Khủng hoảng năng lượng toàn cầu, EU kêu gọi hỗ trợ người tiêu dùng

Cập nhật: 11:45 | 07/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Ngày 6/10, Ủy ban châu Âu (EC) đã hối thúc các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) giải ngân các quỹ hỗ trợ dành cho những người tiêu dùng chịu ảnh hưởng do việc tăng giá khí đốt và điện tại châu Âu.

Giá gas hôm nay 4/10/2021: Giá khí đốt tiếp tục tăng trong phiên giao dịch đầu tuần

Việt Nam tăng cường nhập khẩu nhiên liệu dầu thế giới

Bộ Công Thương đề xuất nới lỏng danh mục hàng hóa thiết yếu

EU kêu gọi hỗ trợ người tiêu dùng trong khủng hoảng năng lượng châu Âu

Ủy viên EC phụ trách năng lượng, bà Kadri Simson tuyên bố EU cần "hỗ trợ có mục đích" các công dân và các doanh nghiệp nhỏ của trong EU là những đối tượng phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Phát biểu trước Nghị viện châu Âu cùng ngày, bà Simson tuyên bố "các khoản chi trả trực tiếp cho những người đang gặp nguy cơ cao nhất do thiếu năng lượng, cắt giảm các loại thuế năng lượng, điều chỉnh các loại thuế chung là các biện pháp cần được triển khai ngay lập tức theo đúng các quy định của EU".

Bà Simson cho rằng chính sách ưu tiên ngay lập tức này có thể giúp giảm nhẹ những tác động xã hội và bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương, qua đó bảo đảm việc thiếu năng lượng sẽ không khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn.

1911-khunghoangnangluong
Ảnh minh họa

Các doanh nghiệp nhỏ cũng sẽ nhận được hỗ trợ từ nguồn viện trợ quốc gia hoặc được các chính phủ thành viên EU tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các thỏa thuận mang tính dài hạn về tăng sức mua.

Mới đây nhất, Pháp và Tây Ban Nha đã kêu gọi thay đổi các quy định về quản lý các thị trường năng lượng của EU do hóa đơn thanh toán chi phí dành cho năng lượng của người tiêu dùng tại hai nước này đã tăng chóng mặt.

Tình trạng tăng giá năng lượng cũng gây ra áp lực lớn cho nhiều công dân tại EU vốn đã phải chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Hiện 27 quốc gia thành viên EU vẫn phải nhập khẩu khoảng 90% lượng khí tự nhiên phục vụ nhu cầu về năng lượng.

Giá khí đốt tăng chóng mặt, tương đương cú sốc 190 USD/thùng dầu thô

Tại châu Âu lẫn châu Á, giá khí đốt tự nhiên dùng để sưởi ấm và phát điện đều đạt được những kỷ lục mới trong tuần này khi mà doanh nghiệp ồ ạt bổ sung nguồn hàng tồn kho trước mùa đông năm nay. Các mặt hàng thay thế cho khí đốt như than đá cũng đang khan hàng.

Theo ghi nhận của Bloomberg, giá khí đốt giao ngay trong tháng của Hà Lan đã chạm mốc 100 euro/MWh vào đầu phiên giao dịch ngày 1/10, mức cao nhất từ trước đến nay của hợp đồng khí đốt này.

So với dầu thô, mức giá trên tương đương khoảng 190 USD/thùng, hơn gấp hai lần giá trị một thùng dầu Brent trong cùng phiên. Giá dầu Brent chạm mức đỉnh lịch sử vào tháng 7/2008, khoảng 147,5 USD/thùng.

Trong phiên ngày 30/9, chỉ số giá khí đốt Nhật Bản - Hàn Quốc, giá tham chiếu cho các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng giao ngay tại Bắc Á, đã tăng lên 34,47 USD/mmBTU. Đây là mức cao nhất trong số những kỷ lục mà loại khí đốt này đạt được từ năm 2009, theo S&P Global Platts.

Quy đổi chỉ số giá khí đốt Nhật Bản - Hàn Quốc thành đơn vị dầu thô, mức giá trên cũng tương đương khoảng 190 USD/thùng dầu, Bloomberg cho hay.

Hiện tại, giá nhiều mặt hàng năng lượng đang đồng loạt tăng cao từ Mỹ sang châu Âu và châu Á trong bối cảnh các nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, trong khi nguồn cung thiếu trước hụt sau.

Ngoài ra, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng thiếu điện nghiêm trọng bậc nhất trong lịch sử.

Giới chức cấp cao tại Bắc Kinh đã ra lệnh cho các công ty nhà nước thu gom năng lượng bằng mọi giá để chấm dứt cuộc khủng hoảng. Chỉ thị của Bắc Kinh có thể là một động lực để các thương nhân Trung Quốc ra sức tích trữ nguồn cung khí đốt và than đá trên thị trường.

Thanh Hằng

Tin cũ hơn
Xem thêm