Quan điểm mới, cách làm mới để hỗ trợ doanh nghiệp vượt “bão” COVID-19

Cập nhật: 16:36 | 29/09/2021 Theo dõi KTCK trên

Nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Các mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước, của các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức lớn chưa từng có. Điều này buộc chúng ta phải suy nghĩ lại cách thức và phương pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

1657-doanh-nghiyp-1
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp

Sáng ngày 26/9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương nhằm tìm ra các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19.

Cứ 10 doanh nghiệp thì có 9 nơi cho người lao động thôi việc

Báo cáo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội nghị trực tuyến ngày 26/9, cho thấy dịch bệnh và giãn cách xã hội kéo dài đã khiến tất cả các thành phần kinh tế, các ngành nghề đều bị ảnh hưởng, với 93,9% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực.

Trong đó, 3 ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là du lịch, chế biến thuỷ sản, giao thông vận tải. Theo phản ánh từ các hiệp hội doanh nghiệp của các ngành hàng liên quan đến xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động, chỉ có từ 15-20% các nhà máy sản xuất cầm chừng do theo được "3 tại chỗ", còn lại đến 80-85% số nhà máy phải ngừng sản xuất.

Về lao động, theo khảo sát của VCCI, trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh.

"Nói cách khác, cứ khoảng 10 doanh nghiệp thì có 9 doanh nghiệp phải chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát", Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho hay.

Tình trạng này tương đối giống nhau ở tất cả các nhóm quy mô doanh nghiệp, trong đó khoảng 92% doanh nghiệp quy mô lớn báo cáo tình trạng cho thôi việc người lao động. Giá trị này ở các nhóm quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ lần lượt là 81%, 94% và 90%.

Tình trạng người lao động mất việc làm diễn ra phổ biến nhất ở các ngành dịch vụ. Trên 97% doanh nghiệp ở các ngành giáo dục và đào tạo, hoạt động hành chính và dịch vụ, và dịch vụ lưu trú và ăn uống trả lời khảo sát đã phải giảm số lao động trong thời gian dịch bệnh.

Đặc biệt tình trạng người lao động mất việc làm do ảnh hưởng từ dịch bệnh phổ biến nhất ở các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung với lần lượt 95%, 93% và 92% doanh nghiệp đang hoạt động ở các vùng này báo cáo việc cho người lao động thôi việc.

Kết quả khảo sát về sức chịu đựng của doanh nghiệpViệt Nam trước tình trạng kéo dài của dịch bệnh, của giãn cách xã hội, cho thấy một doanh nghiệp điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng, trong đó thấp nhất là lĩnh vực nông lâm, thủy sản (trung bình 4,7 tháng), thông tin truyền thông (4,9 tháng) và xây dựng (5,3 tháng).

Doanh thu không ngừng sụt giảm

Dịch bệnh gây đình đốn nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh khiến việc quản lý tài sản, dòng tiền trở thành một thách thức lớn. Ghi nhận tới 57,6% doanh nghiệp gặp phải khó khăn này.

Việc triển khai các biện pháp giãn cách xã hội đòi hỏi doanh nghiệp phải tổ chức lại mô hình làm việc và duy trì trong một thời gian dài tình trạng làm việc từ xa. Chính vì thế, khoảng 57,2% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong quản lý nhân sự trong thời kỳ dịch bệnh. Tương tự, dịch bệnh trên toàn cầu gây ra trở ngại lớn về duy trì chuỗi cung ứng với 51,4% doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

VCCI nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 kéo dài khiến doanh thu của 71% doanh nghiệp dự kiến năm 2021 giảm so với năm 2020.

Đáng lưu ý, 93% doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế và trợ giúp xã hội báo cáo doanh thu dự kiến năm 2021 (năm thứ hai xảy ra dịch bệnh) bị sụt giảm so với năm 2020 (năm dịch bệnh thứ nhất).

Tương tự, 87,5% doanh nghiệp trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống dự kiến sự sụt giảm doanh thu. Các ngành khác cũng có doanh thu giảm mạnh, với tỷ lệ doanh nghiệp dự tính giảm doanh thu dao động trong khoảng từ 45,9% đến 87%.

Các nhóm doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ bị giảm doanh thu đáng kể nhất bởi dịch bệnh với lần lượt 71% và 72%. Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 đã làm 65% doanh nghiệp sụt giảm doanh thu so với năm 2019.

3401-covid-19
Doanh nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức lớn chưa từng có. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 từ ngày 27/4/2021 đến nay đã nhanh chóng lan ra 40 tỉnh, thành phố, trong đó có cả các trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước như TP HCM và TP Hà Nội, khiến nhiều hoạt động kinh tế bị đình đốn.

Chỉ tính đến ngày 28/5, sản lượng hàng hóa của các khu vực trọng điểm công nghiệp phía Bắc, cụ thể là tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc có thể sụt giảm tầm 50% do ảnh hưởng của dịch bệnh,... kéo theo sự sụt giảm nghiêm trọng giá trị của các chuỗi vận tải, logistics, xuất khẩu liên quan trên phạm vi toàn quốc do chuỗi liên kết sản xuất trải rất rộng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch, hàng không tiếp tục bị “đóng băng” gần như mọi hoạt động, kéo theo hơn 2 triệu lao động ngành này bị mất việc làm hoặc cắt giảm mạnh lượng công việc. Thiệt hại kinh tế mỗi ngày do giãn cách, cách ly là rất to lớn.

Báo cáo của VCCI nêu rõ, nếu các doanh nghiệp bị dừng hoạt động quá lâu, không tránh khỏi làn sóng phá sản doanh nghiệp sẽ xuất hiện tại Việt Nam. Đáng quan ngại, với các doanh nghiệp FDI, nếu bị thiệt hại quá nhiều do dừng sản xuất, nhiều doanh nghiệp sẽ buộc phải rút khỏi thị trường.

Đề xuất hai chủ trương chống dịch mới

Đợt bùng dịch thứ 4 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, hiện đã ngấm sâu, lan rộng và không thể trở về trạng thái Zero Covid, do đó nếu giãn cách xã hội mãi thì các doanh nghiệp sẽ sụp đổ. Tình hình đã thay đổi, chúng ta cần có tư duy duy mới, quan điểm mới, chiến lược mới, cách làm mới về chống dịch.

Các doanh nghiệp đồng tình, nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là “Phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”.

Về chiến lược ứng phó với COVID-19, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đề xuất thay đổi theo hướng thay vì dồn toàn lực tập trung cho một mặt trận chính là phòng chống dịch bệnh, từ nay chúng ta cần tập trung cho cả mặt trận thứ hai là duy trì, phát triển kinh tế.

3115-doanh-nghiyp-3
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công

Cả 2 mặt trận đều quan trọng và tác động qua lại với nhau, phòng chống dịch tốt thì mới duy trì được sản xuất an toàn, duy trì được sản xuất tốt thì mới có lực để chiến thắng dịch bệnh.

Từ cách tiếp cận này, Chủ tịch VCCI đề xuất hai chủ trương chống dịch mới:

Thứ nhất, cần nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó COVID-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp.

Thứ hai, mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện sống chung với dịch.

Với quan điểm coi doanh nghiệp là một chủ thể trong cuộc chiến chống COVID-19 và là lực lượng chủ lực trên mặt trận kinh tế, đồng thời xác định sống chung lâu dài với dịch bệnh, lãnh đạo VCCI đề nghị với Thủ tướng trong cơ cấu Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 các cấp cần có sự tham gia của đại diện cộng đồng doanh nghiệp.

Để triển khai công tác phòng chống dịch đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới, cộng đồng doanh nghiệp nhất trí cao với 6 nguyên tắc mà Thủ tướng đã nêu trong kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 23/9/2021.

Đồng thời, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh nguyên tắc số 5 và 6, đó là vắc xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết. Vắc xin là chìa khóa, việc mở cửa kinh tế phải đồng bộ với độ phủ về vắc xin. Thứ hai sản xuất phải an toàn. Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc mở cửa lại nền kinh tế nếu không tuân thủ hai nguyên tắc này thì hậu quả là khó lường.

Bên cạnh đó cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất tích cực các nguyên tắc, giải pháp của Chính phủ tại nghị quyết 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Nguyện vọng chung các doanh nghiệp đều mong các giải pháp đề ra trong nghị quyết nhanh chóng được triển khai thực hiện, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này.

Để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ thực sự phát huy hiệu quả, việc xây dựng và thực thi chính sách nên chăng cần được xác định theo cấp độ và lộ trình thực hiện phù hợp, như: các giải pháp mang tính cấp bách, cần thực hiện ngay; các giải pháp hỗ trợ phục hồi; và các giải pháp mang tính tái cấu trúc, phát triển bền vững về trung và dài hạn.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Hồng Giang

Tin cũ hơn
Xem thêm