Vận chuyển thuê gỗ lậu bị xử lý như thế nào?

Cập nhật: 04:14 | 26/03/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN – Độc giả hỏi: Chú của tôi chở thuê rễ cây cho người bán gỗ, với số lượng quy ra 1.5m3. Kiểm lâm sau khi giám định và quy ra mức phạt như sau: phạt lái xe: 10.500.000đ; Phạt tiền giám định 6 mẫu gỗ tại viện đo lường: 21.000.000. Nhưng khi ra quyết định xử phạt thì chủ gỗ không đến. Vậy chú tôi có phải nộp tất 31.500.000 để được lấy xe về không? Trong trường hợp này chủ gỗ có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

van chuyen thue go lau bi xu ly nhu the nao Gia Lai: Bắt năm đối tượng khai thác gỗ rừng trái phép
van chuyen thue go lau bi xu ly nhu the nao Khởi tố 24 bị can trong vụ khai thác gỗ lậu của trùm Phượng 'râu'
van chuyen thue go lau bi xu ly nhu the nao Lâm Đồng: Bắt nhóm lâm tặc khai thác gỗ trái phép

Trả lời:

Căn cứ theo Điều 22 nghị định 157/2013/ NĐ – CP được sửa đổi bởi nghị định 40/2015/ NĐ - CP Vận chuyển lâm sản trái pháp luật:

“Người có hành vi vận chuyển lâm sản (bao gồm từ thời điểm tập kết lâm sản để xếp lên phương tiện vận chuyển hoặc đã xếp lên phương tiện vận chuyển) không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng hồ sơ không phù hợp với lâm sản thực tế vận chuyển; gỗ không có dấu búa kiểm lâm theo quy định của pháp luật, bị xử phạt như sau:

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật có tang vật vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Động vật rừng hoặc bộ phận, dẫn xuất của chúng không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

b) Động vật rừng hoặc bộ phận, dẫn xuất của chúng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB có giá trị từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

c) Gỗ không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm từ 1 m3 đến 1,5 m3.

d) Gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA từ 0,7 m3 đến 1 m3.

đ) Thực vật rừng hoặc bộ phận, dẫn xuất của chúng ngoài gỗ có giá trị từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

e) Sản phẩm chế biến từ gỗ không hợp pháp có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

…"

Như vậy, nếu chú bạn có hành vi vận chuyển gỗ thuộc loài không nguy cấp, quý hiếm 1.5 m3 thì sẽ bị xử phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. Bên kiểm lâm sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm, tính chất xử phạt để quyết định mức xử phạt tương ứng. Chú bạn chỉ phải nộp phạt đối với hành vi vận chuyển gỗ trái phép với mức xử phạt theo quy định trên. Còn đối với khoản tiền nộp phạt tiền giám định 6 mẫu gỗ tại viện đo lường: 21.000.000 đồng thì nghị định nghị định 157/2013/ NĐ – CP được sửa đổi bởi nghị định 40/2015/ NĐ - CP và không có văn bản pháp luật quy định về việc người bị xử lý về hành vi vận chuyển phải nộp tiền giám định gỗ. Nếu việc giám định gỗ này nhằm mục đích để xác định gỗ thuộc loại quý hiếm hay không quý hiếm để quyết định mức xử phạt tương ứng với người vi phạm tiền giám định sẽ thuộc trách nhiệm của cơ quan Nhà nước. Trong trường hợp này bạn có thể làm đơn khiếu nại quyết định xử phạt hành chính đến cơ quan kiểm lâm.

Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính thì chú bạn và người chủ gỗ còn có thể phải chịu biện pháp xử phạt bổ sung: tịch thu tang vật, tịch thu phương tiện vi phạm, tạm giữ xe hoặc giấy tờ xe v.v.. và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Đối với việc tạm giữ xe hoặc giấy phép lái xe sẽ được thực hiện theo thời gian tạm giữ xe trong quyết định xử phạt của bên kiểm lâm.

Chủ gỗ sẽ bị xử phạt về hành vi mua, bán lâm sản theo quy định tại Điều 23. Mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái với các quy định của Nhà nước:

"Người có hành vi mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản không đúng với nội dung hồ sơ đó; gỗ không có dấu búa kiểm lâm theo quy định của pháp luật, bị xử phạt nhu sau:

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi có tang vật vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Động vật rừng hoặc bộ phận của chúng không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

b) Động vật rừng hoặc bộ phận, dẫn xuất của chúng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB có giá trị từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

c) Gỗ không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm từ 1 m3 đến 1,5 m3."

Như vậy, chủ gỗ có hành vi mua, bán lâm sản sẽ bị xử phạt hành chính với mức xử phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối nếu mua bán gỗ thuộc loài không nguy cấp quý hiếm 1,5 m3.

Căn cứ Điều 175 bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng:

"1. Người nào có một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

A) Khai thác trái phép cây rừng hoặc có hành vi khác vi phạm các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ rừng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 189 của Bộ luật này;

B) Vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 154 của Bộ luật này.

2. Phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến hai mươi triệu đồng."

Như vậy, nếu chủ gỗ có hành vi: khai thác trái phép cây rừng hoặc có hành vi khác vi phạm các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ rừng, nếu không thuộc trường hợp hủy hoại rừng theo Điều 189 của Bộ luật này; Vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép, nếu không thuộc tội buôn lậu, tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo Điều 153 và điều 154 thì gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hùng Dũng