Dự báo giá xăng trong nước có thể tiếp tục điều chỉnh tăng

Cập nhật: 07:50 | 04/05/2022 Theo dõi KTCK trên

Do kỳ điều hành xăng dầu mới rơi vào kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, nên giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh vào ngày 4/5. Dự báo mỗi lít xăng có thể tăng thêm 400-600 đồng nếu nhà điều hành không trích Quỹ bình ổn.

Giá xăng dầu hôm nay 3/5/2022: Điều chỉnh tăng nhẹ

Góc chuyên gia: Lạm phát trong nước đang chịu áp lực từ sự gián đoạn cung cầu thế giới

Giá xăng dầu hôm nay 2/5/2022: Biến động trái chiều

Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu quy định thời gian điều hành giá xăng dầu sẽ rơi vào ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Như vậy, theo đúng lịch, ngày 1/5, Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ mới.

Tuy nhiên, đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của Nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ. Do đó, Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào lúc 15 giờ ngày 4/5.

1911-giaxang1
Giá xăng trong nước có thể điều chỉnh tăng sau kỳ nghỉ lễ (Ảnh minh họa)

Thị trường xăng dầu thế giới trong những ngày qua có sự tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là tăng nên dự báo giá xăng dầu trong nước sẽ biến động.

Theo tính toán và dự báo của các DN đầu mối xăng dầu, giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành tới có khả năng sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, mức tăng còn phụ thuộc vào việc cơ quan điều hành sử dụng Quỹ bình ổn giá. Bên cạnh đó, do phải lùi lại khá lâu, trong khi giá xăng dầu thế giới biến động liên tục nên mức tăng cụ thể sẽ khó dự báo.

Chia sẻ với VnExpress, lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối ở TP HCM cho biết, giá dầu thế giới tuần qua có vài đợt giảm nhưng tính đến hết tháng 4, bình quân giá sản phẩm này vẫn tăng. Cụ thể, giá dầu thô Brent và WTI đều đã đạt mức tăng trong tuần, lần lượt tăng 1,3% và 4,4%. Do đó, giá xăng dầu thành phẩm nhập vào trong nước cũng tăng đáng kể.

"Kỳ điều hành này, nếu không sử dụng Quỹ bình ổn, giá xăng có thể tăng 400-600 đồng một lít, giá dầu tăng khoảng 300-400 đồng", lãnh đạo đầu mối xăng dầu ở TP HCM nói.

Ngược lại, vị này cũng cho biết nếu trích sử dụng Quỹ, giá xăng dầu có thể tăng nhẹ khoảng 200-300 đồng một lít.

Đồng quan điểm, lãnh đạo đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cho rằng nguồn cung xăng dầu trên thế giới vẫn chưa khả quan. Nguyên nhân là các quốc gia lo ngại nguồn cung dầu của Nga tiếp tục bị gián đoạn do xung đột ở Ukraine chưa chấm dứt. Do đó, kỳ điều hành này cơ quan quản lý có thể tiếp tục cho xăng tăng lần thứ hai liên tiếp sau đợt giảm hôm 12/4.

Theo dữ liệu của Bộ Công thương cập nhật đến ngày 28/4, giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore trong kỳ qua có xu hướng tăng. Cụ thể, xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92) có giá bình quân ở chu kỳ mới là 123,5 USD/thùng, còn xăng RON 95 là khoảng 129 USD/thùng. Trong khi cùng thời điểm này tại kỳ điều chỉnh giá lần trước, mức trung bình lần lượt khoảng 118,6 USD/thùng và 126 USD/thùng. Thấp hơn nhiều so với mức giá trung bình hiện tại.

Trong kỳ điều chỉnh gần đây nhất, ngày 21/4, giá xăng E5 RON 92 tăng 660 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 680 đồng/lít. Còn mỗi lít dầu diesel tăng 970 đồng/lít, dầu hỏa tăng 800 đồng/lít, dầu mazut tăng 880 đồng/kg.

Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 27.130 đồng/lít; RON 95 là 27.990 đồng/lít; dầu diesel 25.350 đồng/lít, dầu hỏa 23.820 đồng/lít, dầu mazut là 21.800 đồng/kg.

Bộ Công Thương cho biết, thị trường xăng dầu thế giới có những diễn biến trái chiều trong 10 ngày qua. Giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới có sự tăng giảm đan xen, nhưng xu hướng chung là tăng. Trong khi đó, giá xăng dầu cơ sở trong nước phụ thuộc vào giá thế giới.

Về cung ứng xăng dầu, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, vấn đề năng lượng có sự xáo trộn có ảnh hưởng đến xung đột Nga - Ukraine.

Thị trường xăng dầu trong nước quý I/2022 có nhiều biến động do nguồn cung ứng từ nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn là đơn vị chiếm từ 35-45%. Thị phần cung ứng giảm mạnh công suất trong tháng 1 và đầu tháng 2 giảm đến 55% công suất, thậm chí có thời gian ngừng sản xuất. Trong khi đó, nguồn cung nhập khẩu gặp khó do tình hình chính trị, giá cả tăng, chi phí logistics và nguồn cung hạn chế, cước vận tải tăng.

Minh Phương

Tin cũ hơn
Xem thêm