Tập trung cao độ ứng phó bão số 9

Cập nhật: 16:58 | 24/11/2018 Theo dõi KTCK trên

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (24/11), vị trí tâm bão số ở vào khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 110km, cách Phan Thiết khoảng 210km, cách Vũng Tàu khoảng 300km, cách Ba Tri 340km.

tap trung cao do ung pho bao so 9 Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới nạn nhân mưa lũ
tap trung cao do ung pho bao so 9 Thanh Hóa phát đi công điện khẩn trương ứng phó bão số 4

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 16 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão ở khoảng 10,3 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km.

tap trung cao do ung pho bao so 9
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Trung ương kiểm tra công tác phòng chống bão số 9 tại TP.Hồ Chí Minh (Nguồn: Báo: SGGP)

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 9 (tên quốc tế là Usagi), sáng nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Trung ương, cùng lãnh đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hồ Chí Minh, đã đi kiểm tra thực tế tình hình phòng chống, ứng phó trước bão của huyện Cần Giờ. Dự báo, bão số 9 Hiện, TP. Hồ Chí Minh có 803 tàu thuyền với 2.914 thuyền viên, trong đó, tàu có công suất trên 90CV là 63 chiếc hiện đã vào bờ tránh trú bão.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố, Uỷ ban nhân dân huyện Cần Giờ, Chi cục Thủy sản Thành phố cũng đã tổ chức sắp xếp neo đậu của các tàu, thuyền tại khu neo đậu đảm bảo an toàn; kiểm tra chặt chẽ việc xuất bến của tàu thuyền tại các cửa sông, cửa biển theo lệnh cấm tàu, thuyền ra khơi.

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Thành phố là 6.268ha; chòi canh, sở đáy, lồng bè nuôi trồng chủ yếu tập trung tại huyện Cần Giờ. Thành phố đã chỉ đạo tổ chức hướng dẫn gia cố, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiểu thiệt hại đối với lồng bè, chòi canh, sở đáy, khu vực nuôi trồng thủy, hải sản. Kiên quyết không để người ở lại các khu vực này khi bão đổ bộ.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho biết, công tác di dời dân được tổ chức ở huyện Cần Giờ là 4.151 người, huyện Nhà Bè là 1.928 người. Các quận huyện còn lại cũng đã rà soát các phương án, kế hoạch và kiểm tra, thống kê số hộ dân cần di dời ở các khu vực dân cư xung yếu không đảm bảo an toàn tở chức sơ tán, di dời kịp thời.

Đồng thời, Uỷ ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo đến các cơ sở giáo dục ngưng tổ chức các hoạt động giảng dạy và hoạt động khác từ 12 giờ ngày 24/11. Đến sáng nay, 24/11, toàn bộ phương tiện của huyện Cần Giờ đã neo đậu vào nơi an toàn; trong đó, 935 người ở chòi canh và trong rừng đã đưa vào chiều 23/11. Địa phương đã chuẩn bị đầy đủ gạo, mì, nước uống. Nước sạch tại xã đảo Thạnh An cũng được chuẩn bị đầy đủ cho nhiều ngày. Sáng cùng ngày, toàn bộ học sinh ở huyện cũng đã được thông báo nghỉ học để tránh bão. Huyện Cần Giờ cũng đã huy động hơn 1.600 lực lượng dân quân, xung kích của huyện và các xã, thị trấn hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà ở, với tổng số nhà được chằng chống 413 căn nhà.

Lúc 10h sáng nay, thời tiết xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, trời đã có mưa, gió thổi mạnh. Lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục vận động, giúp đỡ người dân sơ tán về trú bão tại các trường học của xã Thạnh An. Toàn huyện Cần Giờ có 407 điểm kinh doanh lương thực, thực phẩm với nguồn lương thực, thực phẩm dự kiến khi cần huy động, gồm: 103,5 tấn gạo; 3.404 thùng mì và 2.816 thùng nước uống; 17 lò bánh mì và 10 cửa hàng kinh doanh xăng dầu với lượng dự trữ bình quân là 270.000 lít nhiên liệu. Trước bão, lực lượng chức năng đã hỗ trợ người dân di dời, chằng chống nhà cửa, đảm bảo an ninh trật tự… Trong bão, lực lượng sẵn sàng triển khai các biện pháp cứu hộ, cùng với các phương tiện như máy xúc, máy cưa, xe cấp cứu… Sau bão, huyện có các biện pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, nhà cửa bị thiệt hại…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là huyện Cần Giờ tiếp tục rà soát lại toàn bộ dân cư ở những nơi không an toàn. Lực lượng khỏe mạnh còn ở lại trông nhà phải kiên quyết di dời đến nơi an toàn, không để bất kỳ xác suất nguy hiểm xảy ra. Các hoạt động kinh tế vãng lai, kinh tế du lịch… cần cấm tuyệt đối trước chiều 24/11. Cùng với đó, thành phố rà soát việc gia cố nhà cửa, bởi một số nhà cửa chằng chống chưa an toàn nên còn tiềm ẩn nguy hiểm... Ngoài ra, trong vùng nội đô, Thành phố tiếp tục xây dựng các phương án đảm bảo cho các công trình thiết yếu, các công trình lớn, cây xanh một cách cụ thể; lên các kịch bản cho các phương án trong 12 giờ, trong 24 giờ… ; phối hợp với các đơn vị theo dõi vận hành điều tiết hồ Dầu Tiếng nhằm đảm bảo an toàn công trình hồ chứa và toàn hạ du sông Sài Gòn. Được biết, do ảnh hưởng của bão số 9, tại TP. Hồ Chí Minh từ chiều và đêm nay 24/11 sẽ có mưa rất to (200-250mm) và có khả năng dông, lốc xoáy. Nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt diện rộng.

Trong khi đó, để chủ động ứng phó với con bão số 9 sắp đổ bộ, hiện tại tất cả các công trình khu vực Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân, thuộc địa bàn xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đã được dừng thi công, vận hành, neo buộc chắc chắn tránh ngã đổ. Công nhân trực theo ca, các tổ ứng phó đã sẵn sàng ứng phó bão. Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (Bình Thuận) có 5 nhà máy nhiệt điện than, 2 nhà máy đã đi vào vận hành, số còn lại đang được xây dựng và chạy thử nghiệm. Hiện tại, nơi đây đang có 1.831 lao động, trong đó có 134 người nước ngoài.

Tại huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận đã có gió giật mạnh cấp 8, từ trưa và chiều nay 24/11 tăng lên cấp 8-9, giật cấp 12, sóng biển cao từ 4-6m, biển động rất mạnh. Trên đất liền, mực nước trên tất cả các sông tại tỉnh Bình Thuận đến 7 giờ cùng ngày ngày đều dao động thấp hơn báo động cấp I. Nhiều chủ nhà nghỉ, khách sạn ở huyện đảo đã phát đi thông báo sẽ sẵn sàng mở cửa đón tiếp bà con vào ở miễn phí khi bão số 9 vào huyện đảo.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, hiện tại, tất cả tàu thuyền của tỉnh đã vào bến neo đậu an toàn. Cụ thể, tàu thuyền đang neo đậu tại các bến là 7.183 chiếc/38.822 lao động. Về lồng bè nuôi trồng thủy sản, hiện toàn tỉnh Bình Thuận hiện 93 bè/240 lao động. Đến nay, các chủ bè nuôi thủy sản đã chằng buộc chắc chắn, an toàn và thực hiện nghiêm lệnh cấm không để người lao động ở lại trên lồng bè, chòi canh trên biển. Ngoài ra, để chủ động ứng phó với con bão số 9 sắp đổ bộ, ngành chức năng huyện Phú Quý đã tổ chức di dời 189 hộ dân, với 912 người dân ở các điểm xung yếu đến nơi an toàn. Công tác bố trí các khu vực để người dân trú bão cũng đã được hoàn tất.

Bên cạnh đó, ngoài các khu vực đã được Uỷ ban nhân dân huyện Phú Quý bố trí để người dân tránh bão, một số nhà nghỉ, khách sạn ở huyện đảo như: Nhà nghỉ Thái Bình, khách sạn Hưng Phát,... đã phát đi thông báo sẵn sàng mở cửa đón người dân vào ở miễn phí khi bão đổ bộ. Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Phú Quý cho biết, công tác ứng phó với con bão số 9 đã hoàn tất từ chiều hôm qua 23/11. Hiện tại, tất cả tàu thuyền cùng ngư dân đã vào nơi tránh trú bão an toàn, bà con đã tổ chức gia cố lại nhà cửa, bè nuôi thủy sản... an toàn. Bên cạnh đó, nhiều cây xanh ven đường cũng đã được lực lượng chức năng và người dân cắt tỉa gọn gàng.

Ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết, công tác triển khai chỉ đạo, phòng tránh, ứng phó với cơn bão số 9 gần bờ đã được địa phương triển khai quyết liệt, với phương châm “4 tại chỗ”. Tỉnh đã bố trí lực lượng vũ trang gồm cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông…công an các địa phương chủ động phối hợp với các đơn vị Quân sự, biên phòng và các đơn vị tại địa phương sẵn sàng hỗ trợ phương án di dời dân trong vùng nguy hiểm. Riêng Sở Giao thông - Vận tải đã chuẩn bị sẵn sàng 10 xe ca chở khách (trên 30 chỗ ngồi), 10 xe ô tô tải, 3 xe tải các loại, 1 xe đầu kéo, 2 xe đào và 1 xe xúc lật; rọ đá 200 cái, dầm cầu Bailey 150m và biển báo các loại theo phân công, đảm bảo nhận nhiệm vụ khi có lệnh điều động.

tap trung cao do ung pho bao so 9
Bộ đội giúp dân chằng chống nhà cửa ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (Nguồn: Báo BR-VT)

Theo kế hoạch, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong sáng 24/11 di dời 36.752 người/16.500 hộ ra khỏi những vùng gần biển, gần núi có nguy cơ sạt lở cao. Vào tối 23/11, tại Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu), Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã họp với các đơn vị liên quan và ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đã yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng phó với mọi tình huống của bão số 9. Không để bất cứ tàu container nào trên tuyến hàng hải. Hiện các tàu lớn đã được Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu bố trí sắp xếp vào những vị trí an toàn

Trên địa bàn huyện Đất Đỏ, trong số 11.080 căn nhà có khả năng tốc mái trước gió bão, 10.284 căn đã hoàn thành việc chằng, chống. Số nhà dân còn lại đang tiếp tục được thực hiện. Huyện Đất Đỏ cũng đã chỉ đạo các địa phương sơ tán 873 hộ dân đến các điểm an toàn. Tính đến sáng 24/11, tổng số tàu cá của tỉnh này đã vào bờ tránh trú bão là 4.702 tàu, với 23.665 ngư dân (4.577 tàu neo ở nội tỉnh, còn lại neo tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và Bến Tre). Đến lúc này, vẫn còn 1.175 tàu cá với 8.913 ngư dân đang hoạt động trên biển, chủ yếu tại vùng biển Cà Mau, Kiên Giang. Các tàu trong vùng không an toàn đang được liên lạc, hỗ trợ tìm nơi tránh trú an toàn.

Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) cho biết, từ chiều 23/11, PVEP đã di tản 44 nhân viên ngoài khơi vào bờ bằng các chuyến bay để bảo đảm an toàn cho người lao động, đồng thời dừng tất cả các công việc ở các giếng khoan. Các dự án mỏ khai thác cũng đã triển khai chương trình ứng phó bão khẩn cấp, tổ chức chằng buộc, gia cố thiết bị cẩn thận, để đảm bảo hoạt động trở lại bình thường khi bão qua.

Công ty Cổ phần Phát triển Công viên cây xanh và Đô thị Vũng Tàu tiếp tục tiến hành cắt tỉa cành nhánh, hạ độ cao cây xanh trên hầu hết các tuyến đường, chủ yếu là các cành cây cao, tán rộng nhánh cây vướng vào đường dây điện lưới… Để bảo đảm an toàn cho những cây loại 3 và cây cổ thụ, Công ty đã huy động toàn bộ cán bộ, công nhân khoảng 200 người tiếp tục hạ độ cao, cắt tỉa bớt cành nhánh./.

K.V (TH)

Theo dangcongsan.vn

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm