Việt Nam xuất siêu kỷ lục bất chấp dịch Covid-19

Cập nhật: 09:35 | 30/12/2020 Theo dõi KTCK trên

Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính Việt Nam xuất siêu 19,1 tỷ USD - mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.

Giá cà phê hôm nay 30/12: Cà phê thế giới bật tăng

Tháng 11/2020, xuất khẩu cá tra "tắc đường" sang Trung Quốc

Giá gas hôm nay 29/12: Gas thế giới tiếp đà giảm

Kỷ lục xuất siêu 19,1 tỷ USD

Năm 2020, giữa bối cảnh các nền kinh tế thế giới đều chịu tác động từ đại dịch COVID-19 thì Việt Nam lại nổi lên với kết quả xuất siêu kỷ lục của hoạt động thương mại hàng hóa.

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vừa xác lập kỷ lục mới và đạt giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố chiều 27/12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 của Việt Nam ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%.

3321-xuatsieu3012
Bất chấp dịch bệnh, Việt Nam vẫn xuất siêu cao kỷ lục, đạt 19,1 tỷ USD

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 xuất siêu khoảng 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Đây là kết quả ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng như thế giới chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu.

Kim ngạch xuất khẩu quý IV/2020 ước tính đạt 78,9 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước và giảm 1,1% so với quý III năm nay. Tính chung cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 78,2 tỷ USD, giảm 1,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 203,3 tỷ USD, tăng 9,7%, chiếm 72,2%.

Trong năm 2020 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2020, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 152,5 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 100,3 tỷ USD, tăng 2,4%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 20,3 tỷ USD, giảm 1,9%. Nhóm hàng thủy sản đạt 8,4 tỷ USD, giảm 1,8%.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa năm 2020, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 76,4 tỷ USD, tăng 24,5% so với năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 48,5 tỷ USD, tăng 17,1%; thị trường EU đạt 34,8 tỷ USD, giảm 2,7%; thị trường ASEAN đạt 23,1 tỷ USD, giảm 8,7%; Nhật Bản đạt 19,2 tỷ USD, giảm 5,7%; Hàn Quốc đạt 18,7 tỷ USD, giảm 5,1%.

Trong quý IV/2020, kim ngạch nhập khẩu đạt 76,4 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,7% so với quý III năm nay. Tính chung năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6% so với năm 2019. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 93,6 tỷ USD, giảm 10%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 168,8 tỷ USD, tăng 13%. Trong năm 2020 có 35 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 89,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (4 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 49,4%).

Về cơ cấu nhập khẩu hàng hóa năm 2020, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 245,6 tỷ USD, tăng 4,1% so với năm trước và chiếm 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa; nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 16,8 tỷ USD, giảm 3,8% và chiếm 6,4%.

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 83,9 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 46,3 tỷ USD, giảm 1,5%; thị trường ASEAN đạt 30 tỷ USD, giảm 6,9%; Nhật Bản đạt 20,5 tỷ USD, tăng 5%; thị trường EU đạt 14,5 tỷ USD, tăng 3,5%; Hoa Kỳ đạt 13,7 tỷ USD, giảm 4,9%.

Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài

Tổ chức hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại, đầu tư và phát triển (UNCTAC) ước tính, các biện pháp phong tỏa chống dịch và viễn cảnh suy thoái toàn cầu trầm trọng do tác động tiêu cực của dịch COVID-19 có thể khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu có thể suy giảm tới 40% trong năm nay. Điều bất ngờ là dù chịu áp lực giảm chung trong làn sóng toàn cầu, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam vẫn duy trì kết quả tích cực với 24,43 tỉ USD vốn đăng ký mới, giảm 16,4% so với cùng kỳ và vốn thực hiện trong 11 tháng năm 2020 vẫn đạt 17,2 tỉ USD, chỉ giảm 2,4% so với cùng kỳ.

Theo đánh giá của Bộ KHĐT, xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kết quả này tốt hơn nhiều quốc gia khác và thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế.

Bàn sâu hơn về sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) Đỗ Nhất Hoàng, sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam đến từ các yếu tố bên trong nội tại của nền kinh tế và các tác động của yếu tố bên ngoài. Trong đó ở yếu tố bên trong, môi trường đầu tư của Việt Nam có nhiều điểm lợi thế và thuận lợi sẵn có gồm chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường rộng lớn, chi phí cạnh tranh, chính sách ưu đãi hấp dẫn, nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng và vị trí địa lý thuận lợi nằm ở trung tâm Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương cũng liên tục nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách chính sách, thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động thành công tại Việt Nam. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng nổ trên toàn cầu, thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch bệnh càng tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư nước ngoài, tăng thêm uy tín cho Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn.

Trong khi đó trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, xung đột thương mại giữa nền kinh tế lớn cũng khiến các doanh nghiệp quốc tế có nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế suất cao. Hệ quả nặng nề của dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung ứng càng khiến các quốc gia, các tập đoàn quốc tế đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu đầu tư nhằm tránh sự phụ thuộc vào một quốc gia, một đối tác. Nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc nhanh chóng ban hành các chính sách ưu đãi và gói hỗ trợ để kêu gọi các doanh nghiệp dịch chuyển dây chuyền sản xuất về nước hoặc đầu tư sang nước thứ ba nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và Việt Nam vì vậy có nhiều cơ hội đón bắt dòng vốn dịch chuyển.

Cũng theo Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng, trong thời gian tới đây, Việt Nam sẽ tập trung thu hút đầu tư vào các dự án như công nghệ cao, sản xuất thiết bị, vật liệu và linh kiện đầu vào cho hoạt động lắp ráp, vận tải quốc tế. Việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài sẽ theo hướng có chọn lọc, trong đó ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Để có thể đón được làn sóng đầu tư theo đúng định hướng, yêu cầu đặt ra, tới đây các bộ ngành và địa phương cần tiếp tục rà soát các dự án chậm triển khai, hoạt động không hiệu quả để thu hồi, tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư mới. Đồng thời rà soát, xây dựng danh sách các địa phương, khu công nghiệp, khu kinh tế đã chuẩn bị về hạ tầng, nhân lực, năng lượng có thể sẵn sàng tiếp nhận ngay các dự án trong dòng chuyển dịch, tái định vị sản xuất để đón dòng vốn FDI mới.

Thu Uyên