Bị người khác mạo danh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản có phải chịu trách nhiệm pháp lý ?

Cập nhật: 15:22 | 31/01/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN -  Độc giả hỏi: Vừa qua, tôi quen một người bạn qua mạng xã hội. Sau một thời gian nói chuyện, khi có được thông tin của tôi thì họ dừng liên lạc. Tôi nghi ngờ họ đã dùng thông tin của tôi thực hiện các giao dịch phi pháp. Tôi muốn hỏi hành vi mạo danh người khác để chiếm đoạt tài sản thì người bị mạo danh có phải chịu trách nhiệm hình sự không?  

bi nguoi khac mao danh de lua dao chiem doat tai san co phai chiu trach nhiem phap ly Gây thất thoát tài sản của công ty có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
bi nguoi khac mao danh de lua dao chiem doat tai san co phai chiu trach nhiem phap ly Làm thất thoát tài sản công có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
bi nguoi khac mao danh de lua dao chiem doat tai san co phai chiu trach nhiem phap ly Làm giả giấy tờ để vay vốn ngân hàng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Trả lời:

Căn cứ pháp lý

Bộ luật hình sự năm 2015, Sửa đổi, bổ sung năm 2017

Nội dung tư vấn

Theo quy định tại khoản 1, Điều 174 Bộ Luật Hình sự 2015:

"Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại..."

Căn cứ quy định trên, dấu hiệu quan trọng nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn gian dối và giá trị tài sản chiếm đoạt. Thủ đoạn gian dối được hiểu là việc đưa ra những thông tin không đúng sự thực, tạo ra sự tin tưởng của người khác; chiếm đoạt tài sản là việc dịch chuyển một cách trái ý muốn tài sản của chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao cho quản lý tài sản.

Theo đó, trong trường hợp một người sử dụng thông tin cá nhân của bạn, mạo danh bạn tức là cung cấp thông tin gian dối về mặt nhân thân. Nếu thủ đoạn này hướng đến việc, người khác phải trả cho họ một khoản lợi ích vật chất thì cá nhân này có thể phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong trường hợp này, bạn là cá nhân có thông tin nhân thân bị sử dụng để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của một bên khác. Bạn chỉ phải chịu trách nhiệm pháp lý trong trường hợp đồng phạm theo hướng dẫn tại Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:

"Điều 17. Đồng phạm

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành."

Căn cứ theo quy định trên, dấu hiệu của đồng phạm bắt buộc phải là lỗi cố ý trực tiếp. Đối với trường hợp của bạn, bạn hoàn toàn không biết về việc cá nhân đó sẽ sử dụng thông tin của mình để lừa đảo đối tượng nào, cũng không được hưởng lợi ích vật chất gì từ hành vi của họ. Do đó, bạn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu cá nhân sử dụng thông tin của bạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác.

Ngoài ra, đối với trường hợp này, bạn là người bị hại, cũng đồng thời là bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ việc nên cơ quan chức năng có thể yêu cầu bạn giải trình để làm rõ sự việc.

Trên thực tế, với nội dung mà bạn cung cấp, chúng tôi vẫn chưa xác định được cụ thể hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân nước ngoài kia hay mục đích của họ khi sử dụng thông tin cá nhân của bạn. Do đó, chưa thể xác định cụ thể các dấu hiệu tội phạm ở đây, nội dung tư vấn trên hoàn toàn dựa trên giả định của bạn về trường hợp có thể xảy ra: "Bạn bị một cá nhân mạo danh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác." Để được tư vấn cụ thể hơn, bạn cần cung cấp thêm các thông tin khác liên quan đến các hành vi của người này.

Tùng Linh

Tin liên quan