Nỗ lực lấy lại "thẻ xanh" cho hải sản khai thác

Cập nhật: 11:12 | 01/08/2018 Theo dõi KTCK trên

Tháng 1-2019, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ quay lại Việt Nam để tiếp tục kiểm tra việc khắc phục “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản. Từ nay đến thời điểm đó, ngành cá Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện các yêu cầu của EC, nỗ lực lấy lại “thẻ xanh” cho hải sản khai thác tại nước ta.

no luc lay lai the xanhcho hai san khai thac
Cảng cá Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Các địa phương quyết liệt vào cuộc

Là một trong những tỉnh chịu sự kiểm tra trực tiếp của EC, cuối tháng 5-2018, Bình Định đã thực hiện khá nhiều giải pháp khắc phục “thẻ vàng”. Ngay sau khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) ban hành quyết định thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá và quyết định về việc cử cán bộ, công chức, viên chức làm kiêm nhiệm tại Văn phòng đại diện thì đến đầu tháng 4-2018, Văn phòng đại diện có ba tổ thường trực tại ba cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi và Tam Quan đi vào hoạt động để kiểm tra tàu xuất bến, tàu nhập bến. Đối với thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, đến nay, đã có tổng số 566 thiết bị movimar được lắp đặt trên tàu cá Bình Định. Tỉnh lắp đặt hai trạm bờ để tiếp nhận báo cáo vị trí của tàu cá từ 2.444 thiết bị VX-1700 được gắn trên tàu cá khai thác xa bờ.

Về xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản, Ban quản lý các cảng cá đã cấp 99 bộ hồ sơ cho các chủ thu mua, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trong tỉnh và ngoài tỉnh với tổng khối lượng nguyên liệu hải sản khai thác là 8.515 tấn. Đồng thời cấp 283 hồ sơ chứng nhận nguyên liệu hải sản cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trong và ngoài tỉnh.

Sở NN và PTNT tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 152/2017/QĐ-UBND về ban hành Quy chế Phối hợp xử lý các vụ việc tàu cá và ngư dân tỉnh Bình Định bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Trong đó, tăng cường một số biện pháp xử lý đối với các tàu cá bị nước ngoài bắt giữ như: Giao Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng xử phạt hoặc tham mưu xử phạt; loại khỏi danh sách hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước; không cấp phép khai thác hải sản, không cho đóng mới tàu nếu tái phạm; không cấp giấy chứng nhận khai thác hải sản hợp pháp để bán sản phẩm cho các công ty xuất khẩu vào thị trường châu Âu…

Đối với tỉnh Kiên Giang, trước tình trạng một số tàu cá vẫn đi vào vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật cho chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân. Các lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ phương tiện ra, vào cửa sông, cửa biển; tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển, nhất là tại các vùng biển giáp ranh, chồng lấn và kiên quyết xử lý các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tháo gỡ vướng mắc từ cơ sở

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong khắc phục “thẻ vàng”, nhưng đợt kiểm tra của EC cho thấy, các địa phương chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu EC đưa ra. Cụ thể, tại Bình Định, việc kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất bến, nhập bến vẫn chưa triệt để. Theo Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Bình Định Phan Trọng Hổ, nguyên nhân là do trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 48% số tàu cá thiếu hồ sơ thủ tục theo quy định, trong đó nhiều tàu cá làm nghề “giã cào” chưa được kiểm soát triệt để (không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc bị trễ hạn đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác); tất cả các thành viên của Tổ thường trực tại cảng cá làm việc theo hình thức kiêm nhiệm với số lượng ít cho nên chưa bảo đảm công tác trực làm việc 24 giờ hằng ngày.

Bên cạnh đó, tàu cá Bình Định xuất bến, nhập bến tập trung trong khoảng thời gian ngắn với số lượng rất lớn, cho nên để kiểm tra, kiểm soát toàn bộ tàu xuất bến, nhập bến trong giai đoạn đầu còn khó khăn và ngư dân chưa quen. Việc kiểm tra tàu nhập bến lên cá còn khó do cảng cá Tam Quan chưa được đầu tư xây dựng, ngư dân không khai báo thời điểm lên cá trước một giờ theo quy định để Ban quản lý cảng cá và Tổ thường trực bố trí lực lượng kiểm tra. Để giải quyết tình trạng này, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Bình Định Đào Xuân Thiện cho biết: Ban quản lý đã triển khai cán bộ trực khu vực mặt cầu trực tiếp ghi chép thông tin tàu cập bến để theo dõi sản lượng hải sản lên cảng theo quy định. Tiếp tục tuyên truyền tàu vào cập cảng phải khai báo trước một giờ, nhắc nhở những tàu chưa khai báo khi cập cảng. Những tàu cố tình không thực hiện sẽ bị lập biên bản xử lý.

Sở NN và PTNT tỉnh Bình Định đã thành lập Tổ chỉ đạo khắc phục thẻ vàng EC; chỉ đạo Chi cục Thủy sản củng cố cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cho Văn phòng đại diện kiểm tra, kiểm soát thủy sản để làm tốt việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất nhập bến; phối hợp UBND các huyện rà soát tàu cá chưa hay trễ hạn đăng ký đăng kiểm, giấy phép khai thác để đề xuất biện pháp xử lý cụ thể và triệt để; Sở NN và PTNT phối hợp UBND các huyện, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảnh sát giao thông đường thủy tỉnh bàn giải pháp và phân công trách nhiệm giữa các bên, báo cáo để UBND tỉnh chỉ đạo...

Ngoài nỗ lực của địa phương, Sở NN và PTNT tỉnh Bình Định cũng kiến nghị Bộ NN và PTNT chủ trì, chỉ đạo các địa phương xây dựng cụ thể kế hoạch, lộ trình thực hiện các yêu cầu, khuyến nghị của EC phù hợp thực trạng nghề cá của Việt Nam và của từng địa phương, trong đó tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nghề cá như cảng cá, khu neo đậu cho tàu cá. Thành lập lực lượng chuyên trách, bố trí kinh phí thực hiện kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất bến, nhập bến. Hướng dẫn xử lý các tàu cá không đăng ký, đăng kiểm, không có giấy phép khai thác thủy sản… để bảo đảm việc kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất bến, nhập bến theo quy định. Để có cơ sở xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường châu Âu đúng quy định, Bộ cũng cần có hướng dẫn cụ thể cho ngư dân về tọa độ các vùng biển của Việt Nam mà ngư dân được phép đánh bắt.

Đối với tỉnh Kiên Giang, khi triển khai thực hiện các giải pháp chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đã phát sinh một số khó khăn như: Một số chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm vùng biển nước ngoài không hợp tác, không thừa nhận, xóa các dữ liệu định vị; yêu cầu chủ tàu cá khai thác xa bờ lắp đặt và vận hành thiết bị giám sát hành trình nhưng chưa có hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của thiết bị; các chủ tàu hoặc thuyền trưởng chưa có thói quen ghi nhật ký khai thác đầy đủ…

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang Lê Hoàng Khải cho rằng: Việc xử lý rút giấy phép khai thác đối với tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đang gặp khó do đơn vị chỉ nhận được thông báo của cơ quan chức năng, thiếu biên bản xử lý vi phạm hoặc bản án do tòa án của các nước bắt giữ tuyên. Tỉnh kiến nghị Bộ NN và PTNT phối hợp Bộ Ngoại giao thúc đẩy đàm phán với các nước trong khu vực về khả năng hợp tác nghề cá, ký thỏa thuận hợp tác cụ thể với các nước nhằm tăng cường hiệu quả nghề cá; tiếp tục đàm phán, ký thỏa thuận về việc thiết lập đường dây nóng xử lý các vấn đề trên biển.

Từ nay đến tháng 1-2019, Bình Định, Kiên Giang và các địa phương khác cần nhanh chóng, tích cực khắc phục những hạn chế để đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của EC, nỗ lực lấy lại “thẻ xanh” cho hải sản khai thác của Việt Nam.

Bài, ảnh: TIẾN ANH và TIẾN HÙNG

Theo nhandan.com.vn

Tin cũ hơn
Xem thêm