Cùng ‘mang chuông đi đánh xứ người' Viettel báo lãi lớn, còn FPT thu được những gì?

Cập nhật: 11:01 | 02/05/2024 Theo dõi KTCK trên

Quý I/2024 Viettel Global (VGI) lãi trước thuế gần 2.500 tỷ đồng còn FPT đạt 888 tỷ đồng.

Viettel và FPT là 2 nhà mạng viễn thông có tiếng tại Việt Nam, và cũng phát triển mạnh mẽ, mở rộng ngành nghề kinh doanh. Cả Viettel và FPT đều không dừng lại ở trong nước, mà đều là những doanh nghiệp tiên phong “mang chuông đi đánh xứ người”.

Và đáng mừng, cả 2 đều gặt hái thành quả, ghi dấu ấn ngành công nghệ, viễn thông của Việt Nam trên trường quốc tế.

screenshot-2024-05-02-at-10.54.59.png

FPT cán mốc tỷ USD doanh thu mảng CNTT từ nước ngoài

Thành lập năm 1988 với 13 thành viên ban đầu, gắn liền với tên tuổi doanh nhân Trương Gia Bình, năm 1996, FPT trở thành công ty tin học hàng đầu Việt Nam, triển khai các hệ thống CNTT trong các ngân hàng, sớm trở thành ông lớn trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ internet.

Đến năm 2005, FPT chính thức vươn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, điểm đặt chân đầu tiên tại Nhật Bản - cũng là công ty CNTT đầu tiên của Việt Nam thành lập pháp nhân tại Nhật Bản. Năm 2006, FPT trở thành nhà thầu chính thức tại thị trường nước ngoài thông qua hợp đồng phần mềm trị giá 6,5 triệu USD cho Petronas - Malaysia. FPT cũng là công ty công nghệ thông tin đầu tiên đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán.

Theo báo cáo, hiện FPT tạo công ăn việc làm cho hơn 48.000 lao động, trong đó có gần 3.000 nhân sự người nước ngoài.

Xét về tình hình kinh doanh, cột mốc đáng nhớ, năm 2023, doanh thu toàn FPT đạt 52.618 tỷ đồng, tăng trưởng 19,5% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng năm thứ 5 liên tiếp, lên gần 7.800 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.

screenshot-2024-05-02-at-08.07.58.png

Trong đó khối công nghệ đạt 31.449 tỷ đồng doanh thu, chiếm gần 60% tổng doanh thu toàn Tập đoàn. Riêng thị trường nước ngoài, năm 2023 là lần đầu tiên FPT đạt doanh thu dịch vụ CNTT lên tới 1 tỷ USD (đạt 24.288 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế đạt 3.782 tỷ đồng, tăng 27,1% so với năm trước đó. Tổng nhân sự bình quân cho lĩnh vực CNTT tại thị trường nước ngoài năm 2023 lên đến 25.213 người (tăng 14,14% so với năm trước đó).

FPT cho biết, động lực chính cho sự tăng trưởng mạnh ở thị trường nước ngoài đến từ nhu cầu chuyển đổi số tăng cao trên toàn cầu, đặc biệt tại thị trường Nhật Bản (doanh thu tăng trưởng 52,2%) và thị trường châu Á – Thái Bình Dương (doanh thu tăng trưởng 37,7%).

Trong năm 2023, doanh thu từ dịch vụ chuyển đổi số ghi nhận mức tăng trưởng cao, đạt 42% so với cùng kỳ, lên 10.425 tỷ đồng, chiếm 43% doanh thu dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài. Điều này cho thấy nhu cầu chuyển đổi số cao của doanh nghiệp cũng như khẳng định vị thế, năng lực cung ứng dịch vụ hướng tới công nghệ mới của FPT so với các ông lớn khác trên toàn cầu.

Còn quý I/2024, doanh thu toàn FPT đạt 14.093 tỷ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ và lãi sau thuế 2.160 tỷ đồng, tăng 19,3% so với quý I/2023. Trong đó riêng doanh thu phần mềm xuất khẩu đạt 5.437 tỷ đồng, chiếm gần 39% tổng doanh thu; lợi nhuận trước thuế đạt 888 tỷ đồng.

screenshot-2024-05-01-at-23.28.44.png

CEO Nguyễn Văn Khoa cho biết FPT đang đẩy nhanh quá trình thâm nhập vào các chuỗi cung ứng rất lớn, như lĩnh vực công nghệ ô tô. “FPT không sản xuất xe ô tô nhưng “linh hồn” của xe thì FPT nắm giữ và phá triển.

"Năm 2024 FPT lại có một giấc mơ lớn hơn nữa, kỳ vĩ hơn nữa: Việt Nam tham gia toàn trình vào hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu” – ông Trương Gia Bình chia sẻ.

screenshot-2024-05-02-at-10.00.09.png

Viettel Global báo lãi hàng nghìn tỷ đồng, kiên định mục tiêu là nhà mạng số 1

Khác với FPT, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel chưa đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán, mà lựa chọn đưa các công ty con trong hệ sinh thái lên sàn.

Tiền thân là Tổng công ty điện tử thiết bị thông tin, thành lập năm 1989, Viettel là đơn vị xây dựng tuyến viba số AWA đầu tiên tại Việt Nam.

Đến nay, Viettel đã có mặt tại 10 nước với giá trị thương hiệu 8,9 tỷ USD - trở thành thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam và xếp thứ 234 thế giới.

screenshot-2024-05-02-at-10.49.46.png

Tổng CTCP Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global - VGI), một thành viên của Tập đoàn Viettel, thành lập năm 2007, hoạt động chính là đầu tư và hỗ trợ vận hành các mạng viễn thông ở nước ngoài và cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin có liên quan của Viettel.

Sau hơn chục năm bước chân ra thị trường nước ngoài, hiện Viettel Globak đang phục vụ cho hơn 65 triệu khách hàng, trong đó có 6/9 thị trường được đứng số 1 về thị phần.

screenshot-2024-05-02-at-10.48.26.png
Dấu ấn chuyển đổi số năm 2023 của Viettel Global

Về tình hình kinh doanh, năm 2022 lần đầu tiên Viettel Global cán mốc tỷ đồng doanh thu (đạt 23.630 tỷ đồng). Năm 2023 doanh thu vươn tầm mới, đạt 28.212 tỷ đồng, tăng trưởng 19,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế duy trì mức cao, trên 1.500 tỷ đồng từ năm 2022.

Riêng quý I/2024 vừa qua Viettel đạt hơn 7.900 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế đạt 2.497 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.633 tỷ đồng.

screenshot-2024-05-02-at-10.13.04.png

Viettel Global cho biết, năm 2023 là năm thứ 2 liên tiếp dòng tiền về của các thị trường đạt xấp xỉ 400 triệu USD tương đương 10,000 tỷ đồng, đưa Viettel vào danh sách TOP đầu các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài mang nhiều tiền về Việt Nam.

Với xu hướng phát triển công nghệ hiện tại, Viettel định hướng mảng dịch vụ viễn thông truyền thống vẫn đóng vai trò chủ đạo để tối đa hóa lợi nhuận, ưu tiên chuyển đổi công nghệ, tập trung nguồn lực tại các khu vực có dư địa phát triển. Mục tiêu trước mắt, giữ vị trí nhà mạng số 1 tại các thị trường.

Viettel cũng đang thúc đẩy Chuyển đổi số tại Tổng Công ty và các Công ty thị trường để nâng cao sự chuyên nghiệp, hiệu quả trong quản trị nội bộ cũng như trong hoạt động kinh doanh.

Đồng thời, Tổng công ty liên tục đa dạng hóa hoạt động M&A: Chủ động trong nguồn vốn, tăng cường hoạt động Mergers and Acquisitions (M&A), và mở rộng thị trường mới khi có cơ hội phù hợp với chiến lược chung của Tổng công ty.

Hồ Nga