Cần cơ chế để thu hút FDI trong tình hình mới

Cập nhật: 11:18 | 18/06/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Trong 4 tháng đầu năm 2019, đã có 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 14,59 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất khu vực và trên thế giới, trở thành địa điểm đầu tư tin cậy, hiệu quả trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay để thu hút được các doanh nghiệp FDI đến đầu tư tại nước ta thì cần những cơ chế mới phù hợp  

Tồn tại trong quá trình thu hút FDI

Ngày 19/04/1991, Dự án khai thác than giữa PT.Vietmindo Energitama tại Việt Nchính thức được thành lập theo sáng kiến trong khuôn khổ của các hiệp định Kinh tế - Thương mại - Khoa học - Kỹ thuật - Đầu tư được ký kết giữa Chính phủ nước Cộng hòa Indonesia và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam từ 1978 đến 1991. Theo đó PT.Vietmindo Energitama và Công ty Than Uông Bí được chỉ định thay mặt Chính phủ Việt nam ký kết bản Hợp đồng Hợp tác Kinh doanh (BCC). Hợp đồng Hợp tác Kinh doanh sau đó đã được UBNN về HT&ĐT (Nay là bộ KH&ĐT) chuẩn y bằng việc cấp Giấy phép Kinh doanh số 260/GP ngày 22/10/1991. Quyệt định đầu tư của Vietmindo căn cứ các nội dung và cam kết của cả hai bên ghi trong Họp đồng Hợp tác Kinh doanh. Dự án được phép hoạt động tại khu vực Đồng Vông – Uông Thượng với diện tích 1,300 ha; thời hạn hoạt động 30 năm kể từ ngày sản xuất. Vietmindo chịu trách nhiệm đóng góp toàn bộ vốn đầu tư trị giá 27 triệu USD. Phần đóng góp của Công ty Than Uông Bí là toàn bộ trữ lượng than nguyên khai có trong khu vực dự án tính từ các cao độ +125m đối với khu vực Uông Thượng và +330m đối với khu vực Đồng Vông (ước lượng vào khoảng 36 triệu tấn). Lợi ích của dự án được chia bằng sản phẩm với tỷ lệ 90/10. Tính đến nay Vietmindo đã khai thác được 13.6 triệu tấn than nguyên khai, chế biến được 10 triệu tấn than sạch và đã xuất khẩu 8.8 triệu tấn.

Ông Eko Satriono – Giám đốc điều hành PT.Vietmindo Energitama cho biết, trong những năm qua công ty thực hiện nghiêm túc đóng góp cho ngân sách nhà nước với tổng số thuế, phí đã nộp tới hiện nay là 158 triệu USD. Công ty nằm trong nhóm doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất tỉnh Quảng Ninh và nhiều năm được chi cục thuế tuyên dương đơn vị nộp thuế tiêu biểu. Tuy vậy, Công ty không được hưởng các ưu đãi thuế như được ghi trong Giấy phép kinh doanh. Thậm chí, trong quá trình triển khai dự án chúng tôi gặp nhiều bất lợi và hạn chế do các quyết định thiếu công bằng liên quan đến thời gian hoạt động, khu vực khai thác, độ sâu, sản lượng làm kết quả sản xuất và kinh doanh không đạt như kỳ vọng.

Được biết, PT.Vietmindo Energitama là một trong những doanh nghiệp FDI đầu tiên có mặt tại Việt Nam từ khi có chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài trong hơn 30 năm qua. Hiện doanh nghiệp này đang xin gia hạn hợp đồng để khai thác hết trữ lượng than có trong hợp đồng đã ký kết là 36 triệu tấn (hiện đã khai thác được 13,6 triệu tấn). Nhưng theo phản ánh của PT.Vietmindo Energitama việc làm thủ tục xin gia hạn này gặp rất nhiều khó khăn.

Theo nhận định của các chuyên gia, PT.Vietmindo Energitama đủ điều kiện để xem xét gia hạn hợp đồng và cái này cũng được quy định rất rõ ở hợp đồng hợp tác ban đầu, nếu như các cơ quan chức năng không xem xét hoặc gây khó dễ cho doanh nghiệp này trong việc gia hạn hợp đồng được xem là đi ngược lại với chủ trương thu hút vốn FDI hiện nay. Đây cũng là thực tế của nhiều doanh nghiệp FDI muốn gia hạn thời gian hoạt động. Nếu như chúng ta không gỡ được nút thắt này thì khó có thể thu hút được dòng vốn FDI trong thời gian tới.

Thu hút FDI trong tình hình mới

Cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc… đã và đang có những tác động nhất định tới nền kinh tế toàn cầu. Bối cảnh này đặt ra không ít thách thức mới cho Việt Nam trong thu hút FDI giai đoạn mới. Do vậy, việc tạo mọi điều kiện thuận lợi với nhiều cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, sẽ tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư khi quyết định đầu tư. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực mới cho thu hút và sử dụng FDI vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao; Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Thu hút FDI phải bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu với đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng và sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực trong nước. Do đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách để chủ động hỗ trợ thúc đẩy phát triển và nâng tầm doanh nghiệp Việt Nam, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo sự liên kết, lan tỏa giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Thúc đẩy doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI liên kết với các tập đoàn đa quốc gia trong cụm liên kết ngành, từng bước tham gia vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao hơn.

Anh Khang