Kênh mua sắm tiện lợi tiếp tục chiếm ưu thế

Cập nhật: 11:21 | 03/06/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN – Siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn là xu hướng mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, sự tăng lên nhanh chóng của kênh bán lẻ này, các doanh nghiệp giành nhau vị trí dẫn đầu thị trường làm cho cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt.  

kenh mua sam tien loi tiep tuc chiem uu the

Auchan rút khỏi Việt Nam, bài học từ kinh doanh bán lẻ

kenh mua sam tien loi tiep tuc chiem uu the

Ra mắt siêu thị ảo VinMart 4.0, Vingroup đặt doanh thu 140.000 tỷ năm 2019

kenh mua sam tien loi tiep tuc chiem uu the

Siêu thị Auchan giảm giá để đóng cửa và ý thức của người tiêu dùng Việt

Nhu cầu ngày càng cao dành cho các dịch vụ “lấy và đi”

Theo nghiên cứu mới nhất của Nielsen, nhu cầu của người tiêu dùng trên khắp khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đối với các kênh mua sắm tiện lợi đang đạt mức tăng trưởng kỷ lục, vượt tốc độ tăng trưởng của tất cả các kênh bán lẻ khác.

Theo nghiên cứu mới nhất của Nielsen, nhu cầu của người tiêu dùng trên khắp khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đối với các kênh mua sắm tiện lợi đang đạt mức tăng trưởng kỷ lục, vượt tốc độ tăng trưởng của tất cả các kênh bán lẻ khác.

kenh mua sam tien loi tiep tuc chiem uu the
Kênh mua sắm tiện lợi tiếp tục chiếm ưu thế, các nhà bán lẻ cạnh tranh khốc liệt

Cụ thể, doanh số của ngành tiêu dùng nhanh (FMCG) tại các cửa hàng tiện lợi tăng trưởng đạt mức 8,3% trong năm qua. Malaysia tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực (tăng 17%), tiếp theo là Việt Nam (tăng 13%), Philippines (tăng 10%), Indonesia (tăng 8%) và Thái Lan (tăng 7%). Số lượng cửa hàng dạng nhỏ cũng tăng trưởng theo cấp số nhân trong những năm gần đây - có gần 73.000 cửa hàng tiện lợi trên toàn khu vực vào năm 2018 và con số này đang tăng 10% mỗi năm; số lượng cửa hàng mini (mini-mart) ở khu vực là gần 50.000 cửa hàng, tăng trưởng 4,7% hàng năm. Riêng tại thị trường bán lẻ Việt Nam, hiện đang diễn ra xu hướng mua sắm thường xuyên, nhiều lần để đáp ứng nhu cầu hàng ngày. Điều này góp phần vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của các cửa hàng với hơn 1.800 cửa hàng mini toàn quốc (tăng 45,5% so với năm 2017).

Ông Vaughan Ryan, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Nielsen cho biết, nhịp sống của người tiêu dùng trên toàn khu vực ngày càng nhanh, và sự thay đổi này dẫn đến nhu cầu ngày càng cao dành cho các dịch vụ “lấy và đi”, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng của các kênh cửa hàng tiện lợi và cửa hàng mini. Đáng chú ý, 2 kênh này đóng vai trò khác nhau trong đời sống người tiêu dùng.

Các cửa hàng tiện lợi đã chuyển từ việc đơn thuần cung cấp các sản phẩm mang tính tùy hứng như đồ ăn nhẹ, đồ uống và thuốc lá, sang việc cạnh tranh với các nhà hàng thức ăn nhanh bằng cách mở rộng mặt hàng thực phẩm và thức ăn làm sẵn, cũng như thêm vào các dịch vụ và sản phẩm giúp cuộc sống người tiêu dùng dễ dàng hơn. Cửa hàng mini đang cung cấp sự tiện lợi trong việc mua sắm hàng ngày gần nhà, do người tiêu dùng có rất ít thời gian để mua sắm tại các cửa hàng quy mô lớn hơn, đặc biệt ở các thành phố đông đúc.

Các chuyên gia nhận định, triển vọng kinh tế khá tươi sáng ở Việt Nam dẫn đến nhu cầu mua sắm, tiêu dùng gia tăng nhanh chóng đang thu hút sự chú ý ngày càng lớn từ các công ty toàn cầu cũng như các công ty trong khu vực trong việc tìm kiếm cơ hội phát triển thị trường. Tuy nhiên, cơ hội đó khó có thể nắm bắt được nếu các công ty không tìm hiểu kỹ nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng tại nước sở tại.

Với sự phát triển mạnh mẽ của internet và cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với các thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ khác nhau, người tiêu dùng đang trở nên thông minh hơn trong các quyết định mua hàng của mình. Đưa ra các dịch vụ phù hợp với thị hiếu và hành vi mua sắm của người tiêu dùng địa phương là điều quan trọng để các công ty có thể thành công.

Lý giải việc người tiêu dùng Việt đang dần lựa chọn cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini thay cho chợ truyền thống, ông Gaurang Kotak, trưởng bộ phận nghiên cứu hành vi người tiêu dùng của Nielsen Việt Nam, nhận định rằng khách hàng sống tại các thành phố lớn ngày càng có ít thời gian hơn khi đối mặt với kẹt xe, nơi làm việc xa chỗ ở và buộc phải chọn những địa điểm mua sắm tiện lợi nhất.

Cạnh tranh khốc liệt

Các doanh nghiệp bán lẻ giành nhau vị trí dẫn đầu thị trường nên cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Vừa qua, siêu thị Auchan (Pháp) tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam. Cùng với đó là hành động quyết liệt "sale off" để đóng cửa 15/18 siêu thị từ ngày 2/6 dù đang trong quá trình đàm phán nhượng lại hoạt động kinh doanh. Auchan rời đi, thị trường bán lẻ Việt Nam vắng bóng các nhà bán lẻ châu Âu.

Không chỉ các DN châu Âu mà thời gian gần đây, nhiều thương hiệu trong nước như Maximart, Citimart, Fivimart… đã biến mất khỏi thị trường qua các cuộc mua bán - sáp nhập, cho thấy mức độ đào thải khốc liệt của thị trường. Riêng với các DN ngoại, sức ép cạnh tranh không chỉ trong lãnh thổ Việt Nam mà trên toàn cầu.

Nguyên Tổng giám đốc một hệ thống siêu thị lớn cho hay việc một "đại gia" bán lẻ rất thành công tại nhiều thị trường nhưng thất bại tại một vài thị trường là hết sức bình thường. Walmart (Mỹ) nổi tiếng toàn thế giới nhưng đã phải thoái lui khỏi thị trường Hàn Quốc.

Về tổng thể, thị trường đang phát triển rất nhanh với sự gia tăng nhanh chóng của mảng bán lẻ trực tuyến. Năm 2018, doanh thu bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam lên đến 8 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng tiếp tục duy trì gấp 8-10 lần offline và đã phần nào đẩy những nhà bán lẻ chỉ có mảng offline đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu. Tuy nhiên, nếu tách riêng mảng offline thì rõ ràng sự phát triển đang gặp nhiều thách thức do phải cạnh tranh với bán lẻ trực tuyến cùng hàng loạt chi phí khác gia tăng chóng mặt.

Chi phí mặt bằng bán lẻ đang tăng quá cao, không tương xứng với lợi nhuận nhà bán lẻ kiếm được. Một nghiên cứu thị trường đã so sánh giá mặt bằng tại TP HCM cao hơn Thái Lan 20% nhưng sức mua thấp hơn Thái 15% đã tạo áp lực cho các DN bán lẻ, đặc biệt là trong bối cảnh lãi gộp cho hàng hóa trong siêu thị chỉ khoảng 5%-7%. "Không thể công bố con số chính xác nhưng chi phí mặt bằng trong tổng chi phí của DN bán lẻ đã tăng lên trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, chi phí nhân sự cũng nhích lên do cạnh tranh thu hút lao động giữa các hệ thống" - lãnh đạo một DN bán lẻ phân tích.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho rằng tình hình chung là các DN bán lẻ trên thế giới đang gặp khó khăn, trong đó bao gồm các tập đoàn lớn đang có mặt tại Việt Nam. Để giải quyết bài toán chiến lược, họ phải tái cấu trúc thị trường, tập trung vào các thị trường cốt lõi, rút vốn khỏi những thị trường không ưu tiên.

Cũng theo ông Đức, thị trường Việt Nam rất tiềm năng, những "ông lớn" đang khai thác thị trường hơn 100 triệu dân với dư địa bán lẻ hiện đại rất lớn đều muốn giành vị trí dẫn đầu nên cạnh tranh khốc liệt, mức độ đào thải dữ dội.

Tùng Linh