Lạm phát tăng cao, triển vọng nào cho ngành dệt may?

Cập nhật: 11:05 | 17/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Tại “Talkshow chọn danh mục - kỳ 8: Dấu hỏi lạm phát” do Báo Đầu Tư tổ chức, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) chia sẻ sau đại dịch, giá cả hàng hóa tăng, lạm phát tăng ảnh hưởng không nhỏ đến ngành dệt may.

Nhiều tín hiệu khởi sắc

Trong kỳ, thị trường dệt may Việt Nam đang được hưởng lợi từ các biến động địa chính trị trên thế giới, ví dụ như chính sách Zero - Covid của Trung Quốc.

Dệt may Thành Công (HoSE: TCM) đã ghi nhận doanh thu 4 tháng đầu năm đạt 64,3 triệu USD (1.487 tỷ đồng), tăng 19%; lợi nhuận sau thuế 3,8 triệu USD, tăng 14%. Sản phẩm của Dệt may Thành Công chủ yếu xuất khẩu sang châu Mỹ với tỷ trọng 50% (Mỹ 33,3% và Canada 16,7%), tiếp đến châu Á đạt 43,8% (chủ yếu Hàn Quốc và Nhật Bản).

Tại đại hội cổ đông thường niên năm nay, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Dệt may Thành Công cho biết cơ hội cho dệt may Việt Nam nói chung là hiện Trung Quốc đang tập trung ưu tiên các sản phẩm cao cấp, nên các sản phẩm thấp hơn được sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Sri Lanka bị vỡ nợ nên những đơn hàng sẽ được chuyển sang Việt Nam. Thành Công đã có đơn hàng đến hết quý III năm nay. Tình hình đơn hàng ổn định do các thị trường phục hồi.

0416-det-may
Ảnh minh

Trong tháng 4, một doanh nghiệp dệt may khác cũng có kết quả khả quan là Dệt may TNG (HNX: TNG). Cụ thể, công ty này đã ghi nhận doanh thu 1.815 tỷ đồng, tăng 42,4% và lãi sau thuế 56 tỷ đồng, tăng 65,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I, các doanh nghiệp ngành dệt may khác cũng ghi nhận những kết quả tích cực.

Ông lớn trong ngành là Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) công bố BCTC hợp nhất quý I với doanh thu thuần 4.900 tỷ đồng, tăng 45%. Công ty cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ gần 200 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước.

Ban Tổng giám đốc Vinatex lý giải trong quý, nhờ tận dụng được các lợi thế của thị trường từ cuối năm trước, các đơn vị sợi trong tập đoàn đã có được đơn hàng với giá bán tốt. Đồng thời, dự báo được sự tăng cao của giá bông, các đơn vị đã đưa ra những chính sách như dự trữ được lượng bông lớn giá thành rẻ, từ đó thu được kết quả tích cực. Ngoài ra, đầu năm, các đơn vị may trong tập đoàn cũng mang lại những kết quả rất tích cực khi dịch bệnh được kiểm soát, các đơn vị may đã ổn định lao động, ổn định sản xuất với đơn hàng gia tăng.

Tại báo cáo thường niên 2021, HĐQT nhận định hầu hết các quốc gia đều mở cửa trở lại bất chấp dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn (trừ Trung Quốc) giúp chuỗi sản xuất và thương mại dệt may gần như trở lại trạng thái bình thường trước dịch với các đơn hàng sản xuất dài hạn hơn. Dệt may Việt Nam tiếp tục có cơ hội mở rộng thị trường với các FTA trong đó RCEP bắt đầu có hiệu lực từ 1/1. Ngành dệt may Trung Quốc đang hướng đến sản xuất bền vững, phát triển chiều sâu hơn là mở rộng sản xuất. Vì vậy, nước này sẽ dịch chuyển sản xuất hoặc tăng cường nhập khẩu nguồn nguyên liệu thô như sợi và giảm sản xuất các mặt hàng dệt may ít giá trị gia tăng tạo cơ hội cho dệt may Việt Nam. Đồng thời, dệt may Việt Nam vẫn có cơ hội trở thành điểm cung ứng dệt may thay thế khi người mua dịch chuyển đơn hàng khỏi Trung Quốc do xung đột thương mại Mỹ - Trung.

Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) cũng công bố kết quả kinh doanh quý I với doanh thu 640 tỷ đồng, tăng 13%; lợi nhuận sau thuế 76,3 tỷ đồng, tăng 9%. Công ty đã đẩy mạnh hoạt động nhận đơn hàng, sản xuất đơn hàng theo yêu cầu, đẩy mạnh bán hàng tồn kho và linh hoạt trong chính sách giá bán trong quý vừa qua.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm nay, ông Đặng Triệu Hòa, Phó Chủ tịch Sợi Thế Kỷ cũng có những giá tình hình hiện nay giống như Vinatex. Chính sách Zero - Covid của Trung Quốc là một lợi thế lớn cho Việt Nam. Một số khách hàng quốc tế sẽ tìm đến Việt Nam hoặc các thị trường ở Đông Nam Á khác để tìm nguồn cung thay thế vì họ không biết chắc tình hình phong tỏa ở Trung Quốc sẽ diễn biến ra sao trong thời gian tới.

Các công ty trong ngành còn lại là May 10 (UPCoM: M10), Dệt may Hà Nội (UPCoM: HSM), Dệt may Hòa Thọ (UPCoM: HTG) và May mặc Bình Dương (UPCoM: BDG) đều ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh, có thể tính bằng lần với các mức lần lượt là 21,2%, 196% , 246% và 207,8%.

Trong các công ty được thống kê, duy chỉ có May Sông Hồng (HoSE: MSH) có mức lợi nhuận giảm khoảng 11% còn 82 tỷ đồng. Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch May Sông Hồng cho biết chi phí tăng cao của nhiều nguyên liệu đã ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh những tháng đầu năm

Ngành dệt may trước bối cảnh lạm phát tăng cao

Chi phí đầu vào tăng và chi phí đầu ra bên phía nhập hàng cũng đang bị lạm phát giá cả nên rất ảnh hưởng, đặc biệt những doanh nghiệp vừa và nhỏ ít sức chịu đựng. Thậm chí những doanh nghiệp lớn có tích luỹ và có năng suất lao động tốt mặc dù kéo bù lại nhưng chung quy cũng vẫn bị ảnh hưởng giảm.

Khi Mỹ và EU tăng lãi suất, ngành dệt may nói chung là chịu ảnh hưởng giảm nhưng không đồng đều giữa các doanh nghiệp. Thực tế đơn hàng sẽ tập trung vào các doanh nghiệp lớn, uy tín còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì sẽ bị giảm.

“Những doanh nghiệp lớn có uy tín rồi vẫn tiếp tục cải tiến và điều chỉnh giảm giá xuống cho khác hàng. Khi điều chỉnh giảm xuống sẽ tính đến biên lợi nhuận nên tôi cho rằng những đơn vị lớn sẽ ổn”, ông Thời đánh giá.

Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, đối với xuất khẩu các ngành như thủy sản, dệt may có mức tăng trưởng khá tốt. Tuy nhiên kết quả kinh doanh của hai nhóm này sẽ có sự phân hóa. Những ngành không phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu của Trung Quốc hoặc tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc không quá lớn, các doanh nghiệp này có thể tìm kiếm và bù đắp sang các thị trường khác sẽ có kết quả kinh doanh tích cực.

Đối với dệt may, nhóm này có sự tăng trưởng tuy nhiên, không thấy sự co dãn về cầu ở nhóm dệt may cao hơn thủy sản và nguồn nguyên liệu vẫn phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc nên chính sách của Trung Quốc cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến các doanh nghiệp dệt may và biên lợi nhuận của ngành khó có thể tốt như ngành thủy sản. Trong xu hướng chung như vậy, doanh nghiệp nào kiểm soát tốt chi phí có thể có tiềm năng tăng trưởng vượt bậc tốt hơn so với ngành.

Thời gian vừa qua, nhóm cổ phiếu dệt may có diễn biến không tích cực cũng bởi quan ngại như trên. Vì thế nếu có doanh nghiệp nào đi ngược xu hướng chung của ngành sẽ có triển vọng tăng trưởng về giá tốt trong thời gian tới.

Bà Lam cho biết thêm, việc Mỹ và EU tăng lãi suất là kết quả của việc lạm phát tăng rất mạnh và nhanh so với kỳ vọng từ đầu năm của giới phân tích. Cho nên cần quan tâm đến việc giá cả của các mặt hàng như dệt may, thủy sản tăng có thể dẫn đến chi tiêu giảm ở các mặt hàng này hay không.

Thống kê của VDSC cho thấy lạm phát trong tháng 5 của Mỹ ở nhóm thủy sản tăng 14% và may mặc tăng 5% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy tăng giá ở nhóm thủy sản cao hơn nhóm may mặc. Ngoài ra vấn đề giảm sức mua còn phụ thuộc vào độ co dãn của cầu theo giá và tỷ trọng chi tiêu của 2 nhóm này trong rổ hàng hóa tiêu dùng của Mỹ. Tỷ trọng của nhóm nhóm dệt may ở khoảng 2.5% và nhóm thủy sản cũng tương đương như vậy. Tuy nhiên, độ co dãn cầu ở nhóm thủy sản không bằng nhóm dệt may, nên việc cắt giảm chi tiêu ở nhóm dệt may có thể nhiều hơn.

Bà Lam cũng cho biết thêm, số tồn kho của các nhà máy tại Mỹ đang ở mức cao, có thể đơn hàng của Mỹ sẽ giảm trong thời gian tới và tăng trưởng xuất khẩu ở 2 nhóm này, đặc biệt ở nhóm thủy sản sẽ không được cao trong thời gian tới, nhưng không ở mức quá nguy hiểm để gọi là cảnh báo. Tuy nhiên, nếu kịch bản suy thoái kinh tế xảy ra, nhóm dệt may sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn nhóm thủy sản. Tuy nhiên, nếu lạm phát được kiểm soát và sức mua của người tiêu dùng tăng lên thì nhóm dệt may sẽ được phục hồi tốt hơn nhóm thủy sản.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Xuất khẩu “bùng nổ”, nhiều doanh nghiệp dệt may kín đơn hàng

Sau hai năm dồn nén bởi đại dịch COVID-19, nhu cầu tiêu thụ hàng may mặc tăng bật trở lại, giúp các doanh nghiệp xuất ...

Ngành dệt may có thể phục hồi mạnh tại EU và Mỹ trong năm 2022?

Theo Tổng cục Hải quan, trong quý I/2022, dệt may là nhóm hàng có đóng góp nhiều nhất tới 1,4 tỷ USD vào tăng xuất ...

Thị trường “lao dốc”, cổ phiếu nhóm dệt may vẫn nổi sóng

Cổ phiếu nhóm dệt may tăng mạnh trong bối cảnh diễn biến ngành có nhiều điểm thuận lợi. Theo Tổng cục thống kê, kim ngạch ...

Đức Chiến

Tin cũ hơn
Xem thêm