Đường Quảng Ngãi chuẩn bị chia nốt 40% cổ tức, muốn phát hành thêm 11 triệu cổ phiếu ESOP

Cập nhật: 11:34 | 12/03/2024 Theo dõi KTCK trên

Dự kiến ngày 26/4, Đường Quảng Ngãi sẽ chia nốt 20% cổ tức bằng tiền còn lại trong tổng số 40% như đề xuất trước đó.

Mới đây, Công ty CP Đường Quảng Ngãi (UPCom: QNS) vừa công bố tài liệu chuẩn bị cho họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, dự kiến tổ chức ngày 30/03 tại trụ sở Công ty - số 2 Nguyễn Chí Thanh, phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi. Ngày chốt danh sách cổ đông là 27/03/2024.

Đặt kế hoạch năm 2024 sau thời gian lãi kỷ lục

Khép lại năm 2023 với bức tranh đầy khởi sắc, Đường Quảng Ngãi đem về doanh thu và lợi nhuận ròng đều ở mức cao kỷ lục trong 20 năm hoạt động, đạt lần lượt hơn 10.000 tỷ đồng và gần 2.200 tỷ đồng, tăng 21% và 70% so với năm trước. Kết quả này giúp Công ty vượt 19% mục tiêu doanh thu và bỏ xa tới 117% mục tiêu lợi nhuận năm.

Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu chủ yếu đến từ mảng đường với doanh thu tăng 104%, bù đắp mảng sữa đậu nành giảm 7%, nhờ giá đường tăng và chạm mức cao nhất 12 năm qua.

Đường Quảng Ngãi chuẩn bị chia nốt 40% cổ tức, muốn phát hành thêm 11 triệu cổ phiếu ESOP
Thương hiệu Vinasoy - thương hiệu thuộc sở hữu của Đường Quảng Ngãi.

Đối với năm 2024, Đường Quảng Ngãi đặt kế hoạch thận trọng với tổng doanh thu đạt 9.000 đồng và lãi trước thuế 1.500 tỷ đồng, giảm lần lượt 14% và 39% so với nền cao kỷ lục năm trước. Lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 39% xuống 1.341 tỷ đồng.

Trong báo cáo mới nhất của VNDirect, Ban lãnh đạo QNS cho biết trong tháng 1/2024, Công ty ước tổng doanh thu tăng 83% so với cùng kỳ lên 1.047 tỷ đồng, chủ yếu do Tết Nguyên đán năm nay đến muộn hơn (rơi vào tháng 2) nên các nhà phân phối đã tăng cường tích trữ hàng tháng 1. Lãi trước thuế ước đạt 230 tỷ đồng, tăng 190%.

So với kế hoạch 2024 sẽ trình cổ đông, Công ty thực hiện được 12% chỉ tiêu doanh thu và hơn 15% mục tiêu lợi nhuận ngay trong tháng đầu năm.

Trả cổ tức còn lại của năm 2023 tỷ lệ 20% bằng tiền

Sau một năm lãi kỷ lục, Đường Quảng Ngãi dự kiến trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 40% bằng tiền, tương ứng tổng chi 1.428 tỷ đồng. Đây cũng là mức chia cổ tức bằng tiền mặt cao nhất 10 năm qua kể từ 2014. Trong 4 năm gần nhất (2019-2022), doanh nghiệp đường duy trì mức cổ tức 30% bằng tiền.

Trong quá khứ, vào tháng 9/2023 và 1/2024, QNS đã có 2 lần tạm ứng cổ tức 2023 bằng tiền cho cổ đông với tỷ lệ 10% mỗi đợt. Như vậy, Công ty sẽ hoàn tất chi trả phần cổ tức còn lại với tỷ lệ 20% (2.000 đồng/cp). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 15/04 và ngày thanh toán 26/04/2024. Trong năm nay, Đường Quảng Ngãi đề xuất tỷ lệ cổ tức tối thiểu ở mức 15% (1.500 đồng/cp).

Đường Quảng Nãi "rục rịch" phát hành gần 11 triệu cổ phiếu ESOP

Dựa vào kết quả kinh doanh 2023, HĐQT QNS cũng sẽ trình cổ đông thông qua phương án phát hành hơn 10,7 triệu cổ phiếu theo chương trình cho người lao động (ESOP), tương đương 3% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Giá phát hành sẽ được xác định theo giá sổ sách kế toán tại thời điểm 31/12/2023.

Tổng số tiền thu được sẽ được QNS bổ sung vào vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ Công ty sẽ được nâng lên hơn 3.676 tỷ đồng.

Song song, căn cứ vào định hướng phát triển hoạt động, QNS đề xuất bổ sung thêm một số ngành nghề kinh doanh gồm: quảng cáo; cổng thông tin; bán lẻ theo yêu cầu đặt hàng qua bưu điện hoặc internet; sản xuất sản phẩm hoá chất khác chưa được phân vào đâu (dầu Fusel); sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột; bán buôn thực phẩm…

Dự kiến mảng sữa đậu nành phục hồi tích cực

Về triển vọng hoạt động trong thời gian tới, ban lãnh đạo Đường Quảng Ngãi cho biết doanh nghiệp đang có kế hoạch tung ra thị trường sản phẩm sữa đậu nành mới hướng tới phân khúc khách hàng thành thị.

Vì bối cảnh tiêu thụ toàn ngành sữa Việt Nam bị suy giảm dưới tác động của sức mua yếu nên sức tiêu thụ sữa đậu nành của Đường Quảng Ngãi trong năm 2023 đã chịu tác động tiêu cực do khách hàng chính của doanh nghiệp tập trung ở khu vực nông thôn - khu vực nhạy cảm hơn về giá.

Bên cạnh đó, các kênh phân phối truyền thống (cửa hàng tạp hoá, đại lý bán lẻ…) chịu ảnh hưởng lớn hơn từ lạm phát so với kênh phân phối hiện đại; trong khi đó, kênh phân phối truyền thống lại là kênh phân phối chủ đạo của Đường Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, điểm sáng là thị phần mảng sữa đậu nành của Đường Quảng Ngãi đang có xu hướng tăng dần qua các quý gần đây nhờ các nỗ lực tiếp thị của doanh nghiệp. Nhờ nỗ lực triển khai nhiều chiến dịch quảng bá và đẩy mạnh tạo thêm nhiều dòng sản phẩm sữa đậu nành khác nhau, doanh nghiệp đường này đang chiếm khoảng 80% thị phần sữa đậu nành (xét theo sản lượng) tại Việt Nam.

Theo nhận định của CTCK VNDirect Research, doanh thu mảng sữa đậu của Đường Quảng Ngãi năm nay sẽ tăng tới 7,8% khi sức mua phục hồi, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ sữa các loại. Đáng chú ý, trong nửa cuối năm 2023, Đường Quảng Ngãi đã chốt 70% lượng đầu nành cần cho sản xuất trong năm 2024 với mức giá thấp hơn khoảng 8%.

Đối với ngành đường, mặc dù giá đường thế giới đang có xu hướng hạ nhiệt nhưng ban lãnh đạo Đường Quảng Ngãi nhận định giá đường trong nước sẽ duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm nay.

Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), thiếu hụt nguồn cung đường trên toàn cầu trong năm nay dự kiến sẽ chỉ còn ở mức 0,33 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 triệu tấn được dự báo trước đây. Nguyên nhân chủ yếu do sản lượng đường tại Brazil dự kiến sẽ tăng 15%, bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng tại Ấn Độ và Thái Lan. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo giá đường thế giới niên vụ 2023/2024 sẽ giảm 5,7% so với niên vụ trước nhờ nguồn cung cải thiện.

Trái lại, đồng quan điểm với ban lãnh đạo Đường Quảng Ngãi, Trung tâm nghiên cứu VNDirect nhận định giá đường nội địa sẽ ổn định trong nửa đầu năm 2024 trong bối cảnh đa số các doanh nghiệp đường nội địa không còn nhiều hàng tồn kho.

Hầu hết sản lượng đường từ niên vụ 2022/2023 của các doanh nghiệp mía đường hiện đã được tiêu thụ và các nhà máy đường mới bắt đầu mùa vụ ép mía trong quý 1/2024. Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ đường trong nước niên vụ 2023/2024 dự kiến tăng 3,7%, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Về dài hạn, giá đường trong nước sẽ điều chỉnh giảm theo giá đường thế giới nhưng vẫn cao hơn so với mức giá trung bình trong 2019/2021 (13.779 đồng/kg) nhờ các biện pháp phòng vệ thương mại của Bộ Công Thương đối với đường nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan.

VNDirect Research hiện dự báo doanh thu mảng đường năm nay của Đường Quảng Ngãi tăng nhẹ 1,2% so với năm 2023, chủ yếu nhờ sản lượng tiêu thụ tăng, giúp bù đắp sự sụt giảm về giá so với mức cao kỷ lục trong năm 2023.

Mảng đường tăng trưởng mạnh mẽ, Đường Quảng Ngãi báo lãi tháng 1 tăng 190%

Về cơ cấu sản phẩm, ghi nhận doanh thu mảng đường và mảng sữa đậu nành trong tháng 1/2024 đều tăng, lần lượt đạt 186% ...

Công ty con của Hóa chất Đức Giang vỡ kế hoạch chia cổ tức 140% do lợi nhuận "lao dốc"

Với bức tranh kinh doanh kém sắc, PAT dự kiến sẽ chỉ chia thêm 10% cổ tức của năm 2023, tương ứng tỷ lệ cổ ...

Cổ phiếu giao dịch quanh vùng đỉnh, lãnh đạo TNG liên tục 'ngỏ ý" bán

Trên thị trường, cổ phiếu TNG đang giao dịch trong vùng 22.000 đồng/cp, tương ứng quanh vùng đỉnh của mã chứng khoán này.

Đức Huy

Tin cũ hơn
Xem thêm