Dự kiến "bơm" 82.000 tỷ xây dựng hạ tầng, Đèo Cả niêm yết bổ sung hơn 82,3 triệu cổ phiếu

Cập nhật: 06:16 | 13/03/2024 Theo dõi KTCK trên

Sau khi thay đổi niêm yết, số lượng cổ phiếu HHV lưu hành là 411,7 triệu đơn vị, tương đương giá trị theo mệnh giá hơn 4.116,8 tỷ đồng.

Ngày 11/03, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) có văn bản công bố thông tin về việc niêm yết và giao dịch cổ phiếu thay đổi niêm yết của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HOSE: HHV).

Theo đó, Hạ tầng Giao thông Đèo Cả niêm yết bổ sung hơn 82,3 triệu cổ phiếu HHV với mệnh giá 10.000 đồng/đơn vị. Cụ thể, có 75,2 triệu cổ phiếu chào bán thêm ra công chúng được tự do chuyển nhượng và hơn 7,1 triệu cổ phiếu chưa phân phối hết được phân phối tiếp cho nhà đầu tư khác bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán (từ ngày 15/1/2024 đến hết ngày 14/1/2025).

Sau khi thay đổi niêm yết, số lượng cổ phiếu lưu hành là 411,7 triệu đơn vị, tương đương giá trị theo mệnh giá hơn 4.116,8 tỷ đồng. Ngày thay đổi niêm yết có hiệu lực kể từ 8/3/2024.

Dự kiến
Ngày giao dịch của chứng khoán thay đổi niêm yết.

Theo văn bản, hơn 75,2 triệu cổ phiếu chào bán thêm ra công chúng được tự do chuyển nhượng có ngày giao dịch dự kiến là 19/3/2024. Về cổ phiếu chưa phân phối hết được phân phối lại cho nhà đầu tư khác bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán (từ ngày 15/1/2024 đến hết ngày 14/1/2025) có ngày giao dịch dự kiến là 15/1/2025.

Về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Hạ tầng Giao thông Đèo Cả dự kiến được tổ chức vào ngày 26/4/2024. Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông tham dự đại hội là 21/3/2024.

Về kết quả kinh doanh, tính chung năm 2023, Hạ tầng Giao thông Đèo Cả ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.687 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 361,8 tỷ đồng, tăng lần lượt 29% và 22% so với thực hiện của năm 2022. Với kết quả trên, Đèo Cả đã vượt 7% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.

Tại một diễn biến khác, chia sẻ tại Hội nghị “Tiềm năng và cơ hội đầu tư hạ tầng giao thông theo mô hình PPP++” mới đây, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết năm 2024 dự kiến đầu tư, xây dựng 300km đường cao tốc, đường vành đai với tổng mức đầu tư hơn 82.000 tỷ đồng. Một số dự án tiêu biểu như cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Tân Phú - Bảo Lộc, Tp.HCM - Chơn Thành, Vành đai 4, Tp.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 2)…

Được biết, mô hình PPP++ là giải pháp Đèo Cả đưa ra để huy động vốn cho dự án. Thông qua việc đa dạng hoá nguồn vốn huy động để tăng hiệu quả huy động, giảm thiểu rủi ro trong suốt quá trình thực hiện dự án.

Cơ cấu nguồn vốn của các dự án triển khai theo phương thức PPP++ được đa dạng hoá hơn so với mô hình PPP cơ bản. Ngoài vốn NSNN, vốn chủ sở hữu và vốn tín dụng, cơ cấu nguồn vốn theo mô hình PPP++ có sự tham gia của nguồn lợi nhuận thi công từ chính dự án, trái phiếu, cổ phiếu, các hợp đồng BCC…

Về phương thức vận hành, trước đây nhà đầu tư đơn thuần là đơn vị góp vốn, nhà thầu đơn thuần là đơn vị thi công thì nay nhà đầu tư đồng thời là nhà thầu và ngược lại nhà thầu cũng sẽ là nhà đầu tư, từ đó cộng lực và chia sẻ lợi ích hài hòa, lâu dài.

Ông Hồ Nghĩa Dũng - Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT – cho biết: “Đầu tư hạ tầng giao thông cần một số vốn khổng lồ, nhà nước mạnh đến đâu cũng không thể “kham” hết được bằng đầu tư công. Do đó, Nhà nước đã kêu gọi khối tư nhân tham gia đầu tư bằng phương thức PPP để phát triển hạ tầng công, dịch vụ công phục vụ nhân dân”.

Tuy nhiên, theo ông Dũng tư nhân dù mạnh đến mấy cũng không thể nào “đơn thân độc mã” hợp tác với nhà nước để làm nên 1 công trình mà sẽ đóng vai trò là “leader” để tập hợp, kêu gọi các nhà đầu tư khác để tham gia đầu tư, do đó mô hình PPP++ là một sáng tạo để tạo ra nguồn lực đủ mạnh, cùng nhau thực hiện dịch vụ công. Và đơn vị “leader” cũng phải có đủ năng lực, có thương hiệu và đặc biệt là năng lực quản trị thì mới có thể thu hút các nhà đầu tư khác. Trong đó, Đèo Cả là đơn vị đủ các yếu tố để tập hợp, dẫn dắt được các nhà đầu tư khác để thực hiện thành công các dự án.

Trước đó, tháng 12/2023, UBND tỉnh Cao Bằng đã công bố kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo phương thức PPP giai đoạn 1.

Theo đó, liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam - Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) - Công ty CP Xây dựng Công trình 568 đã được chọn là nhà đầu tư thực hiện Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) giai đoạn 1.

Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 có chiều dài 93,35 km, điểm đầu tại tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh - huyện Văn Lãng - tỉnh Lạng Sơn và điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo - huyện Quảng Hoà - tỉnh Cao Bằng.

Trong giai đoạn 1, tuyến cao tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn TCVN 5729-2012, vận tốc thiết kế 80 km/h, với bề rộng mặt cắt ngang nền đường 17m đối với các đoạn thông thường và 13,5m đối với các đoạn phức tạp. Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là 14.167 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026, thời gian hoàn vốn dự kiến là 24 năm 10 tháng.

Huy động được nhiều tiền hơn dự kiến, Đèo Cả (HHV) “rót” hết vào dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Đợt chào bán kết thúc ngày 15/1 vừa qua đã mang về cho Đèo Cả 829,96 tỷ đồng, nhiều hơn so với mức dự kiến ...

Thanh khoản dòng tiền cá mập ở mức thấp, BID và GVR "gánh" chỉ số VN-Index

Chỉ tính riêng cổ phiếu BID và cổ phiếu GVR, bộ đôi này đã góp cho VN-Index 4,137 điểm trên tổng số 9,51 điểm tăng ...

Khối ngoại "đảo tay" tháo ròng, tập trung "xả" hàng trăm tỷ tại MWG

Diễn biến ngày giao dịch thứ Ba (12/03), khối ngoại "tháo ròng" thị trường, tập trung chủ yếu vào MWG với 262,75 tỷ đồng.

Bá Tùng

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm