Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới giảm tháng thứ 2 liên tiếp

Cập nhật: 15:45 | 01/04/2022 Theo dõi KTCK trên

Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến 20/3/2022 đạt 8,91 tỷ USD, giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm trước.

4234-fdi
Ảnh minh họa

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính từ đầu năm đến ngày 20/3/2022 đạt 8,91 tỷ USD, giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp, Việt Nam ghi nhận tổng vốn FDI đăng ký cấp mới giảm.

Trong số đó, số dự án đăng ký cấp mới đạt 3,21 tỷ USD tăng gần 38% về số dự án nhưng lại giảm gần 56% về số vốn so với cùng kỳ năm trước.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép vốn FDI mới lớn nhất, với số vốn đăng ký đạt 2,19 tỷ USD, chiếm hơn 68% tổng vốn đăng ký cấp mới của quý I.

Trong số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 3 tháng đầu, Đan Mạch là nhà đầu tư lớn nhất với số vốn đạt 1,32 tỷ USD, chiếm hơn 41% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Vốn đăng ký điều chỉnh trong quý I vừa qua là 228 lượt dự án (đã cấp phép từ các năm trước), với số vốn đầu tư tăng thêm 4,07 tỷ USD, tăng hơn 93% so với cùng kỳ năm trước.

Số vốn FDI đăng ký góp vốn, mua cổ phần ghi nhận 734 lượt với tổng giá trị góp vốn 1,63 triệu USD, tăng gần 103% so cùng kỳ năm trước; trong đó, số lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp chiếm gần một nửa với giá trị hơn 819 triệu USD.

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 3 tháng đầu năm, số vốn FDI giải ngân ước đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Con số giải ngân vừa nêu là mức cao nhất của quý I trong 5 năm trở lại đây. Trong số đó, số vốn FDI giải ngân vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 3,44 tỷ USD, chiếm gần 78% tổng vốn FDI thực hiện. Tiếp đến là ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa; hoạt động kinh doanh bất động sản.

Lý giải về việc tổng vốn FDI đăng ký cấp mới giảm tháng thứ 2 liên tiếp, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết do cùng kỳ năm ngoái Việt Nam ghi nhận việc đăng ký đầu tư cấp mới của 2 dự án (Ô Môn I, II với tổng giá trị hơn 4,41 tỷ USD) lớn hơn so với quý I năm nay. Nếu loại trừ đi yếu tố đột biến là 2 dự án này, tổng vốn FDI cấp mới quý I/2022 vẫn tăng hơn 14%, cho thấy xu hướng phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và khu vực FDI nói riêng.

Trong báo cáo vừa công bố về tình hình thu hút FDI tháng 3 của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho rằng vốn FDI đầu tư đăng ký mới giảm khá mạnh, làm giảm tổng vốn đầu tư trong 3 tháng, song số lượng dự án đầu tư mới vẫn tiếp tục tăng (37,6%).

Cục này cũng nhận định, dù có những tác động bất lợi từ dịch COVID-19, các nhà đầu tư FDI vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng đầu tư hiện hữu.

Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu được đề xuất kéo dài thêm 2 năm

Nghị quyết số 42 về xử lý nợ xấu được ban hành vào năm 2017, có thời hạn năm và sẽ hết hiệu lực thi ...

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Triển khai các biện pháp bảo đảm ổn định, an toàn thị trường chứng khoán

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị ...

Thận trọng với gói hỗ trợ lãi suất 2%

Các chuyên gia cho rằng, số tiền được gói hỗ trợ lãi suất 2% đẩy ra nền kinh tế rất lớn, đòi hỏi các ban ...

Lâm Tuyền

Tin cũ hơn
Xem thêm