Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng: Níu kéo sức nóng

Cập nhật: 14:14 | 20/05/2016 Theo dõi KTCK trên

Xét trong bối cảnh bất lợi về tình hình môi trường hiện tại thì “độ chững” của bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng là điều dễ hiểu.

Dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, song giới chuyên môn đã bộc lộ sự quan ngại về bài toán đầu ra của dòng sản phẩm xa xỉ này. Thế nhưng, tại nhiều buổi hội thảo gần đây, chủ đầu tư vẫn khẳng định: “BĐS nghỉ dưỡng đang là kênh hấp dẫn nhất với khả năng sinh lời cao và chắc chắn”.

Gãy chân trụ?

Thực tế tình hình phát triển của BĐS nghỉ dưỡng, theo nhận định của một số chuyên gia, chủ yếu dựa trên 3 chân trụ. Đó là: Nền kinh tế phát triển, xu hướng đầu tư mới và ngành du lịch tăng trưởng. Tuy nhiên, khi chân trụ thứ ba – du lịch gặp nhiều biến động đã khiến cục diện phân khúc này nghiêng lệch.

dau tu bat dong san nghi duong niu keo suc nong

Khách hàng tham quan phối cảnh một dự án BĐS nghỉ dưỡng.

Theo ông Võ Văn Cường - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Đà Nẵng, mặc dù đã vào mùa du lịch biển song lượng khách đến các tỉnh miền Trung giảm mạnh. Điều này vô hình chung gây áp lực đến hoạt động của các khu biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn khi vắng bóng khách hàng. Hàng loạt BĐS nghỉ dưỡng cao cấp như Sun Spa Resort (Đồng Hới), Sepon Boutique Resort (Quảng Trị), Laguna Lăng Cô (Huế); The Empire Residences & Resorts (Đà Nẵng)… lao đao vì bị ảnh hưởng từ vấn đề môi trường. Áp lực cạnh tranh của phân khúc này vốn dĩ rất gay gắt, nay càng khốc liệt hơn.

Trái chiều diễn biến ở miền Trung, BĐS nghỉ dưỡng tại miền Bắc và miền Nam vẫn được quảng bá như kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời sáng giá. Trong một cuộc hội thảo rầm rộ mới đây tại Hà Nội, chủ đầu tư một dự án nghỉ dưỡng ở Phú Quốc đã đưa ra những con số lợi nhuận ấn tượng. Theo đó, khi khách hàng đầu tư vào dự án thì lợi nhuận cho thuê hàng năm thu về ít nhất 8% giá trị căn biệt thự (cam kết trong hợp đồng mua bán) trong 10 năm, hoặc chia theo tỷ lệ 90% (khách hàng) và 10% (đơn vị bán hàng). Vị này còn cam kết, đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng đảm bảo mang chỉ số dòng tiền cao hơn, lên tới 10 - 20% hàng năm, với một số kênh thông minh có thể lên tới 90% trong năm đầu.
Nhiều chuyên gia BĐS cũng khẳng định, năm 2014, thị trường BĐS bắt đầu hồi phục, năm 2015 tăng trưởng mạnh, đồng nghĩa năm 2016 sẽ là tâm điểm của phân khúc BĐS nghỉ dưỡng. Bởi thị trường BĐS nghỉ dưỡng thường đi sau thị trường BĐS truyền thống khoảng nửa năm đến một năm.

Thận trọng xuống tiền

Nhận định về việc có nên đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng giai đoạn này hay không, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh chỉ trả lời ngắn gọn: “Thận trọng”. Theo ông Đực, xét về yếu tố khách quan, nhiều số liệu cho thấy nền kinh tế sẽ còn tiếp tục khó khăn do bội chi. Nhiều dự án nghỉ dưỡng hàng triệu USD đã phải dừng cuộc chơi, hay các dự án phát triển xong vẫn tồn kho sản phẩm.
Ngân hàng lại rục rịch tăng lãi suất gây tâm lý bất an cho nhà đầu tư.

Trong khi đó, yếu tố chủ quan bên trong của BĐS nghỉ dưỡng là lượng khách thì thời điểm hiện tại cần được xem xét. Tốc độ tăng trưởng khách du lịch tại các khu biển nghỉ dưỡng không còn khả quan. Quảng Bình vừa tuyên bố trong tháng qua, số lượng du khách đã giảm 100.000 lượt so với cùng kỳ năm ngoái. Rõ ràng, sinh mệnh BĐS nghỉ dưỡng đang phụ thuộc rất lớn vào môi trường. “Tỷ suất sinh lời cao chỉ thành hiện thực khi có khách thuê hoặc mua. Với lượng khách du lịch trong và ngoài nước có xu hướng sụt giảm thì quảng bá về lợi nhuận BĐS nghỉ dưỡng chỉ là “cái lý” đứng trên lập trường chủ đầu tư. Thực tế BĐS nghỉ dưỡng đang “chững” lại chứ không còn tăng trưởng mạnh như năm 2015” - ông Đực nhấn mạnh.

Ở góc độ chủ đầu tư, ông Nguyễn Nam Sơn - Chủ tịch Tanzannite International chia sẻ: “Thực tế các dự án của chúng tôi tại Phú Quốc cách miền Trung hơn 1.000km, không chịu tác động từ vấn đề môi trường đang rộ lên gần đây. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn bị ảnh hưởng về mặt tâm lý chung nên hạn chế xuống tiền. Điều này kéo theo sức mua, sức thuê tại các dự án nghỉ dưỡng của Công ty có phần giảm sút. Dù vậy, cá nhân tôi cho rằng ảnh hưởng này chỉ trong giai đoạn ngắn hạn. Khi Chính phủ có động thái xử lý vấn đề môi trường, BĐS nghỉ dưỡng sẽ bước sang chu kỳ mới”.


Theo Kinh tế & Đô thị

Tin liên quan