Giá vàng hôm nay 19/4/2024: “Giằng co” sau động thái mới của Nhà điều hành

Cập nhật: 05:40 | 19/04/2024 Theo dõi KTCK trên

Giá vàng không ghi nhận nhiều biến động mạnh sau động thái mới đây của Ngân hàng Nhà nước trong công tác quản lý thị trường vàng, chuẩn bị đấu thầu vàng miếng để tăng nguồn cung cho thị trường.

Giá vàng trong nước

Theo ghi nhận tại thị trường trong nước, giá vàng có diễn biến giằng co nhẹ dưới vùng đỉnh vừa được thiết lập trong phiên giao dịch ngày 18/4.

Động thái mới đây của Nhà điều hành đang mang tới bước ngoặt đối với thị trường trong nước. Theo đó, thay vì cấp phép nhập khẩu vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức mở kho dự trữ, tổ chức đấu thầu vàng để tăng nguồn cung cho thị trường. Lần gần nhất Nhà điều hành có hành động tương tự đã cách đây gần 11 năm.

Giá vàng hôm nay 19/4/2024: “Giằng co” sau động thái mới của Nhà điều hành
Hình minh họa.

Thời gian vừa qua, vàng trong nước liên tục tăng mạnh và bỏ xa so với giá vàng thế giới, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc nguồn cung bị khan hiếm.

Theo giới chuyên gia đánh giá, giải pháp của Chính phủ rất khả quan trong bối cảnh giá vàng trong nước và tỷ giá đang cùng tạo nên “cơn sốt”. Việc đấu thầu vàng miếng SJC vừa không ảnh hưởng tới tỷ giá, vừa đáp ứng yêu cầu nhanh, kịp thời. Việc đấu thầu vàng cũng được dự báo sẽ kéo giảm ngay chênh lệch giá vàng vì mức giá sàn đưa ra sẽ tiệm cận với giá vàng quốc tế.

Giá vàng nhẫn cũng không ghi nhận các biến động mạnh trong phiên giao dịch ngày 18/4, theo đó tiếp tục được duy trì ở mức giá cao kỷ lục. Tính đến thời điểm chốt phiên 18/4, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) đang niêm yết giá vàng nhẫn SJC 9999 ở mức 74,7 – 76,7 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), mức chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra đã lên tới 2 triệu đồng mỗi lượng, đây là mức chênh khá, mọi rủi ro hầu như bị đẩy về phía người mua.

Giá vàng nhẫn tròn trơn thương hiệu vàng Rồng Thăng Long tại Bảo Tín Minh Châu đang được niêm yết ở mức 75,08 – 76,78 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Trước đây, giá vàng nhẫn tròn trơn thương hiệu vàng Rồng Thăng Long luôn cao hơn so với các thương hiệu khác khá lớn, tuy nhiên thời gian gần đây khoảng cách chênh lệch gần như là không còn nữa.

Thời gian qua, vàng trong nước tăng cao so với thế giới là do khan hiếm nguồn cung. Giải pháp của Chính phủ được giới chuyên gia ủng hộ trong bối cảnh giá vàng trong nước và tỷ giá cùng nóng rẫy. Việc đấu thầu vàng miếng SJC trong kho vừa không ảnh hưởng tới tỷ giá, vừa đáp ứng yêu cầu nhanh, kịp thời. Việc đấu thầu vàng cũng được dự báo sẽ kéo giảm ngay chênh lệch giá vàng vì mức giá sàn đưa ra sẽ tiệm cận với giá vàng quốc tế.

Tổng hợp giá vàng miếng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 18/4:

Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 82,10 - 84,10 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn DOJI niêm yết ở mức 82,00 - 84,00 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết ở mức 82,10 - 84,10 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết ở mức 81,80 - 83,80 triệu đồng/lượng.

Bảo tín Minh Châu niêm yết ở mức 81,85 - 83,75 triệu đồng/lượng.

Giá vàng quốc tế

Trên thị trường quốc tế, kim loại quý được đánh giá vẫn tiếp tục nằm trong xu hướng tăng và có thể bứt phá lên mức đỉnh cao mới bất cứ lúc nào.

Giá vàng thế giới tiếp tục củng cố quanh mức 2.400 USD/ounce khi đã phục hồi sau đợt bán tháo biến động vào tuần trước từ mức cao kỷ lục.

Theo ghi nhận tại thời điểm lúc 19h00 phiên giao dịch ngày 18/4 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới trên sàn giao dịch Kitco ở mức 2.381,10 - 2.382,10 USD/ounce, tăng 21,6 USD so với phiên giao dịch liền trước.

Với mức giá vàng thế giới ở thời điểm hiện tại, quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 73,61 triệu đồng/lượng. Như vậy, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới đã được thu hẹp hơn khá nhiều so với thời gian gần đây, vào khoảng 10,51 triệu đồng/lượng

Dự báo giá vàng

Trong một bài phát biểu đầu tuần này, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã đưa ra quan điểm “diều hâu” về chính sách tiền tệ của Mỹ. Trên thực tế, quan điểm này là yếu tố giảm giá đối với thị trường vàng, tuy nhiên căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông tăng cao trong thời gian gần đây đang là yếu tố lấn át các nguyên tắc cơ bản về kinh tế. Hiện tại, giới đầu tư hạn chế giao dịch để nghe ngóng tình hình căng thẳng quân sự.

Trả lời phỏng vấn Kitco News mới đây, nhà đầu tư hàng hóa nổi tiếng Dennis Gartman nhận định, vàng đã chịu một số thiệt hại kỹ thuật ngắn hạn vào tuần trước khi thị trường bán tháo mạnh, sau khi đạt mức cao kỷ lục trên 2.448 USD/ounce; tuy nhiên, ông nói thêm rằng, kim loại quý đã bắt đầu một thị trường tăng trưởng kéo dài nhiều năm.

Dự báo về xu hướng giá vàng trong thời gian tới, chiến lược gia trưởng thị trường Phillip Streible của Blue Line Futures cho rằng, bất ổn địa chính trị tiếp tục hỗ trợ vàng và bất kỳ sự leo thang nào cũng sẽ đẩy giá lên phạm vi 2.500 USD/ounce. Giá vàng chỉ quay đầu giảm nếu các ngân hàng trung ương ngừng mua hoặc giới đầu tư quay trở lại với các tài sản rủi ro.

Chuyên gia kinh tế hàng hóa Caroline Bain của Capital Economics cho rằng, đợt phục hồi đẩy vàng lên vượt mốc 2.400 USD/ounce vào tuần trước sẽ là đợt tăng giá cao nhất của kim loại quý này trong năm nay khi thị trường điều chỉnh theo kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì chính sách tiền tệ tích cực lâu hơn dự kiến.

Giá vàng trong nước khả năng diễn biến theo giá thế giới. Mặc dù vậy, trước thông tin nhập khẩu vàng miếng và chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng thì giá vàng có thể sẽ ít biến động hơn trong phiên ngày 19/4.

Giá vàng chiều nay 16/4/2024: Vàng nhẫn tiếp tục đi lên, vàng miếng SJC lao dốc sau tin đấu thầu vàng miếng trở lại

Trong khi giá vàng miếng SJC đồng loạt giảm mạnh sau động thái mới đây của Ngân hàng Nhà nước về việc tổ chức đấu ...

Giá vàng hôm nay 17/4/2024: Vàng “tuột dốc không phanh” sau tín hiệu bình ổn từ Nhà điều hành

Giá vàng miếng SJC giảm mạnh không chỉ đến từ việc các nhà đầu tư có xu hướng chốt lời, mà nguyên nhân chính đến ...

Vân Anh