Ngành ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp hàng không vượt “bão” COVID-19

Cập nhật: 21:45 | 28/09/2021 Theo dõi KTCK trên

Các tổ chức tín dụng (TCTD) cần coi việc cho vay hàng không là một trong những lĩnh vực đặc biệt quan trọng từ nay tới cuối năm. Với nội dung vượt thẩm quyền, NHNN sẽ phối hợp với cơ quan chủ quản doanh nghiệp (DN) hàng không là Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan tổng hợp báo cáo kiến nghị giải pháp để có căn cứ pháp lý tháo gỡ kịp thời. Đây là ý kiến của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú tại buổi làm việc mới đây với hiệp hội và các DN hàng không, để tháo gỡ khó khăn cho các DN trong ngành hàng không theo tinh thần Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ.

Ngày 28/9/2021, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về việc triển khai các nội dung liên quan tới việc hỗ trợ các hãng hàng không theo Nghị quyết 105/NQ-CP do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức. Cùng tham dự có đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước; đại diện một số vụ, cục NHNN; các NHTM; Hiệp hội Ngân hàng; Hiệp hội Hàng không; cùng các doanh nghiệp hàng không…

0035-pho-thong-doc
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì cuộc họp trực tuyến về việc triển khai các nội dung liên quan tới việc hỗ trợ các hãng hàng không diễn ra vào ngày 28/9.

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhằm ứng phó với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực lên nền kinh tế.

Đối với các hãng hàng không, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ chung cho doanh nghiệp, NHNN đã tổ chức họp và kịp thời có nhiều văn bản trả lời kiến nghị của Hiệp hội Hàng không, các hãng hàng không.

Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA), NHNN đã ban hành Thông tư 04/2021/TT-NHNN, theo đó tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0%, không có tài sản bảo đảm cho TCTD cho vay VNA. Đến nay, NHNN đã ban hành Quyết định tái cấp vốn và giải ngân tái cấp vốn cho TCTD sau khi TCTD cho VNA vay vốn theo Nghị quyết của Chính phủ.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, hiện nay, dư nợ tín dụng của các hãng hàng không tại các TCTD vào khoảng hơn 24.000 tỷ đồng, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là hơn 2.500 tỷ đồng. Các TCTD đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1%/năm, số tiền lãi được giảm khoảng 130 tỷ đồng, doanh số cho vay mới từ khi xảy ra dịch COVID-19 tới nay là 41.648 tỷ đồng.

Riêng đối với VNA, các TCTD (SeABank, MSB, SHB) đã thực hiện giải ngân cho VNA theo gói tín dụng 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN theo Nghị quyết của Chính phủ.

Tại Nghị quyết 105/NQ-CP, Chính phủ đã giao NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có thẩm quyền liên quan xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định các cơ chế về hỗ trợ tín dụng, giúp các hãng hàng không giải quyết thanh khoản, đảm bảo nguồn lực để duy trì và phát triển.

Cuộc họp đã ghi nhận nhiều ý kiến, trao đổi thẳng thắn cũng như kiến nghị từ phía các hãng hàng không, ngân hàng, đại diện bộ, ngành liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không một cách thiết thực, nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Dưới góc độ là hãng hàng không lớn nhất Việt Nam, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho rằng, không có một hãng hàng không nào có thể vượt qua được khó khăn nếu thiếu đi 4 nhóm hỗ trợ: Từ Nhà nước, các cổ đông, các đối tác và từ chính bản thân sự nỗ lực của từng doanh nghiệp hàng không. Việc sử dụng tổng hợp 4 nhóm giải pháp này một cách hiệu quả sẽ hỗ trợ cho các hãng hàng không có thể vượt qua khó khăn, cất cánh trở lại. Trong đó, ông Hiền nhấn mạnh vai trò của các ngân hàng cũng là nhóm đối tác đã có sự chia sẻ, hỗ trợ rất nhiều cho các hãng hàng không nói chung và VNA nói riêng trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cũng cho hay, trên thực tế dư nợ trực tiếp cho vay đối với các doanh nghiệp hàng không có thể không quá lớn, song với những doanh nghiệp không phải hàng không nhưng lại nằm trong hệ sinh thái liên quan thì được ngân hàng hỗ trợ khá nhiều. Điều này cũng giúp các hãng hàng không bớt đi phần nào gánh nặng về chi phí.

Thêm nữa, theo ông Tùng, hiện mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đối với các doanh nghiệp hàng không đang ở mức khá thấp.

0505-hang-khong
Các hãng hàng không đang trải qua vô vàn khó khăn do đại dịch COVID-19 mang tới

Cũng tại cuộc họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có những trao đổi và thống nhất sẽ khẩn trương trong việc phối hợp với NHNN và các đơn vị liên quan để đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả nhất nhằm gỡ khó cho các doanh nghiệp hàng không.

Lắng nghe ý kiến từ các đại biểu, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, NHNN sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế bằng nhiều giải pháp. Theo đó, tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, khoản lãi đến hạn, miễn, giảm lãi, phí cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp hàng không. Phó Thống đốc khẳng định, NHNN sẽ chủ động và sẵn sàng thực hiện các giải pháp thuộc thẩm quyền của NHNN để tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không.

Đối với việc triển khai Thông tư 14, Phó Thống đốc cho hay, nếu quá trình triển khai có khó khăn và nhận thấy cần thiết phải có chính sách dài hơn thì sẽ có điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và đảm bảo an toàn hệ thống. NHNN sẽ có những giải pháp phù hợp để đảm bảo thanh khoản cho các TCTD, trên cơ sở đó tạo nguồn lực cho các doanh nghiệp vay vốn; chú trọng triển khai có hiệu quả chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

NHNN cũng sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến lãi suất của thị trường và chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, cân đối, xem xét tiếp tục hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đối với các NHTM, Phó Thống đốc đề nghị coi việc cho vay hàng không là một trong những lĩnh vực đặc biệt quan trọng. Coi việc tập trung tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tín dụng từ nay tới cuối năm. Đồng thời, các NHTM tiếp tục cơ cấu lại nợ theo tinh thần tích cực nhất, sử dụng tối đa thời gian được quy định trong Thông tư 14 cho tất cả khoản vay.

Như đã nói, nếu tới 30/6/2022 còn những khó khăn do khách quan và cần thiết có hỗ trợ thì sẽ xem xét để có điều chỉnh phù hợp. NHTM chủ động và có sự mạnh dạn nhất định trong việc cố gắng giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp hàng không.

Phó Thống đốc cũng lưu ý NHTM cân nhắc duy trì hạn mức cho vay hiện nay đối với các doanh nghiệp hàng không nếu thấy là cần thiết cho việc duy trì ổn định của các doanh nghiệp này. NHNN sẽ xem xét, điều chỉnh nới room tăng trưởng tín dụng của các TCTD trên cơ sở các TCTD phải cân đối nguồn vốn, thẩm định hiệu quả của phương án vay vốn và tự chịu trách nhiệm về quyết định cấp tín dụng.

Phó Thống đốc mong muốn Hiệp hội Hàng không, doanh nghiệp hàng không chia sẻ với ngành Ngân hàng, chung tay cùng ngành Ngân hàng; NHTM chủ động đến với doanh nghiệp hàng không cùng tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Trang Nhi