Công nghiệp ngân quỹ: Những thách thức và giải pháp

Cập nhật: 15:19 | 04/12/2018 Theo dõi KTCK trên

Tại “Hội thảo Công nghiệp Ngân quỹ Việt Nam” do Công ty Transtrack International (Hà Lan) tổ chức mới đây ở Hà Nội, bà Lư Ân Quỳnh, Phụ trách phát triển thị trường khu vực châu Á của Transtrack International đã đưa ra một số thách thức chính cho ngành Công nghiệp Kho quỹ Việt Nam.

cong nghiep ngan quy nhung thach thuc va giai phap Rút ngắn quy trình để đẩy nhanh tiến độ dự án sân bay Long Thành

Thách thức và giải pháp

Thách thức thứ nhất, đối với các trung tâm kho quỹ của các tổ chức tín dụng (TCTD), quá trình kiểm đếm và phân loại tiền mặt chủ yếu là thủ công, môi trường làm việc của các nhân viên kho quỹ không phải lúc nào cũng lý tưởng.

Thách thức thứ hai, đối với hệ thống ATM, quản lý hệ thống phải làm sao bảo đảm mức tiền mặt đủ giao dịch, duy trì thời gian hoạt động của ATM và khả năng sinh lời của chúng.

Thách thức thứ ba, việc thực hiện Cash in Transit (CIT - cung cấp dịch vụ vận chuyển, tiếp quỹ, xử lý tiền và dịch vụ bảo vệ) đều do các ngân hàng thương mại thực hiện nên bắt buộc họ phải đầu tư một khoản đáng kể về xe cộ, nhân lực, trang thiết bị, địa điểm vận chuyển và công nghệ thông tin.

Khoản đầu tư này được dự đoán sẽ phát triển cùng với sự tăng trưởng của các ngân hàng cũng như xu hướng mở rộng kinh doanh của các TCTD. Điều này có nghĩa là chi phí quản lý cung ứng tiền cũng sẽ tăng lên.

Trước thực trạng trên, bà Quỳnh đưa ra một số giải pháp nằm ở việc tái cầu trúc hoạt động tại các trung tâm kho quỹ thông qua việc áp dụng công nghệ tự động hoá.

Theo đó, quy trình nhận tiền sẽ bao gồm nhận tiền có đánh mã vạch ghi rõ thông tin khách hàng và giá trị tiền thu, nhận trực tiếp vào hệ thống quản trị kho quỹ. Tiếp theo là đếm và phân loại tiền bằng máy đếm và ghi nhận giá trị vào các tài khoản tương tự, xác minh khoản tiền gửi, đếm hoàng loạt, xác minh và lưu trữ vào khu vực kho tiền.

Tại Hội thảo, ông Bert Waanders, Giám đốc thương mại của Transtrack International cũng chia sẻ mô hình quản trị ngân quỹ thế kỷ 21 và một số điển hình thành công mà các quốc gia đã áp dụng.

Đại diện Cục Phát hành và Kho quỹ (Ngân hàng Nhà nước) đã đưa ra một số ý kiến cho mô hình dịch vụ kho quỹ tại Việt Nam. Căn cứ quy mô, mạng lưới hoạt động của TCTD, tùy từng địa phương có thể tổ chức mô hình giao dịch tiền mặt phù hợp.

cong nghiep ngan quy nhung thach thuc va giai phap

Đề xuất những mô hình mới

Căn cứ tình hình thực tiễn và kinh nghiệm một số nước, có thể cho phép các công ty tư nhân hoặc công ty do một số TCTD và các doanh nghiệp cùng góp vốn để thành lập và hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ ngân quỹ.

Theo phương án này, Ngân hàng Trung ương chỉ thực hiện phát hành, điều hòa và tiêu hủy tiền, còn dịch vụ vận chuyển, kiểm đếm, phân loại tiền giao TCTD và các công ty tư nhân thực hiện.

Trước mắt có thể giao TCTD là đơn vị đã và đang thực hiện công việc này, sẵn có cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, quản trị và nghiệp vụ... để thực hiện. Trên cơ sở đó nâng câp quy mô, thành lập công ty và mở rộng các đối tượng tham gia quản trị điều hành.

Nếu thực hiện được mô hình này có được nhiều lợi ích cho cả Ngân hàng Trung ương, công ty cung ứng dịch vụ kho quỹ và các TCTD.

Đối với Ngân hàng Trung ương sẽ giảm áp lực giao dịch cho các chi nhánh (công ty dịch vụ sẽ đại diện cho các TCTD làm đầu mối giao dịch với Ngân hàng Trung ương); đảm bảo sạch đẹp đồng tiền trong lưu thông; giảm tải công việc kiểm đếm tuyển chọn cho cả Ngân hàng Trung ương và TCTD.

Tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông do các công ty phân loại có thể sẽ được Ngân hàng Trung ương tiêu hủy ngay mà không phải kiểm đếm lại, tiết giảm chi phí và nguồn lực tiêu hủy. Ngân hàng Trung ương có điều kiện tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước và thực hiện cung ứng, điều hòa tiền mặt cho nền kinh tế.

Đối với các công ty cung ứng dịch vụ, nguồn thu phí từ các TCTD sẽ do các công ty tính toán phù hợp với vốn đầu tư, chất lượng dịch vụ trên cơ sở tự nguyện, hiệu quả đôi bên cùng có lợi.

Các TCTD cũng sẽ sử dụng vốn hiệu quả hơn do điều tiết được tiền mặt của các chi nhánh; xử lý điều hòa vốn tiền mặt lẫn nhau giữa các TCTD, hạn chế tồn quỹ tiền mặt tại từng chi nhánh hoặc khu vực; có cơ hội sử dụng dịch vụ thuê ngoài để tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh; giảm thiểu rủi ro trong việc giao nhận, bảo quản, vận chuyển với chi phí rẻ hơn tự tổ chức thực hiện.

Hoài Phi

Theo thoibaonganhang.vn