Tưng bừng khai mạc Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương 2019:

Triệu trái tim hướng về đất Tổ

Cập nhật: 19:54 | 13/04/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - “Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng Ba. Khắp miền truyền mãi câu ca. Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”. Câu ca dao ấy đã ăn sâu vào tâm khảm của mọi người con đất Việt, dù ở nơi đâu đều chung một nhịp đập hướng về núi thiêng Nghĩa Lĩnh - Đền Hùng, nơi gìn giữ Mộ Tổ để đời đời con cháu phụng thờ khói hương công đức Tổ tiên.  

trieu trai tim huong ve dat to Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu năm 2019 sẽ được tổ chức tại 5 nước
trieu trai tim huong ve dat to Lịch nghỉ lễ các “ông lớn” ngân hàng trong tháng 4 năm 2019

Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội đền Hùng 2019 tuy tổ chức theo quy mô cấp tỉnh và tiết trời lất phất mưa nhưng từ 7 giờ sáng ngày đầu của lễ hội (ngày 12/4, tức mùng 8 tháng Giêng âm lịch) hàng triệu con Lạc cháu Hồng đã nhịp bước về miền đất Tổ.

trieu trai tim huong ve dat to

Tháng Ba nhớ về nguồn cội

Ngược dòng lịch sử trở về những năm đời Vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông có Bản ngọc phả viết thời Trần, sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “...Từ nhà Triệu, Đinh, Lê, Lý, Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa...”. Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc. Từ đó đến nay, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp trong ngày Giỗ Tổ. UNESCO cũng đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

trieu trai tim huong ve dat to
Nhiều tiết mục đặc sắc được biểu diễn tại lễ khai mạc Lễ hội Đền Hùng 2019.

Hàng năm cứ đến ngày Giỗ Tổ, con cháu trên mọi miền Tổ quốc lại hành hương về nguồn cội với tấm lòng thành kính, tỏ lòng biết ơn, tri ân công lao dựng nước của các Vua Hùng và các bậc tiền nhân của dân tộc, trở thành động lực tinh thần của dân tộc Việt với nghi thức trang nghiêm, trọng thể. Các lễ vật đặc trưng dâng cúng lên Vua Tổ là 18 chiếc bánh chưng, 18 chiếc bánh giầy tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng, trời tròn, đất vuông. Ngoài ra còn tùy theo đặc sản của từng địa phương như: Bánh mật, bánh gai, kẹo bánh và hoa thơm, trái ngọt; trầu cau, xôi, gà... Còn ở mỗi gia đình, rất nhiều nhà trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương thường sắm sửa lễ mọn, lòng thành dâng lên ban thờ gia tiên, vái vọng về núi thiêng Nghĩa Lĩnh tưởng nhớ công đức khai sơn phá thạch của các Vua Hùng.

Về với Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm nay, người dân được hòa mình trong không gian văn hóa đặc trưng của miền đất Tổ. Ngay từ 7 giờ sáng, hàng trăm bô lão, trung nam, trung nữ đến từ các xã, phường Chu Hóa, Hùng Lô, Hy Cương, Kim Đức, Hùng Sơn, Tiên Kiên và Vân Phú đã xúng xính cờ hiệu, áo khăn… rước kiệu cổ lên Quốc Tổ Hùng Vương. Hòa trong dòng ngươi rước kiệu, ông Nguyễn Tiến Cự (72 tuổi) xã Hùng Lô (TP Việt Trì, Phú Thọ) cho biết: Mặc dù năm nay là năm giỗ lẻ (quy mô cấp tỉnh), làng Hùng Lô chỉ tổ chức rước một trong 5 kiệu cổ (kiệu văn) về núi Nghĩa Lĩnh nhưng không khí lễ hội vẫn rôm rả từ làng trên xóm dưới. Từ ngày mùng 1 âm lịch, các bô lão đã lau rửa kiệu cổ, chuẩn bị lễ vật dâng vua.

trieu trai tim huong ve dat to

Ngoài ra, trong ngày khai hội, ở không gian lễ hội tại Khu di tích lịch sử đền Hùng còn có những điệu hát Xoan, những câu hát, điệu múa Sình ca, Vèo ca của người Cao Lan, múa trống đu, sinh tiền đặc trưng của người Mường, Dao vùng đất Tổ. Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức nét văn hóa độc đáo từ các tỉnh góp giỗ như đờn ca tài tử của tỉnh Cần Thơ, hát múa Ví dặm của Nghệ An và những điệu xòe Thái của tỉnh Sơn La. Đung đưa theo làn điệu hát Xoan tại Trại văn hóa huyện Phù Ninh, ông Nguyễn Khắc Hợp đến từ tỉnh Cà Mau cho biết, ông rất trân trọng và nể phục việc lưu giữ những điệu Hát Xoan cổ từ thời vua Hùng đến nay của người dân đất Tổ. Do đó, ông sẽ mua đĩa hát Xoan về mở cho con cháu nghe và học hát theo.

Tại đền Hùng, nhiều kiều bào đã nhịp bước về miền đất Tổ (Phú Thọ), chậm rãi lần theo những bậc đá lên điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh dâng hương lên Quốc Tổ Hùng Vương, một lòng thành kính với tổ tiên. Ông Nguyễn Bá Thuận (kiều bào từ Đan Mạch trở về) chia sẻ: “Đây không phải là lần đầu tiên được tham dự Giỗ Tổ Hùng Vương nhưng mỗi lần đến dâng hương lên các bậc tiền nhân, tôi đều cảm thấy rất xúc động. Đối với những kiều bào xa quê hương, ngoài việc tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, còn phải có trách nhiệm làm những việc thiết thực cho quê hương, đất nước, đó là điều tôi thấy có ý nghĩa nhất”.

Một lòng thành kính tưởng nhớ tổ tiên

Không chỉ ở trong nước, vào ngày 10/3 âm lịch (14/4), Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và Ban vận động dự án ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu phối hợp với một số đơn vị tổ chức “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ II, năm 2019” tại Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Canada, Ba Lan. Bắt đầu từ năm 2015, đại diện một số kiều bào về tham dự “Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 19” tại Hà Nội đã đưa sáng kiến hình thành một chiến lược ngoại giao văn hóa, đó là Dự án “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” (Chiến lược phối hợp tổ chức Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và Ngày Việt Nam toàn cầu). Nhà báo, TS Nguyễn Thị Bích Yến (Cộng hòa Áo) là người sáng lập, tác giả chính của dự án.

Những người trăn trở với dự án mong muốn thông qua đây bảo tồn và quảng bá rộng rãi Di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở nước ngoài. Đồng thời đối thoại, hội thảo, tọa đàm khoa học, kết nối, giao lưu liên văn hóa giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Đặc biệt, quảng bá hình ảnh, thương hiệu, giá trị văn hóa Việt Nam trong đời sống của công chúng kiều bào, bạn bè nước sở tại và quốc tế… Sau 5 năm triển khai, dự án “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo kiều bào nhiều nước trên thế giới như Đức, Séc, Nga, Áo, Hungary, Mỹ, Canada, Lào, Thái Lan, Nhật, Canada, Ba Lan...

trieu trai tim huong ve dat to
Người dân đất Việt thành kính tri ân công đức các Vua Hùng.

Đặc biệt, cộng đồng người Việt Nam tại TP San Jose, bang California (Mỹ) còn về đền Hùng xin đất, nước, chân nhang thờ cúng tổ tiên và lập đền thờ các Vua Hùng. Mới đây, ngày 7/4, đông đảo bà con kiều bào tỉnh Udonthani và các tỉnh lân cận vùng Đông Bắc Thái Lan đã dâng nén tâm hương hướng về tổ tiên nguồn cội nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Cũng trong dịp này, chiều 5/4, tại Thủ đô Vientiane (Lào) diễn ra tọa đàm khoa học với chủ đề “Kiều bào với Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu”. Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức tại Lào từ ngày 5 - 6/4. Tiếp theo đó, vào ngày 14/4 tại TP Osaka Nhật Bản và tại Ba Lan cũng sẽ tổ chức Lễ dâng hương vua Hùng, chương trình văn nghệ, trình diễn áo dài…

Theo Ban Tổ chức, mục đích tổ chức sự kiện này nhằm bảo tồn và quảng bá rộng rãi Di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở nước ngoài, vinh danh giá trị tinh thần của dân tộc Việt trên các phương diện như văn hóa, xã hội, truyền thống, phong tục, ẩm thực... góp phần gắn kết tinh thần đại đoàn kết dân tộc, làm cầu nối cho bà con Việt kiều và đồng bào trong nước. Bên cạnh đó, dự án sẽ góp phần kết nối các ngành du lịch, thương mại, ngoại giao, nghiên cứu khoa học... của Việt Nam với các nước trên thế giới. Đặc biệt, Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu nhằm tạo sự hiểu biết, chia sẻ, giao lưu văn hóa giữa cộng đồng người Việt Nam vào quá trình hội nhập với nhân dân nước sở tại; tạo động lực cho việc học tập tiếng Việt của các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài; tạo điều kiện cho các trung tâm Việt Nam học ở nước ngoài, các nhà nghiên cứu, sinh viên nước ngoài… tìm hiểu, nghiên cứu về Việt Nam.

Mâm cơm Giỗ Tổ Hùng Vương - nét đẹp văn hóa của người dân Phú Thọ

Khuyến khích mỗi gia đình làm mâm cơm tri ân Giỗ Tổ Hùng Vương vào đúng ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, cùng với lễ Giỗ trên điện Kính Thiên là một trong nét mới tại Giổ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019. Hoạt động này nhằm đẩy mạnh thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Tổ tiên của người Việt góp phần khẳng định Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch, gia đình ông Nguyễn Văn Chung ở khu 3 xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì nhộn nhịp hơn ngày thưởng, bởi đây là ngày con cháu, anh em của gia đình ông tụ hợp đông đủ để cùng làm mâm cơm cúng giỗ Tổ Hùng Vương. Theo ông Chung, việc làm mâm cơm cúng các bậc tiền nhân hết sức có ý nghĩa, vừa là tưởng nhớ công đức các vua Hùng đã có công dựng nước, vừa truyền dạy cho con cháu hiểu thêm về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Ông Nguyễn Thanh Vân, Chủ tịch UBND xã Chu Hóa cho biết, việc làm mâm cỗ tri ân tại gia đình được triển khai từ năm 2018 tại 2 xã Chu Hóa và Hy Cương thành phố Việt Trì. Đây là 2 địa phương gần Khu di tích lịch sử Đền Hùng, mang nhiều dấu ấn về văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Lần đầu tiên được tổ chức và lan tỏa đến các địa phương khác trên địa bàn thành phố, việc này tạo cơ hội để các gia đình sum họp, đoàn viên tưởng nhớ công ơn vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Đồng thời giáo dục con cháu về niềm tự hào là người dân đất Tổ vua Hùng, cội nguồn dân tộc Việt Nam.

trieu trai tim huong ve dat to
Mâm cơm Giỗ Tổ Hùng Vương.

Theo các nhà nghiên cứu, thờ cúng Hùng Vương cũng là một tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nhưng được nâng lên một tầm cao đó là tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ có từ hàng ngàn năm nay đã trở thành một bản sắc văn hóa trong đời sống tinh thần của cộng đồng địa phương với triết lý “Con người có tổ có tông”, là điểm tựa tinh thần bền vững, cố kết cộng đồng dân tộc. Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm giáo dục đạo lý truyền thống tri ân công đức tổ tiên, gắn kết các thế hệ con cháu về cùng một cội nguồn, sống hòa hợp.

Trên vùng Đất Tổ, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được “phát triển” thành tín ngưỡng thờ Quốc Tổ. Đây là hiện tượng hiếm có, nếu không nói là độc nhất trên thế giới khi cả dân tộc Việt Nam đã tự ý thức về mình là có chung một nguồn gốc (đồng bào), một khu mộ Tổ và có chung ngày giỗ Tổ để thực hành những nghi lễ thờ cúng và tưởng niệm Vua Hùng - vị Quốc Tổ chung của cả quốc gia, dân tộc.

Trong dòng chảy sâu thẳm tâm linh của người Việt Nam, các Vua Hùng là thánh nhân, là người có công dựng nước, là thần linh bảo vệ cho cả cộng đồng. Cứ mỗi dịp tới ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3, tất cả những người con đất Việt trên khắp thế giới đều hướng về ngày lễ chung toàn dân tộc - ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Có một nghi lễ không thể thiếu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên dù là ở gia đình nhỏ hay lễ trọng của dân tộc thì việc dâng lễ vật lên ban thờ trong đó có mâm cơm là một nghi lễ vô cùng quan trọng của người Việt. Mâm cơm cúng giỗ có quy mô vượt lên trên một mâm cơm bình thường, nó thể hiện sự thành kính của người sống với người đã khuất cũng như nhằm tri ân với tổ tiên.

Mỗi vùng miền có thể sẽ có một cách thức chuẩn bị, bày trí mâm cơm cúng theo phong tục riêng biệt nhưng ý nghĩa của mâm cơm cúng tổ tiên bao đời vẫn vậy, ngàn năm chưa từng đổi thay. Mâm cơm cúng Vua tổ cần có những món cơ bản là: Bánh chưng, bánh giầy và cơm tẻ. Món bánh chưng, bánh giày là 2 sản vật thời kỳ Hùng Vương tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài. Cơm tẻ cũng do Vua Hùng dậy dân cấy lúa mà ra, là lương thực hàng ngày, nên trong mâm cỗ có nếp, có tẻ cũng như có âm có dương đầy đủ sẽ sinh sôi. Bát nước chấm đặt giữa mâm hình tròn với 4 bát cơm đặt 4 góc mâm, tượng trưng cho trời đất vũ trụ, mà con người dù ở cõi âm hay dương đều có cuộc sống trong đó.

Với ý nghĩa lớn lao đó, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay, Ban tổ chức vận động, khuyến khích mỗi gia đình làm mâm cơm cúng Vua Hùng vào đúng ngày mùng 10 tháng 3, cùng với lễ Giỗ trên điện Kính Thiên nhằm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Tổ tiên của người Việt góp phần khẳng định Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tân An