Việt Nam tăng cường nhập khẩu nhiên liệu dầu thế giới

Cập nhật: 10:18 | 04/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Những đợt gián đoạn sản xuất khí đốt tự nhiên ở Nga và Na Uy, cũng như ảnh hưởng từ siêu bão Ida khiến nguồn cung khí đốt của thế giới thiếu hụt, đẩy giá khí tăng đột biến.

Bảng giá xe Exciter 150 mới nhất tháng 10/2021 tại đại lý Yamaha

Xuất khẩu cá tra của Việt Nam có thể thiếu nguồn cung cho đến quý II/2022

Giá xăng dầu hôm nay 4/10/2021: Biến động trái chiều

Giá khí đốt tự nhiên có xu hướng tăng chóng mặt ở thị trường châu Âu rồi lan sang thị trường Mỹ, châu Á, khiến cuộc khủng hoảng thiếu năng lượng ngày càng nghiêm trọng.

Cuối tháng 9, giá khí đốt của Mỹ tăng hơn 180% so với 12 tháng trước, lên mức 5,9 USD/MMBtu, cao nhất kể từ tháng 2/2014.

Một cuộc chiến tranh giành các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng đang diễn ra. Các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, cũng đang cố gắng gom thật nhiều khí đốt để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong mùa đông.

2159-khidot
Ảnh minh họa

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu khí đốt hóa lỏng trong tháng 8 đạt gần 250 nghìn tấn, giá trị 173 triệu USD, tăng 18% về lượng và tăng 25% về giá trị so với tháng 7.

Lũy kế 8 tháng đầu năm, nhập khẩu khí đốt hóa lỏng đạt 1,2 triệu tấn, trị giá 795 triệu USD, tăng 8% về lượng, tăng 49% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.

Giá nhập khẩu khí đốt hóa lỏng trong tháng 8 đạt 696 USD/tấn, tăng 20% so với tháng 1. Tính chung 8 tháng đầu năm, giá khí đốt nhập khẩu đạt trung bình 609 USD/tấn, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc, UAE và Kuwait là 3 thị trường xuất khẩu khí đốt chính cho Việt Nam. Sản lượng từ Kuwait đạt 114 nghìn tấn, tương đương 70 triệu USD, tăng 2.046 lần về lượng, tăng 1.809 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, song chỉ chiếm 9% tổng kim ngạch nhập khẩu khí đốt hóa lỏng của cả nước.

Nhập khẩu từ Trung Quốc, thị trường lớn nhất trong 8 tháng đầu năm, đạt hơn 253 nghìn tấn, tương đương 163 triệu USD, giảm 4% về lượng, tăng 24% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, chiếm gần 21% tổng kim ngạch nhập khẩu khí đốt hóa lỏng của cả nước.

Nhập khẩu khí đốt từ UAE đạt 134 nghìn tấn, tương đương 87 triệu USD, giảm 29% về lượng, tăng 12% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, chiếm 11% tổng kim ngạch nhập khẩu khí đốt hóa lỏng của cả nước.

Giá khí đốt tăng chóng mặt, tương đương cú sốc 190 USD/thùng dầu thô

Tại châu Âu lẫn châu Á, giá khí đốt tự nhiên dùng để sưởi ấm và phát điện đều đạt được những kỷ lục mới trong tuần này khi mà doanh nghiệp ồ ạt bổ sung nguồn hàng tồn kho trước mùa đông năm nay. Các mặt hàng thay thế cho khí đốt như than đá cũng đang khan hàng.

Theo ghi nhận của Bloomberg, giá khí đốt giao ngay trong tháng của Hà Lan đã chạm mốc 100 euro/MWh vào đầu phiên giao dịch ngày 1/10, mức cao nhất từ trước đến nay của hợp đồng khí đốt này.

So với dầu thô, mức giá trên tương đương khoảng 190 USD/thùng, hơn gấp hai lần giá trị một thùng dầu Brent trong cùng phiên. Giá dầu Brent chạm mức đỉnh lịch sử vào tháng 7/2008, khoảng 147,5 USD/thùng.

Trong phiên ngày 30/9, chỉ số giá khí đốt Nhật Bản - Hàn Quốc, giá tham chiếu cho các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng giao ngay tại Bắc Á, đã tăng lên 34,47 USD/mmBTU. Đây là mức cao nhất trong số những kỷ lục mà loại khí đốt này đạt được từ năm 2009, theo S&P Global Platts.

Quy đổi chỉ số giá khí đốt Nhật Bản - Hàn Quốc thành đơn vị dầu thô, mức giá trên cũng tương đương khoảng 190 USD/thùng dầu, Bloomberg cho hay.

Hiện tại, giá nhiều mặt hàng năng lượng đang đồng loạt tăng cao từ Mỹ sang châu Âu và châu Á trong bối cảnh các nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, trong khi nguồn cung thiếu trước hụt sau.

Hơn nữa, các kho dự trữ năng lượng đã trở nên cạn kiệt sau mùa đông lạnh lẽo và kéo dài hơn bình thường hồi năm ngoái. Điều này, kết hợp cùng với xu hướng thắt chặt đầu tư cho các dự án khai thác mới và chi phí bảo trì hệ thống quá cao, đã trở thành những chất xúc tác hoàn hảo cho một cú sốc năng lượng toàn cầu.

Ngoài ra, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng thiếu điện nghiêm trọng bậc nhất trong lịch sử.

Giới chức cấp cao tại Bắc Kinh đã ra lệnh cho các công ty nhà nước thu gom năng lượng bằng mọi giá để chấm dứt cuộc khủng hoảng. Chỉ thị của Bắc Kinh có thể là một động lực để các thương nhân Trung Quốc ra sức tích trữ nguồn cung khí đốt và than đá trên thị trường.

Thu Uyên (Tổng hợp)