Báo cáo, đánh giá thực hiện chi phí quản lý BHXH, BHTN giai đoạn 2016-2018 và đề xuất giai đoạn 2019 – 2021

Cập nhật: 16:02 | 01/06/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Chiều 15/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến về báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) giai đoạn 2016-2018 và đề xuất mức chi phí quản lý BHXH, BHTN giai đoạn 2019 - 2021.

bao cao danh gia thuc hien chi phi quan ly bhxh bhtn giai doan 2016 2018 va de xuat giai doan 2019 2021

Ảnh minh hoạ


Nợ BHXH thấp nhất trong nhiều năm qua

Tại phiên họp, trình bày nội dung thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội (UBCVĐXH) Nguyễn Thuý Anh cho biết, báo cáo của Chính phủ đã tổng hợp đầy đủ và thuyết minh chi tiết tình hình thực hiện dự toán chi phí quản lý cả giai đoạn và theo từng năm, đánh giá khá toàn diện mặt được, mặt hạn chế và làm rõ các nguyên nhân. Ủy ban cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện chi phí quản lý giai đoạn 2016 - 2018.

Trong đó, một số kết quả đạt được nổi bật là việc bố trí chi phí quản lý BHXH, BHTN giai đoạn 2016 - 2018 được thực hiện đúng quy định của Luật BHXH, Luật Việc làm và Nghị quyết 1083, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành BHXH và các cơ quan có liên quan thực hiện các nhiệm vụ chính trị và chuyên môn về an sinh xã hội; tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng, phức tạp của công tác BHXH; tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét về trình độ quản lý của hệ thống BHXH Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Việc sử dụng chi phí quản lý công khai, minh bạch, hiệu quả; tạo nguồn lực chủ động cho BHXH Việt Nam triển khai kịp thời những nhiệm vụ mới theo quy định của Luật BHXH 2014, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công trong giải quyết chế độ BHXH.

Công tác thu, chi các chế độ bảo đảm cân đối quỹ, việc chi trả các chế độ BHXH, BHTN bảo đảm đúng, đủ và kịp thời; đầu tư an toàn và bảo toàn tăng trưởng quỹ. Công tác cải cách hành chính trong thực hiện chính sách đạt được nhiều kết quả đột phá. Cơ quan BHXH Việt Nam đã thăng hạng 18 bậc so với năm 2016, vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng chung về dịch vụ công của 25 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; góp phần tăng thứ hạng về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Việc ưu tiên bố trí kinh phí cho đầu tư, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa quản lý BHXH đã mang lại hiệu quả thiết thực phục vụ công tác thực hiện chế độ, chính sách và quản lý quỹ BHXH, BHTN. Đến nay, BHXH Việt Nam đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình, dữ liệu quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và xây dựng hệ thống cấp số định danh quản lý người tham gia BHXH, BHYT, BHTN thống nhất trên phạm vi toàn quốc bước đầu đạt kết quả tốt, nâng cao chất lượng phục vụ, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; giảm tình trạng trốn đóng, nợ đọng và trục lợi BHXH, BHYT, BHTN.

Theo báo cáo thẩm tra, năm 2016, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN là 8.977 tỷ đồng, chiếm 3,3% số phải thu;, giảm 1,17% so với tỷ lệ nợ năm 2015. Năm 2017, số nợ BHXH phải tính lãi là 5.737 tỷ đồng, bằng 2,9% số kế hoạch thu do Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ thấp nhất trong nhiều năm qua. Nếu loại trừ các khoản nợ do doanh nghiệp đã phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn thì tỷ lệ nợ so với số phải thu còn thấp hơn, khoảng 2,67% số kế hoạch thu.

Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019 - 2021

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa ký văn bản công bố Nghị quyết số 528/2018/UBTVQH14 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019 - 2021.

Theo Nghị quyết, mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội năm 2019 bằng 2,15%, năm 2020 bằng 2,0% và năm 2021 bằng 1,85% dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm xã hội) được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội.

Mức chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp năm 2019 bằng 2,15%, năm 2020 bằng 2,0% và năm 2021 bằng 1,85% dự toán thu, chi bảo hiểm thất nghiệp (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm thất nghiệp) được trích từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Trường hợp thực hiện thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong năm không đạt dự toán, thì mức chi phí quản lý quy định tại điểm a và điểm b khoản này tính trên số thực thu, thực chi.

Nghị quyết nêu rõ, mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an, người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động - thương binh và xã hội bằng 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về việc quản lý, sử dụng kinh phí, chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này và phương án Chính phủ báo cáo tại Báo cáo số 03/BC-CP ngày 11 tháng 5 năm 2018, phù hợp với quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội.

Chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo đảm gắn hiệu quả sử dụng chi phí quản lý với kết quả phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, cải cách thủ tục và nâng cao chất lượng phục vụ bảo đảm thuận lợi đối với cơ quan, đơn vị và người dân; tổ chức bộ máy bảo hiểm xã hội theo vị trí việc làm, phù hợp với nhiệm vụ được giao và tinh giản biên chế theo quy định.

Ủy ban về các vấn đề Xã hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.

Nguyễn Thanh

Tin liên quan