Ngân hàng trông chờ nới "room" tín dụng những tháng cuối năm

Cập nhật: 17:15 | 29/07/2022 Theo dõi KTCK trên

Hàng loạt ngân hàng sớm công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm với kết quả tích cực. Song, nhiều chuyên gia cho rằng triển vọng ngân hàng nửa cuối năm sẽ phụ thuộc phần lớn vào hạn mức tín dụng được cấp sắp tới.

Ngân hàng chông chờ nới “room” tín dụng (Ảnh minh họa)

Ngân hàng trông chờ nới “room” tín dụng

(Ảnh minh họa)

Ngân hàng báo lợi nhuận tích cực

Theo cập nhật mới nhất, Vietcombank đã giành lại vị trí "quán quân" về lợi nhuận sau quý vừa qua. Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm nay đạt tới 14,6%, cao hơn so với mức 9,7% cùng kỳ. Đại diện Vietcombank cho biết, tín dụng hồi phục mạnh mẽ, trong khi huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tiếp tục tăng ấn tượng, giúp ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận cao.

Tại Techcombank, tăng trưởng tín dụng tốt (8,5%) và NIM duy trì ở mức cao 5,6% là động lực cho tăng trưởng lợi nhuận quý vừa qua. Cụ thể, thu nhập lãi thuần của Techcombank đạt 15,9 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt hơn 14.100 tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ.

VPBank ghi nhận lợi nhuận "khủng" với thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 31,6 nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng 37% so với cùng kỳ và đã hoàn thành được 52% kế hoạch lợi nhuận. Tăng trưởng tín dụng của riêng ngân hàng mẹ là 14,3% cùng với sự đóng góp lớn từ các phân khúc chiến lược như khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong quý II, hầu hết các hoạt động kinh doanh của ABBank đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong đó gần 976 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 32% so với cùng kỳ, chủ yếu là tăng thu nhập lãi cho vay khách hàng. Đây cũng là một trong những ngân hàng có mức tăng trưởng cho vay khách hàng cao nhất trong 6 tháng đầu năm, tăng 12,6%.

Những ngân hàng khác như VIB, VietBank, MSB cũng có tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm, đồng thời cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan. Như ngân hàng VIB lợi nhuận 6 tháng đạt hơn 5.000 tỷ, tăng 27% so với cùng kỳ trong khi VietBank (VBB) tăng 35,8%...

Kỳ vọng nới “room” tín dụng

Dù “bức tranh” lợi nhuận 6 tháng đầu năm của hầu hết ngân hàng ghi nhận khả quan, tuy nhiên chủ yếu nhờ quý I với mức tăng trưởng tín dụng cao. Bước sang quý II, tăng trưởng lợi nhuận có dấu hiệu chậm lại rõ rệt khi ngân hàng đã sử dụng gần hết room tín dụng do Ngân hàng Nhà nước cấp.

Song đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có động thái nào về việc cấp thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Nhiều chuyên gia cho rằng triển vọng ngân hàng nửa cuối năm sẽ phụ thuộc phần lớn vào hạn mức tín dụng được cấp sắp tới.

Báo cáo gần đây của Chứng khoán KB Việt Nam đánh giá triển vọng quý III của ngành ngân hàng sẽ khả quan hơn nhờ đợt nâng room tín dụng dự kiến vào trung tuần tháng 7, giúp thúc đẩy hoạt động cho vay của toàn ngành. Song, nhóm chuyên gia không kỳ vọng mức room mới sẽ tăng quá mạnh do Ngân hàng Nhà nước đang thắt chặt dòng tiền để kiểm soát lạm phát.

Đồng quan điểm, Báo cáo ngành Ngân hàng 6 tháng cuối năm 2022 của Chứng khoán SSI cho rằng hạn mức được cấp thêm có thể chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện các ngân hàng phải hạn chế giải ngân cho các phân khúc rủi ro. Bên cạnh đó, mức lợi nhuận tuyệt đối của các ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2022 có thể sẽ thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, mức tăng trưởng so với cùng kỳ vẫn rất hấp dẫn do mức lợi nhuận tương đối thấp trong 6 tháng cuối năm 2021.

Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 30/6, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,42 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%). Như vậy, nửa đầu năm nay, các ngân hàng đã sử dụng hết 2/3 chỉ tiêu tín dụng cả năm. Thậm chí, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã sử dụng hết room tín dụng cả năm.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng Giám đốc ABBank, nửa đầu năm nay, ngân hàng này đã dùng hết hơn 99% room tín dụng cả năm. Trong khi đó, lãnh đạo Agribank cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đã lên tới 6%, trong khi room tín dụng cả năm chỉ được Ngân hàng Nhà nước cấp cho 7%. Hiện, ABBank và nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã có công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng để có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, định hướng mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14%, không nới mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung cả năm.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo, từ nay tới cuối năm, các tổ chức tín dụng cần chọn lọc, thẩm định, cho vay các dự án hiệu quả, có khả năng trả nợ, đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế; đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao để đảm bảo an toàn hệ thống.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Gửi tiền vào ngân hàng nào hưởng lãi suất cao nhất?

Khảo sát tại hơn 30 ngân hàng thương mại những ngày cuối tháng 7 cho thấy những mức lãi suất huy động vốn hấp dẫn, ...

Lợi nhuận Ngân hàng Quân đội (MB) tăng kỷ lục lên 12.000 tỷ đồng

Lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tăng gấp rưỡi, lên mức kỷ lục 12.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022. ...

6 tháng đầu năm, doanh số cho vay của Agribank đạt trên 1 triệu tỷ đồng

Ngày 28/7, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 ...

Thu Thủy