Doanh thu bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng chậm lại

Cập nhật: 15:28 | 16/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường chỉ còn tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng đã "hạ nhiệt" dần trong năm 2022.

Hai “ái nữ” của nhà OCB chuyển nhượng hơn 51 triệu cổ phiếu

Eximbank (EIB) ước tính lãi đạt 1.800 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022

Tỷ giá euro hôm nay 16/6/2022: Tăng tại đa số ngân hàng

Theo ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư kí Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), sau nhiều năm có bước tăng trưởng vượt bậc (20-30%), đà tăng của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã giảm nhiệt trong năm 2022.

Số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường ước đạt 51.782 tỷ đồng, chỉ còn tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm 52,6%, sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm 16,8%, sản phẩm bảo hiểm liên kết chiếm 19,2%, sản phẩm phụ chiếm 10%.

Ngoài ra, sản phẩm còn lại chiếm 1,5% trong đó bảo hiểm trọn đời chiếm 0,2%, bảo hiểm tử kỳ chiếm 0,6%, bảo hiểm trả tiền định kỳ chiếm 0,1%, bảo hiểm hưu trí chiếm 0,2%, bảo hiểm sức khỏe chiếm 0,38% và bảo hiểm sinh kỳ chiếm 0,0005%. Bên cạnh đó, phí bảo hiểm khai thác mới 4 tháng năm 2022 giảm 8,2% đạt 15.026 tỷ đồng.

2633-baohiemnhantho
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, tiềm năng của thị trường bảo hiểm còn lớn trong dài hạn khi tỷ lệ tham gia bảo hiểm ở Việt Nam tương đối thấp, tầng lớp trung lưu gia tăng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu tư chuyển đổi số, cải thiện chất lượng dịch vụ và gia tăng sản phẩm mới.

Với thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, trong 4 tháng đầu năm 2022, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 22.254 tỷ đồng, tăng 13 % so với cùng kỳ, bồi thường 5.946 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 26,7% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường).

Bảo hiểm xe cơ giới doanh thu đạt 6.253 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 28,1% trong tổng doanh thu toàn thị trường, tăng 8,5% so với cùng kỳ, bồi thường 2.269 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 36,3%. Doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 1.536 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,9 %, tăng 8,8% so với cùng kỳ, bồi thường 223 tỷ, tỷ lệ bồi thường 14,6%.

Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 4.717 tỷ đồng, tăng 8,5 % so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 21,2%, bồi thường 2.045 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 43,4%. Bảo hiểm sức khỏe doanh thu đạt 6.901 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 31%, tăng 17,9% so với cùng kỳ, bồi thường 1.784 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 25,9%.

Bảo hiểm tài sản thiệt hại doanh thu đạt 2.953 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 13,3% tăng trưởng 2,6%, bồi thường 637 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 21,6%. Bảo hiểm cháy nổ doanh thu đạt 2.916 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 13,1%, tăng trưởng 23,1%, bồi thường 715 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 24,5%.

Doanh thu bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đạt 2.280 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,2%, tăng 20,4%, bồi thường 378 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 16,6%. Doanh thu bảo hiểm cháy nổ tự nguyện đạt 636 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,9%, tăng 33,6% so với cùng kỳ, bồi thường 336 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 53%.

Với bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, doanh thu đạt 1.041 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 4,7%, tăng trưởng 17,5%, bồi thường 199 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 19,1%. Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu doanh thu đạt 914 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 4,1%, tăng trưởng 16,6%, bồi thường 273 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 29,9%.

Ngoài ra, các nghiệp vụ bảo hiểm khác gồm bảo hiểm trách nhiệm đạt 533 tỷ đồng tăng trưởng 7,1%; bảo hiểm hàng không 331 tỷ đồng, tăng 15,9%; bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính đạt 285 tỷ đồng; tăng 12,9%, bảo hiểm thiệt hại kinh doanh 96 tỷ đồng tăng 10,4%; bảo hiểm nông nghiệp đạt 15 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ; bảo hiểm bảo lãnh 11 tỷ đồng, giảm 1,8% so với cùng kỳ.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam liệu còn tiềm năng trong năm 2022?

Thị trường bảo hiểm Việt Nam được đánh giá là tiềm năng với tỷ lệ thâm nhập và phí bảo hiểm bình quân ở mức thấp, số người tham gia bảo hiểm nhân thọ chỉ khoảng 10 triệu người tương đương với khoảng 10% dân số. Tỷ lệ này được Bộ Tài chính dự kiến sẽ nâng lên 15% vào năm 2025.

Theo nghiên cứu và đánh giá của tác giả, thị trường bảo hiểm Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển với tỷ lệ thâm nhập (doanh thu phí bảo hiểm/GDP) và phí bảo hiểm bình quân (chi tiêu cho bảo hiểm bình quân đầu người) ở mức thấp. Tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm ở Việt Nam hiện dao động ở mức 2,3% - 2,8%, thấp hơn so với các thị trường mới nổi và cách xa mức 9,6% tại các thị trường phát triển. Tại Việt Nam, mức chi tiêu cho bảo hiểm bình quân trên đầu người hiện nay dao động quanh mức 72 - 75 USD, thấp so với mức 175 USD tại các thị trường mới nổi và cách xa con số 4.664 USD tại các thị trường phát triển.

Thu nhập bình quân đầu người tăng là một trong những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của lĩnh vực bảo hiểm. Trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 và 2021 - 2030, đã đặt mục tiêu nâng GDP bình quân đầu người từ mức 2.750 USD năm 2020 lên mức 4.700 - 5.000 USD vào năm 2025 và 7.500 USD vào năm 2030.

Cùng với đó, dân số Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu vàng với quy mô ngày càng tăng, tỷ lệ dân số thành thị được dự báo tăng trưởng từ mức 37% ở hiện tại lên mức 45%. Theo ước tính của World Bank, tỷ lệ dân số thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ tăng từ 13% lên 26% vào năm 2026. Bên cạnh đó, ngành Bảo hiểm cũng được hỗ trợ bởi việc tái cấu trúc hệ thống khám chữa bệnh, chế độ bảo hiểm xã hội và khả năng gia tăng tỉ lệ tiếp cận khách hàng thông qua hệ thống ngân hàng (Bancassurance).

Mặc dù bị những tác động mạnh của đại dịch Covid-19, tuy nhiên, doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng ấn tượng. Theo tổng hợp số liệu nghiên cứu của tác giả trong giai đoạn 2015 - 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm thị trường Việt Nam tăng trưởng ấn tượng từ 19% đến 26% mỗi năm. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng từ 24% đến 35%/năm, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng từ 8,5% đến 16%/năm.

Về khung pháp lý, tháng 8/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo ngành Bảo hiểm không bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài; điều này sẽ mở đường cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các công ty bảo hiểm, qua đó, thúc đẩy quá trình thoái vốn Nhà nước trong ngành. Cùng với đó là những thay đổi tích cực trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm mới sẽ được ban hành trong năm 2022 về quản lý tài chính bảo hiểm, các quy định về hợp đồng bảo hiểm và cơ sở dữ liệu toàn thị trường hứa hẹn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển. Với những điều kiện thuận lợi như vậy, ngành Bảo hiểm sẽ tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng hai con số trong tương lai như trong giai đoạn 2015 - 2021 vừa qua.

Thu Uyên (Tổng hợp)