Diễn đàn Nhà báo với môi trường và biển đảo năm 2018

Cập nhật: 22:16 | 22/06/2018 Theo dõi KTCK trên

Đây là diễn đàn lần thứ II được Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) tổ chức vào ngày 22/6, là nơi các nhà báo cùng cơ quan Nhà nước chia sẻ giải pháp bảo vệ môi trường.

dien dan nha bao voi moi truong va bien dao nam 2018

Toàn cảnh Diễn đàn Nhà báo với môi trường và biển đảo năm 2018.

Tham dự diễn đàn có Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành; ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường; ông Vũ Sĩ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ TN&MT. Diễn đàn còn có sự tham gia của lãnh đạo, cán bộ, biên tập viên, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương, các đại biểu đại diện cho các đơn vị trong và ngoài ngành TN&MT.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết: Đối với ngành TN&MT, các lĩnh vực chuyên ngành như: Quản lý đất đai, tài nguyên nước, địa chất và khoáng sản, môi trường, biển và hải đảo, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu…. đều liên quan trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích của nhân dân và doanh nghiệp. Nhu cầu thông tin về TN&MT rất lớn và cần được đầu tư thường xuyên. Vì thế, Bộ TN&MT luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường tuyên truyền về hoạt động của ngành như: Họp báo thường kỳ hàng tháng, tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại, giao lưu trực tuyến, các cuộc thi viết, ký biên bản ghi nhớ, quy chế phối hợp tuyên truyền...

“Bộ TN&MT đã phối hợp các Bộ, ngành, địa phương tổ chức điều tra, thống kê các nguồn thải ra môi trường, quan trắc môi trường, cũng như thực hiện các giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, đầu tư kinh phí xây dựng các hệ thống xử lý chất thải tại các khu vực ven biển; thường xuyên tiến hành thanh, kiểm tra nhằm xử lý kịp thời các vụ vi phạm gây ô nhiễm môi trường; tích cực trồng rừng ngập mặn, bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái ven biển, xây dựng quy hoạch các khu bảo tồn biển…”, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.

Đối với công tác bảo vệ môi trường, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã thông tin về kết quả giám sát quá trình khắc phục vi phạm của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS). Theo đó, ngay sau khi FHS nhận trách nhiệm gây ra sự cố, Bộ TN&MT đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh Hà Tĩnh, các Bộ, ngành và các cơ quan khoa học thành lập Tổ giám sát liên ngành để thường xuyên, liên tục kiểm tra, giám sát quá trình khắc phục hậu quả vi phạm của FHS.

Đến nay, qua kết quả giám sát cho thấy nước thải, khí thải của FHS trước khi xả ra ngoài môi trường phù hợp với QCVN, đang dần tiếp cận với tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường của các nước tiên tiến trên thế giới. Cùng với đó, chất lượng môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung đã được công bố an toàn, đảm bảo cho mục đích nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh và tắm biển, thể thao dưới nước.

Bên cạnh đó, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, ngăn chặn các sự cố môi trường, Tổng cục Môi trường đã xây dựng và duy trì hoạt động, phát huy hiệu quả Đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường từ Trung ương đến địa phương. Tính đến 31/5/2018, đường dây nóng của Tổng cục Môi trường đã tiếp nhận 650 vụ việc phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường, hầu hết các vụ việc đều thuộc thẩm quyền xử lý của địa phương. Đến nay đã có 292 vụ việc đã được triển khai, xử lý, chiếm tỷ lệ 45%.

Cùng với đó, ông Hoàng Văn Thức cũng thông tin thêm về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững năm 2018 gồm: Rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT; tiếp tục đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vi phạm; tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, kết nối giữa Trung ương và địa phương, đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và người dân; thực hiện chương trình quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tuyên truyền nâng cao nhận thức về BVMT.

Góp ý tại diễn đàn, ông Đỗ Chí Nghĩa, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân cho rằng cần đẩy mạnh việc đưa thông tin đến các nhà báo TN&MT, phân cấp cho phù hợp trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến TN&MT, phải có cơ chế trách nhiệm phù hợp và các ban, ngành cần khuyến khích phát ngôn có trách nhiệm.

Theo ông Nguyễn Mạnh Thường, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, môi trường là một tiêu chí hết sức quan trọng và cần thiết trong xây dựng nông thôn mới và trong nhiều lĩnh vực khác. Ông đề nghị, thời gian tới, Bộ TN&MT phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp và người dân thực hiện tốt nhất những vấn đề về môi trường.

Ông Nguyễn Minh Đức, Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị đánh giá: Những năm gần đây quan hệ của báo chí với Bộ TN&MT được gắn kết chặt chẽ hơn, báo chí đã cập nhật thông tin kịp thời, đặc biệt khi có sự cố môi trường xảy ra. Bộ TN&MT cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tọa đàm với người dân để giải đáp những thắc mắc của người dân về những vấn đề Bộ quản lý.

Bế mạc diễn đàn, Thứ trưởng Lê Công Thành cảm ơn các nhà báo đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, sát với tình hình thực tế nhằm tăng cường công tác phối hợp giữa Bộ và các cơ quan thông tấn báo chí; đồng thời, Thứ trưởng đề nghị các nhà báo tiếp tục phối hợp với Bộ TN&MT trong công tác thông tin, tuyên truyền về các hoạt động của Bộ, đặc biệt là lĩnh vực bảo vệ môi trường và biển hải đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phương Trang

Tin liên quan