:16 | 18/09/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Ngày nay, nhờ vào thương mại điện tử, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn có thể xuất khẩu đi bất cứ nước nào trên thế giới với ít bước làm việc và chi phí tiết kiệm hơn trước. Đây cũng là cơ hội để cho các doanh nghiệp Việt tìm hướng bán hàng xuyên biên giới thông qua các trang thương mại điện tử quốc tế.  

Với nền tảng công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, để tham gia vào thương mại điện tử xuyên biên giới, chỉ cần một smartphone có kết nối internet, người tiêu dùng có thể giao thương với bất kỳ ai ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

doanh nghiep viet xuat khau truc tuyen qua trang thuong mai dien tu
Hình minh họa

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) nhanh nhất thế giới với tốc độ 35% mỗi năm, gấp 2,5 lần so Nhật Bản. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang tìm đường vươn ra thị trường thế giới bằng cách bán hàng trên các sàn TMĐT.

Hiện thương mại điện tử xuyên biên giới đóng góp 21% doanh thu tổng thương mại điện tử toàn cầu. Trung Quốc là quốc gia láng giềng có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới 30% với doanh số trên 1.000 tỷ USD/năm, trong đó phải kể đến Alibaba - trang thương mại điện tử đang ngày càng thu hút người Việt Nam tham gia.

Tại Amazon, trang TMĐT này cũng thu hút không kém doanh nghiệp Việt Nam tham gia. Ông Park Joonmo, Head của Amazon Global Selling Đông Nam Á và Hàn Quốc, cho biết: “Chúng tôi đang thấy càng thêm nhiều nhà bán hàng từ Việt Nam, bao gồm các nhà sản xuất, chủ thương hiệu, các công ty khởi nghiệp... Họ đã bắt đầu bán hàng toàn cầu thông qua các thị trường quốc tế của chúng tôi để tiếp cận tới 300 triệu khách hàng trên toàn thế giới của Amazon thông qua Internet”.

Khó khăn lớn nhất trong hoạt động bán hàng xuyên biên giới thông qua các trang TMĐT là khâu logistics quốc tế và việc kiểm soát chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Bởi chỉ với một lời đánh giá tiêu cực có thể khiến cho sản phẩm mất uy tín, tuột dốc và mất giá, thậm chí không thể phục hồi. Chỉ cần 1% phản hồi tiêu cực của khách hàng trên Amazon, doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa ngay lập tức.

Doanh nghiệp muốn tham gia vào TMĐT xuyên biên giới thì cần phải quan tâm dịch vụ sau bán hàng. Với lĩnh vực này, thương hiệu được định vị bằng dịch vụ sau bán hàng chứ không chỉ trước bán hàng.

Tới đây, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp cùng với Amazon Global Selling tổ chức một sự kiện bài bản nhất về bán hàng trên Amazon, mang tên “Bán hàng toàn cầu trên Amazon”. Sự kiện sẽ được diễn ra tại hai thành phố TMĐT lớn nhất Việt Nam là Hà Nội vào ngày 25/9/2018 và TP Hồ Chí Minh vào ngày 27/9/2018.

Tất cả các chủ đề trong sự kiện xoay quanh làm rõ vấn đề bán hàng xuyên biên giới trên Amazon, được thiết kế đặc biệt để hỗ trợ người bán tại Việt Nam với 4 chủ đề: Tiềm năng và cơ hội phát triển thương hiệu trong kinh doanh TMĐT xuyên biên giới; giải quyết thách thức, khó khăn khi kinh doanh TMĐT xuyên biên giới; các bước ABCs khi bán hàng trên Amazon; cách phát triển và xây dựng thương hiệu kinh doanh lâu dài trên Amazon.

Cùng với các đại diện của Amazon, những người tham gia cũng sẽ được học hỏi từ những kinh nghiệm thực chiến của các cá nhân, chủ doanh nghiệp đã từng bán hàng thành công trên Amazon tại Việt Nam, như: Payoneer, DHL, Registrar Corp, HAWA, BSSC, BoxMe, Haravan, IM Group và cộng đồng người bán hàng online tại Việt Nam....

Nguyễn My