Hóa chất Cơ bản miền Nam (CSV) dự kiến chia "đậm" cổ tức, lợi nhuận "co hẹp" nhất 4 năm

Cập nhật: 10:54 | 10/04/2024 Theo dõi KTCK trên

Hóa chất Cơ bản miền Nam (CSV) đề xuất kế hoạch phân phối cổ tức cho năm 2023 với tỷ lệ 25%, được trả bằng tiền mặt. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đề xuất việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, với tỷ lệ thưởng cổ phiếu là 150%.

Mới đây, Công ty CP Hóa chất Cơ bản miền Nam (HOSE: CSV) công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024. Tại cuộc họp này, CSV đề xuất kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu 1.640 tỷ đồng, tăng hơn 3% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 10% so với năm 2023, xuống mức 261 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 4 năm của CSV. Cổ tức Công ty dự kiến được xác định là 10%.

Hóa chất Cơ bản miền Nam (CSV) dự kiến chia
Công ty CP Hóa chất Cơ bản miền Nam (HoSE: CSV)

Ban lãnh đạo của Hóa chất Cơ bản miền Nam đánh giá rằng năm nay đang đối diện với nhiều thách thức, như giá bán của các sản phẩm như NaOH, HCl trên thị trường đang giảm, và sản phẩm H3PO4 hoặc H2SO4 phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ. Trong khi đó, tiêu thụ và xuất khẩu vẫn gặp khó khăn. Tuy nhiên, CSV cũng nhận thấy rằng có những điều kiện thuận lợi, bao gồm việc nguyên liệu chính cho sản xuất được duy trì ổn định, lượng khách hàng ổn định dù mức độ cạnh tranh cao hơn, và việc đẩy mạnh tiêu thụ cho Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), cùng với mức tồn kho phù hợp với tiến độ sản xuất.

Về hoạt động kinh doanh năm 2023, CSV ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.588 tỷ đồng, giảm 25%, và lợi nhuận trước thuế đạt 289 tỷ đồng, giảm 25% so với năm 2022. Tuy nhiên, mặc dù đối diện với những thách thức, doanh nghiệp vẫn vượt 7% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Dựa trên kết quả đạt được, CSV đề xuất mức chi trả cổ tức là 25% cho năm 2023 bằng tiền mặt, tương đương với hơn 110 tỷ đồng.

Ngoài ra, CSV muốn phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (thưởng cổ phiếu) với tổng tỷ lệ là 150%, có nghĩa là cổ đông cứ sở hữu 2 cổ phiếu sẽ được nhận 3 cổ phiếu mới. Tổng khối lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là 66,3 triệu cổ phiếu. Sau khi phát hành, CSV dự kiến ​​tăng vốn điều lệ từ 442 tỷ lên 1.105 tỷ đồng. Nguồn vốn để thực hiện việc này được lấy từ thặng dư vốn cổ phần, quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu và quỹ đầu tư phát triển. Kế hoạch này dự kiến được thực hiện trong quý 2-3/2024 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận.

Theo đánh giá gần đây của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), triển vọng của thị trường hoá chất cơ bản, đặc biệt là thị trường xút - clo toàn cầu, có nhiều khả năng đi lên trong năm nay và bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới. Điều này được dự báo khi các hoạt động sản xuất công nghiệp cho thấy dấu hiệu phục hồi, và lãi suất dần hạ nhiệt.

Ngoài ra, một số tổ chức tài chính cũng dự kiến rằng giá xút trên thị trường quốc tế, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc - nước sản xuất xút lớn nhất thế giới, đã chạm đáy. Các yếu tố này sẽ tạo động lực thúc đẩy giá xút tại Việt Nam tăng trở lại, vì lượng xuất nhập khẩu chủ yếu đến từ Trung Quốc và chiếm tới 50% nhu cầu sử dụng nội địa tại Việt Nam.

Với vị thế là nhà sản xuất hàng đầu xút - clo tại Việt Nam, Công ty CP Hóa chất Cơ bản miền Nam là đơn vị được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng này trên thị trường. Mảng xút - clo đóng góp hơn 50% tổng doanh thu hàng năm của công ty.

Cũng theo Vinachem, trong năm 2024, các công ty công nghiệp hóa chất sẽ tiếp tục đi theo con đường chuyển đổi từ năm 2023, tập trung vào các phương thức phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng, tăng cường các sáng kiến kỹ thuật số và các công nghệ đổi mới, thích ứng với môi trường địa chính trị thay đổi, các quá trình sản xuất theo yêu cầu và phi toàn cầu hóa.

Những lo ngại về các vấn đề địa chính trị sẽ dẫn đến những yêu cầu về quản trị rủi ro, sản xuất liên tục, cung ứng đúng thời điểm, quản lý tốt chuỗi cung ứng. Công nghiệp hóa chất sẽ phải đối mặt với những tiêu chuẩn khác nhau trong các chuỗi cung ứng và trong các hoạt động kinh tế hoặc chuỗi kinh doanh khác. Hầu hết các hóa chất đều có bản chất đa khu vực, vì vậy giao dịch liên lục địa vẫn là yếu tố quan trọng đối với nhiều công ty trong ngành.

Về thị trường hóa chất toàn cầu, báo cáo của MarketsandMarkets chỉ rõ, những lĩnh vực hàng đầu của công nghiệp hóa chất thế giới sẽ tăng trưởng từ 2.265 tỷ USD năm 2023 lên 2.411 tỷ USD năm 2024, với tốc độ tăng trưởng 8%/năm. Những lĩnh vực này sẽ mở ra những cơ hội mới trong năm 2024 với tổng giá trị ước tính khoảng 165 tỷ USD ở dạng các công nghệ mới, các giải pháp phát triển bền vững, vật liệu mới và chuyển đổi năng lượng.

Giảm phát thải cacbon, kỹ thuật số, phát triển bền vững, sản xuất tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng sẽ là một số xu hướng chính, tạo động lực cho công nghiệp hóa chất toàn cầu năm 2024 và những năm tiếp theo.

Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR) đặt mục tiêu lợi nhuận 'tượng trưng', 13 năm không chia cổ tức bằng tiền

Trong năm 2024, TTC Land (SCR) tiếp tục triển khai nhiều dự án trọng điểm nhưng chỉ kỳ vọng lợi nhuận ở mức khiêm tốn ...

Petrosetco (PET) lên kế hoạch chia cổ tức 10%, lợi nhuận sau thuế tăng 47% trong năm 2024

Về mục tiêu kinh doanh của Công ty mẹ, Petrosetco (PET)dự kiến doanh thu đạt 6.965 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế và sau thuế ...

Phu nhân “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn sẽ “sát cánh” cùng chồng tại Sasco (SAS)

Danh sách đề cử Thành viên HĐQT của Sasco bao gồm 4 thành viên HĐQT cũ và một thành viên mới là bà Lê Hồng ...

Tuấn Khải

Tin liên quan