Lạm phát và góc nhìn tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Cập nhật: 10:15 | 30/08/2020 Theo dõi KTCK trên

Hiện sau 8 tháng năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng CPI (chỉ số được lấy để tính lạm phát) đã về dưới ngưỡng 4%. Theo đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam trong năm nay đang được thực hiện tốt.

0810-lamphat
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 8 đạt 0,07% - tăng so với tháng trước chủ yếu do ảnh hưởng của cơn bão số 2 và mưa trên diện rộng làm giá rau tăng.

Bên cạnh đó, việc giá gạo trong nước tăng do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thuận lợi, đạt ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây, cũng ảnh hưởng tới mức tăng chung của CPI.

Việc giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ cũng có tác động tới CPI của cả nước.

Số liệu thống kê cho thấy, có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng trong đó nhóm giáo dục tăng nhiều nhất với 0,18%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống xếp vị trí tiếp theo với mức tăng 0,11% trong đó, lương thực tăng 0,6%; thực phẩm tăng 0,08%.

Nhóm giao thông tăng 0,1% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 28/7/2020 và điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 12/8/2020, làm chỉ số giá xăng, dầu tăng 0,41%.

Có cùng mức tăng 0,1% là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng. Nhóm hàng này tăng giá chủ yếu chủ yếu do giá điện, nước sinh hoạt tăng lần lượt là 0,39% và 0,48%, và do giá dầu hỏa tăng 1,93%, giá gas tăng 0,55%.

Ngoài ra, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,05%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,2%.

Trong khi đó, do tác động của dịch COVID-19, nhu cầu du lịch của người dân giảm mạnh nên nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,2%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 8/2020 giảm 0,01% so với tháng trước và tăng 2,16% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 2,66% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

1009-cip
Giới phân tích nhận định, chỉ số CPI sẽ giảm trong giai đoạn cuối năm 2020

Số liệu thống kê cho thấy, trong giai đoạn từ 2016 trở lại đây, tốc độ tăng CPI tháng 8 so với tháng trước lần lượt là 0,1%; 0,92%; 0,45%; 0,28% và 0,07%.

Với mức tăng thấp của tháng 8/2020, bình quân 8 tháng, CPI chỉ còn tăng 3,96% so với cùng kỳ năm trước - đúng với dự báo của các chuyên gia kinh tế, CPI bình quân sẽ giảm dần.

Hiện sau 8 tháng, CPI bình quân đã về dưới ngưỡng 4%. Như vậy là ở thời điểm hiện tại, mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam trong năm nay đang được thực hiện tốt.

Dự báo...

Theo dự báo của các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán VNDIRECT, lạm phát sẽ giảm nhanh kể từ đầu quý IV/2020 do mức chênh lệch giữa giá thịt lợn hơi trong quý IV/2020 so với cùng kỳ sẽ thu hẹp đáng kể so với mức chênh lệch của giữa 9 tháng đầu năm 2020 và cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, VNDIRECT dự báo giá thịt lợn hơi bình quân quý IV/2020 ở mức 82.000 đồng/kg, chỉ tăng 11,6% so với quý IV/19 và thấp hơn mức giá bình quân ước tính cho 9 tháng đầu năm 2020 là 84.000 đồng/kg. Trong khi đó, mức giá bình quân của 9 tháng đầu năm 2020 cao gần gấp đôi so với mức giá bình quân trong 9 tháng đầu năm 2019. Do đó, dự báo chỉ số giá tiêu dùng của nhóm ngành lương thực và thực phẩm trong quý IV/2020 sẽ giảm mạnh so với mức 11,9% so với cùng kỳ của tháng 7.

“Chúng tôi giữ nguyên dự báo CPI bình quân năm 2020 tăng 3,2% so với cùng kỳ dựa trên các giả định chính sau: giá dầu Brent bình quân nửa cuối năm 2020 ở mức 43 – 45 USD/thùng; Chính phủ không tăng giá điện trong 6 tháng cuối năm 2020”, chuyên gia của VNDIRECT cho hay.

Sang năm 2021, VNDIRECT dự báo áp lực lạm phát sẽ vẫn ở mức thấp trong năm 2021 do giá thịt lợn hơi có thể tiếp tục giảm sau khi quy mô đàn lợn trong nước dần phục hồi về mức trước dịch tả lợn châu Phi.

“Dự báo CPI bình quân năm 2021 tăng 2,9% so với cùng kỳ, dựa trên các giả định chính sau: Giá thịt lợn hơi bình quân năm 2021 giảm 14,0% so với cùng kỳ xuống 72.000 đồng/kg; kỳ vọng giá dầu thô Brent trung bình năm 2021 ở mức 50 USD/thùng (+14,2% so với cùng kỳ); và giá điện bán lẻ có thể tăng 5 - 8% trong nửa đầu năm 2021”, các chuyên gia của VNDIRECT đưa ra giả định.

0855-luu
Dự báo của VNDIRECT

Cùng với dự báo về tăng trưởng CPI, các chuyên gia của VNDIRECT cũng rằng, năm 2021, kỳ vọng nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát và đẩy lùi nhờ vắc-xin.

Hiện nay, có rất nhiều loại vắc-xin đang được phát triển trên thế giới và dự kiến sản xuất thương mại từ đầu năm 2021.

“Chúng tôi kỳ vọng rằng việc tiêm chủng vắc-xin sẽ giúp đẩy lùi COVID-19 trên toàn cầu, từ đó tạo ra tiền đề cho sự phục hồi của nền kinh tế thế giới từ năm tới”, chuyên gia VNDIRECT cho hay.

Cụ thể, sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu, sẽ giúp hàn gắn lại chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã bị phá hủy một phần do tác động của COVID-19 cũng như giúp gia tăng nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc nối lại các chuyến bay quốc tế với mục đích thương mại sẽ thúc đẩy sự hồi phục của ngành du lịch, một trong hai động lực tăng trưởng chính của ngành dịch vụ Việt Nam trong năm 2021, bên cạnh sự phục hồi của tiêu dùng nội địa.

Cũng theo các chuyên gia này, tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tăng mạnh trong năm 2021. Động lực sẽ đến từ việc Chính phủ tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh áp lực lạm phát thấp trong năm tới; và vốn đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phục hồi trong năm 2021 nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi hơn sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát.

“Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 tăng 7,1% so với cùng kỳ, trong đó ngành nông, lâm, thủy sản tăng 3,1% so với cùng kỳ, ngành công nghiệp và xây dựng tăng 8,9% so với cùng kỳ và ngành dịch vụ tăng 7,1% so với cùng kỳ”, chuyên gia VNDIRECT dự báo.

VDSC: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 sẽ quanh ngưỡng 2%

Việt Nam và các nền kinh tế mới nổi đang đối mặt với việc bị gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, đơn đặt hàng ...

Vì sao NHNN giảm lãi suất dự trữ bắt buộc?

Việc giảm lãi suất cho tiền gửi dự trữ bắt buộc không giống như việc cắt giảm các loại lãi suất điều hành khác như ...

Kịch bản lạm phát năm 2020 nhìn từ diễn biến giá thịt lợn

Việc kiểm soát lạm phát dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra là có thể thực hiện được. Tuy nhiên công tác điều ...

Quốc Trung

Tin cũ hơn
Xem thêm