Sàng lọc để tìm kiếm những startup Việt thực sự chất lượng

Cập nhật: 14:00 | 18/07/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN – Cộng đồng startup Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Tính đến hết năm 2018, Việt Nam đã có khoảng 3.000 startup. Thế nhưng đây cũng chính là thời điểm sàng lọc số lượng để tìm kiếm những startup thực sự chất lượng.

sang loc de tim kiem nhung startup viet thuc su chat luong

CEO Tiki đồng hành cùng Startup Việt 2019

sang loc de tim kiem nhung startup viet thuc su chat luong

CEO WeFit chỉ ra nguyên nhân thất bại của startup Việt ngay từ những năm đầu

sang loc de tim kiem nhung startup viet thuc su chat luong

Lê Hoàng Uyên Vy với công việc ưa thích khi đồng hành cùng những startup Việt

Startup Việt chưa có tính mới mẻ và đột phá?

Trong một buổi giao lưu với các bạn trẻ khởi nghiệp tại TPHCM, bà Lê Hạnh, Giám đốc sản xuất chương trình Shark Tank Việt Nam cho biết, mỗi mùa Shark Tank thì ban tổ chức nhận được hàng ngàn hồ sơ của các startup. Sau khi sàng lọc còn lại khoảng 500 hồ sơ bước vào vòng thẩm định.

Và cuối cùng chỉ có 50 startup được chọn lên sóng truyền hình, gặp gỡ các “cá mập” để thuyết phục họ rót vốn cho “đứa con” của mình. Vì sao con số bị loại lại nhiều đến như vậy? Theo bà Hạnh, lý do chính bởi các bạn trẻ đang thiếu đi tính mới mẻ và đột phá trong các dự án của mình.

Có một câu chuyện thoạt nghe rất hài hước đó là sau Shark Tank mùa 1, mô hình khởi nghiệp nào được các “cá mập” rót vốn, đến mùa 2 phải có đến hàng chục hồ sơ làm y chang những mô hình ấy. Và thực trạng mùa 3 cũng đang tiếp tục như vậy. “Với cách nghĩ ấy các bạn trẻ rất khó bước đến thành công. Cùng giải quyết một nhu cầu nào đó trong xã hội nhưng cách làm phải mới mẻ, phải tốt hơn những người đi trước” - bà Hạnh nhấn mạnh.

Cho đến thời điểm này, ngoài Shark Tank còn có rất nhiều cuộc thi về khởi nghiệp thu hút các bạn trẻ tham gia, trong đó có một cuộc thi cũng khá nổi tiếng mang thương hiệu của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) là Startup Wheel. Năm nay cuộc thi đã bước sang năm thứ 7 và mỗi năm thu hút trung bình khoảng 1.000 hồ sơ đăng ký tham dự. Điều này cho thấy việc trùng lắp về ý tưởng là hoàn toàn bình thường, thế nhưng việc rập khuôn trong cách giải quyết ý tưởng lại là tối kỵ với các startup.

Nếu như cách đây chừng 5 năm, khi khái niệm startup ở Việt Nam còn khá mới mẻ, vấn đề ý tưởng luôn được coi trọng và dễ trở nên hấp dẫn. Nhưng nay thực tế đã chứng minh ý tưởng vốn không phải là cái gì quá to tát, sự đột phá không nằm trong ý tưởng mà chính trong cách thức thực hiện ý tưởng đó của startup để giải quyết tốt nhất nhu cầu của xã hội.

Vẫn còn rất nhiều bạn trẻ khi đến với các diễn đàn, hội nghị về khởi nghiệp đặt câu hỏi, tôi có một ý tưởng nhưng chưa có vốn, kinh nghiệm để khởi nghiệp, có nên đi đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ cho ý tưởng đó hay không. Rồi tôi có ý tưởng nhưng tôi chưa biết bắt đầu từ đâu, tìm đến tổ chức nào để có thể hiện thực hóa ý tưởng của mình... Điều này cho thấy nhiều bạn trẻ đang thiếu sự tìm tòi nghiêm túc về khởi nghiệp.

sang loc de tim kiem nhung startup viet thuc su chat luong
Sàng lọc để tìm kiếm những startup Việt thực sự chất lượng. Ảnh: Nguồn Internet

Nhà đầu tư phải “cân não”

Việc nở rộ các startup tại Việt Nam cũng như việc xuất hiện những startup tiềm năng đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước. Theo thống kê, trong 3 năm trở lại đây vốn đầu tư cho các startup Việt Nam tăng nhanh. Năm 2018 vốn đầu tư cho startup là 889 triệu USD, gấp 3 lần năm 2017 và 5 lần so với năm 2016. Và ngay tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam diễn ra hồi đầu tháng 6 vừa qua đã có những cam kết rót vốn của các quỹ đầu tư rất đáng chú ý.

Theo đó, quỹ đầu tư DT&I Hàn Quốc quyết định sẽ đầu tư cho startup Propzy số tiền 1,4 triệu USD trong quý II/2019. Quỹ VinaCapital sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với 2 quỹ của Hàn Quốc để đánh dấu việc quỹ này dự kiến sẽ đầu tư 100 triệu USD cho các startup tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới. Bộ Kế hoạch - Đầu tư và quỹ Golden Gate Ventures cũng đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác để phát triển startup và các tổ chức trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Đại diện Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng đã chia sẻ thông tin về quỹ mới nhất của EU, trị giá 3 tỷ eur dành cho các startup…

Đó quả thực là những tin vui cho hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Song như đã nói, các startup thực sự chất tại Việt Nam hiện chưa nhiều nên chính các nhà đầu tư cũng phải bước vào một cuộc chơi “cân não”. Ông Dzung Nguyễn, Giám đốc quỹ đầu tư Cyber Agent Việt Nam-Thái Lan cho biết giá đầu tư hiện nay đang cao hơn mức bình thường. Mới đây quỹ của ông quyết định đầu tư vào một công ty khởi nghiệp nhưng ngay ngày hôm sau đã có một quỹ đầu tư khác đầu tư vào với mức cao hơn gấp 1,5 lần khiến ông Dzung Nguyễn phải cân nhắc lại có tiếp tục với thương vụ này hay không.

Nhà đầu tư phải tính toán, nhưng chính các startup cũng phải hết sức thận trọng trong bối cảnh hiện nay. Nếu mình thực sự chất lượng sẽ có nhiều người muốn đầu tư, giá đầu tư cũng tốt hơn. Tuy vậy, một số nhà đầu tư lại đưa ra lời khuyên cho startup phải hết sức thận trọng chọn người đi đường dài cùng mình. Đừng chỉ nhìn vào túi tiền của nhà đầu tư mà hãy nhìn vào hệ sinh thái của quỹ, nhà đầu tư ấy có thực sự hỗ trợ được startup của mình hay không.

Ngay tại thị trường Việt Nam, đã có những startup nhanh chóng gọi được vốn nhưng lại chóng vánh chia tay chính đứa con của mình. Rồi nhiều startup không phải chết vì không gọi được vốn ban đầu mà chết vì không thể gọi vốn cho những vòng tiếp theo để làm những bước phát triển nhảy vọt.

Khởi nghiệp đang được thúc đẩy nhưng nó thực sự không phải một phong trào để bất cứ ai có một ý tưởng nào đó cũng nghĩ đến việc khởi nghiệp. Nhiều khảo sát đã chỉ ra rằng đến 90% doanh nghiệp khởi nghiệp gặp thất bại. Dù mỗi cuộc thi thu hút hàng ngàn hồ sơ nhưng đến nay số lượng startup vượt qua “thung lũng tử thần”, thu hút được các nhà đầu tư, được người dùng biết tới vẫn còn hết sức khiêm tốn.

Ba nhược điểm của Startup Việt Nam

Có quá nhiều ý tưởng

Khác với nhiều người rơi vào trạng thái bí ý tưởng, các Startup Việt Nam, tôi tiếp xúc thường rơi vào trạng thái đối lập là có quá nhiều ý tưởng mà chưa biết bắt đầu từ đâu. Nếu bạn đặt câu hỏi là: bạn đang làm gì? thì không ít các startup sẽ kể ra không dưới ba ý tưởng đang có trong đầu và/hoặc đang triển khai. Các bạn thử rất nhiều, kinh doanh nhiều thứ khác nhau cùng một lúc, cho ra đời những thành công nho nhỏ, hoặc rất nhiều thất bại và đôi khi các doanh nghiệp khởi nghiệp dậm chân tại chỗ với một mớ ý tưởng.

Nhiều startup lại muốn nhắm vào tất cả khách hàng trên thị trường. Không khó để nhận ra, trên website của nhiều Startup ở Việt Nam, ví dụ, phần mềm quản lý khách hàng, thiếu một câu chuyện tập trung cho một đối tượng khách hàng cụ thể. Các bạn nghĩ rằng mình có thể bao phủ toàn bộ thị trường, đưa ra thật nhiều sản phẩm dịch vụ và có thể thực hiện để phục vụ nhu cầu rộng khắp của các khách hàng. Tuy vậy, hãy coi trọng chất lượng hơn số lượng, hãy tập trung vào thế mạnh lớn nhất của bạn hoặc thứ mà thị trường đang thiếu thốn nhất. Cơ hội thành công chỉ đến với những người thực sự vượt trội. Mà muốn có sự vượt trội, bạn phải đầu tư thời gian, công sức và sự tập trung toàn bộ nguồn lực vào một thứ mà thôi.

sang loc de tim kiem nhung startup viet thuc su chat luong
Nhược điểm của Startup Việt Nam. Ảnh minh họa

Một biểu hiện khác là sự thử nghiệm quá nhiều thứ một lúc nhưng không tập trung và phân tích thế mạnh của mình. Nhiều bạn startup dựa trên quan sát những nhu cầu “hot” trên thị trường. Vì đuổi theo hết trào lưu này sang trào lưu khác mà thiếu cân nhắc đến thế mạnh và nguồn lực của mình, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ dừng lại ở việc tồn tại, không thể tập trung ở một mảng thị trường cụ thể và khai thác một công việc kinh doanh rõ ràng để khiến nó phát triển.

Việc có quá nhiều ý tưởng là một điểm yếu lớn bởi lẽ, khi có quá nhiều ý tưởng, nguồn lực triển khai thường bị phân tán và khó đạt được hiệu quả cao nhất. Mặt khác, việc phân tán cho nhiều ý tưởng thường khiến các nhóm khởi nghiệp có nguy cơ tan rã sớm do mâu thuẫn về tầm nhìn và tập trung nguồn lực cả đội. Nguyên nhân của việc có nhiều ý tưởng thì có nhiều, nhưng mặt trái của nó về lãng phí thời gian và chi phí cơ hội thì không phải doanh nghiệp khởi nghiệp nào cũng nhận ra.

Để khắc phục, cách quan trọng là phải có tiêu chí lựa chọn ý tưởng, ưu tiên những ý tưởng mang tính khả thi, có khả năng tiến xa và đặc biệt phù hợp với đam mê và năng lực của cả nhóm. Công thức chung cho việc phân loại, sắp xếp thứ tự ưu tiên và tập trung chính là cách để một khởi nghiệp tìm được tiếng nói đồng thuận, tầm nhìn của cả đội.

Tiếng Anh giao tiếp kém

Nhiều nhà đầu tư tiềm năng nước ngoài gặp khó khăn trong giao tiếp và hiểu các doanh nghiệp Startup Việt Nam về sản phẩm, dịch vụ của họ. Rào cản lớn nhất đó chính là tiếng Anh. Các doanh nhân khởi nghiệp đang đánh mất cơ hội của mình trước các khởi nghiệp nước ngoài do khả năng ngôn ngữ kém, khả năng biểu đạt ý tưởng kém và thiếu sự tự tin cần thiết khi giao tiếp bằng ngôn ngữ nước ngoài. Trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới, việc thiếu kỹ năng cơ bản này đang hạn chế rất nhiều cơ hội tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài, giảm năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp. Nhiều người hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp có chung nhận định rằng, việc không tự vượt qua rào cản ngôn ngữ thể hiện sức ì rất lớn trong tâm lý của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam. Nó cũng thể hiện sự thiếu sẵn sàng cho khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Khởi nghiệp Việt Nam sẽ không thể ra khỏi ao làng nếu tình trạng tiếng Anh vẫn còn ở mức dừng lại vài câu chuyện, xin chào, tạm biệt và chỉ bất lực sử dụng ngôn ngữ hình thể và vốn tiếng Anh hạn hẹp để mô tả sản phẩm, dịch vụ của mình.

Việc cải thiện trình độ tiếng Anh, khả năng giao tiếp, phát âm không phải quá khó. Tất cả bắt đầu từ tư duy và tầm nhìn để hội nhập. Có một câu chuyện của nhóm trẻ khởi nghiệp tôi biết thực sự đáng suy nghĩ. Khi xác định nhất định phải phát triển một ứng dụng hỗ trợ những người bán hàng trực tuyến bằng tiếng Anh, CEO của công ty đã quyết định bắt cả đội học tiếng Anh thật tốt song song với việc phát triển ứng dụng về mặt công nghệ. Không một nhà đầu tư hay đối tác nào nghi ngờ về tầm nhìn toàn cầu của bạn nếu bạn đang sở hữu một đội ngũ tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh với họ. Thực tế đã chứng minh, những nhóm Startup Việt Nam bắt đầu xây dựng một chút tiếng tăm hay thành công trên thị trường quốc tế đều là những nhóm sở hữu những nhân viên có trình độ tiếng Anh tốt.

Thiếu và yếu kiến thức nền tảng

Sự thiếu hiểu biết của Startup Việt Nam về những vấn đề có liên quan đến kinh doanh chuyên nghiệp cũng là một cản trở đến sự thành công của các khởi nghiệp. Trong đó có hiểu biết về tài chính, luật pháp và thị trường.

Họ thiếu hiểu biết về tài chính trong khi các nhà đầu tư cần con số về tiềm năng công việc kinh doanh một cách thực tiễn để có thể ra những quyết định trên khoản tiền đầu tư của họ. Họ thiếu hiểu biết nên vướng vào nhiều vấn đề như thiếu cân nhắc về loại hình công ty khi thành lập, không bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ. Họ thiếu hiểu biết về thị trường, các con số về đối thủ cạnh tranh, khách hàng tiềm năng. Cuộc chơi vốn thuộc về những người hiểu nhu cầu thị trường khiến không ít Startup Việt Nam mất hẳn lợi thế cạnh tranh so với startup ngoại vốn tìm hiểu thị trường rất kỹ trước khi bắt đầu ngay cả khi họ kinh doanh trên thị trường Việt Nam.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt này, trong đó không thể không kể đến nguyên nhân khách quan là lỗi của hệ thống giáo dục. Tuy vậy, trước khi thực sự chờ đợi những thay đổi mang tính căn bản, các khởi nghiệp phải tự cứu lấy mình, tự trang bị cho mình kiến thức cần thiết để chủ động sống sót và tồn tại bền vững.

CEO của Google và rất nhiều chuyên gia khởi nghiệp trên thế giới có chung nhận định và lời khuyên dành cho các Startup Việt Nam là hãy chiếm lĩnh thị trường nội địa trước khi vươn ra thế giới. Tuy vậy, nếu nhìn lại với điểm yếu là thường thiếu thông số thị trường, thiếu cái nhìn tổng quan, thiếu ý thức về việc phải nghiên cứu thông số thị trường trước khi bắt đầu, các khởi nghiệp Việt Nam khó có thể chiếm lĩnh thị trường nhà. Với điểm yếu ngôn ngữ và kiến thức nền tảng, việc vươn ra thị trường nước ngoài càng trở nên khó khăn. Nếu không có những đột phá về sản phẩm mũi nhọn, ngôn ngữ và kiến thức nền tảng, khởi nghiệp Việt Nam sẽ không thực sự sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng trên sân nhà và tìm những cơ hội lớn hơn trên sân chơi quốc tế.

Hoài Dương

Tin liên quan