IPO công ty Thống Nhất: Chọn xe đạp hay "đất vàng"?

Cập nhật: 09:27 | 14/05/2016 Theo dõi KTCK trên

Giới đầu tư đang rất quan tâm tới phiên IPO cổ phần của công ty TNHH một thành viên Thống Nhất diễn ra ngày 3/6 tới đây. Dù lô cổ phần đấu giá chỉ 3 triệu đơn vị, giá trị khiêm tốn 30 tỷ đồng, song sức hấp dẫn của cổ phiếu “xe đạp” được cho là nằm ở quỹ đất rộng lớn của doanh nghiệp này.


Từng thống lĩnh thị trường xe đạp tại Việt Nam, công ty Thống Nhất có thời kỳ phát triển cực thịnh vào những năm 90. Đặc biệt, thương hiệu xe đạp Thống Nhất rất nổi tiếng, gắn với một giai đoạn lịch sử thời mở cửa của nước ta.

Tuy nhiên, trước sức ép cạnh tranh khốc liệt và nhu cầu đổi mới phát triển, công ty TNHH một thành viên Thống nhất tiến hành cổ phần hoá, chào bán cổ phần ra công chúng lần đầu (IPO) để huy động các nguồn lực xã hội.

Tỷ suất lợi nhuận 2,83%

Theo giới đầu tư nhận định, cổ phiếu của công ty Thống Nhất sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tham gia. Hiện, công ty có vốn điều lệ là 237 tỷ đồng, tương đương 23,7 triệu cổ phần.

Cơ cấu cổ đông sau IPO gồm, cổ đông nhà nước dự kiến nắm giữ 45% vốn (tương đương 10,7 triệu cổ phần), cổ phần bán ưu đãi cho cán bộ, nhân viên là 0,5% (120.000 CP), bán đấu giá công khai hơn 12,81% (3 triệu CP), cổ đông chiến lược là 41,69% (9,9 triệu CP).

Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi cơ hội mua 12,81% cổ phần công ty Thống Nhất trong phiên đấu giá ngày 3/6 tới đây diễn ra ở Sở GDCK Hà Nội. Mức giá khởi điểm 10.000 đồng/CP được cho là thấp nếu so với giá trị thực của doanh nghiệp cũng như khối tài sản đang sở hữu, quản lý…

Theo phương án cổ phần hoá, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp lâu đời này là 236 tỷ đồng (đã được điều chỉnh so với số liệu cũ là 195,5 tỷ đồng và không bao gồm giá trị nhà máy VIHA chuyển thành CTCP VIHA Thống Nhất).

Công ty Thống Nhất cũng công bố thông tin về hoạt động kinh doanh hiện tại, phương án kinh doanh sau cổ phần hoá, khai thác quỹ đất rộng lớn… Về kết quả kinh doanh, trong vòng 4 năm (2012-2015), doanh nghiệp vẫn tăng trưởng doanh thu đều đặn, từ 136 tỷ đồng lên mức 250 tỷ đồng (dự kiến của năm 2015).

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại duy trì ở mức rất thấp, cụ thể: năm 2012, lãi ròng 1,27 tỷ đồng, đến cuối năm 2014 lãi 1,67 tỷ đồng. Dự kiến lợi nhuận sau thuế của năm 2015 sẽ tăng “đột biến” lên mức 3,5 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đạt 1,14-2,83%.

Nhưng nợ phải trả và nợ phải thu lại đáng kể, đến cuối năm 2015 lần lượt khoảng 100 tỷ đồng và 51 tỷ đồng. Lưu ý, năm 2015, do nhà máy VIHA chuyển đổi sang hoạt động là công ty cổ phần hóa nên hạch toán tài chính độc lập. Ảnh hưởng từ thị trường cạnh tranh khốc liệt, hàng ngoại lấn át, hoạt động chưa hiệu quả… là những vấn đề khó khăn đối với doanh nghiệp có truyền thống sản xuất xe đạp Thống Nhất.

Bức tranh kết quả kinh doanh, tài chính khá ảm đạm song công ty Thống Nhất lại vẫn hấp dẫn giới đầu tư, nhất là các đại gia bất động sản có ý định “thâu tóm” quỹ đất vàng tại trung tâm Tp.Hà Nội.


ipo cong ty thong nhat chon xe dap hay dat vang

Công ty Thống Nhất hiện đang quản lý, sử dụng 6 khu đất rộng lớn, vị trí đắc địa


Lấp lánh cổ phiếu “đất vàng”

Theo báo cáo tình hình sử dụng quỹ đất, công ty Thống Nhất hiện đang quản lý, sử dụng 6 khu đất rộng lớn, vị trí đắc địa. Nhất là khu đất rộng 800m2 tại số 10B Tràng Thi – trụ sở văn phòng công ty.

Khu đất rộng 330m2 tại số 10 Tràng Thi liền kề hiện đang thực hiện dự án Tòa nhà văn phòng, dịch vụ thương mại (liên doanh với công ty CP Địa ốc Hà Nội và công ty TNHH đầu tư phát triển thương mại Đông Dương).

Các đối tác cùng thành lập pháp nhân mới là công ty CP địa ốc VIHA với tỷ lệ sở hữu của công ty Thống Nhất là 30%.

Khu đất rộng 441m2 tại số 198B Tây Sơn cũng được hợp tác kinh doanh với công ty TNHH Liên doanh đầu tư tài chính Hòa Bình để xây dựng văn phòng giao dịch và cho thuê.

Ngoài ra, công ty Thống Nhất còn quản lý, khai thác nhiều khu đất rất đẹp khác, như: khu đất 454m2 tại số 4 ngõ 260 Cầu Giấy đang chờ quy hoạch của thành phố để thực hiện dự án đầu tư, khu đất 18.000m tại số 82 Nguyễn Tuân được đầu tư dự án nhà liền kề, thương mại, chung cư.

Ở dự án 82 Nguyễn Tuân, công ty Thống Nhất đã liên doanh với công ty TNHH phát triển Bắc Việt để thành lập công ty TNHH Thống Nhất – Bắc Việt triển khai dự án. Trong đó, Thống nhất góp 30% vốn.

Được biết, từ đầu năm 2016 đến nay, chủ đầu tư dự án 82 Nguyễn Tuân đã xúc tiến giải phóng mặt bằng, tiến hành thi công tại đây. Trên thị trường đã xuất hiện những thông tin chào mời mua nhà liền kề, căn hộ tại dự án của xe đạp Thống Nhất.

Đây cũng là một trong những dự án vị trí “vàng” tại trung tâm quận Thanh Xuân, Hà Nội được giới đầu tư bất động sản “săn đón”, tìm cơ hội kinh doanh…

Sau cổ phần hóa, công ty Thống Nhất sẽ tiếp tục được phép quản lý, đầu tư các dự án trên quỹ đất này. Đây mới chính là phần giá trị nhất và cơ hội đầu tư sinh lời đối với nhà đầu tư, cổ đông chiến lược nắm sở hữu lớn tại xe đạp Thống Nhất khi Nhà nước giảm sở hữu về 45%.


Theo Thời báo Kinh doanh

Tin liên quan